Liên tiếp những sự việc đau lòng
Vụ việc bé trai 17 tháng tuổi ở huyện Thường Tín (Hà Nội) bị hai "ác mẫu" đánh đập dẫn đến tử vong mới đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc trẻ bị bạo hành tại các cơ sở trông giữ trẻ.
Vào tháng 1 năm nay cũng xảy ra một vụ bạo hành trẻ gây rúng động tại quận Bình Tân (TP.HCM). Bảo mẫu trông giữ trẻ trái phép này đã đánh bé 6 tháng tuổi dập não. Kết quả giám định sơ bộ thương tích của bé là 99%.
Hay một vụ việc đau lòng khác xảy ra năm 2022, cháu bé được mẹ gửi lại Hà Nội để đi làm công nhân tại Bắc Giang. Trong quá trình trông trẻ, do cháu bị sốt và quấy khóc nên người trông trẻ tên Linh và chồng là Vũ đã hành hạ bé. Trẻ sau đó phải nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao…
Cũng trong năm 2022, tại Đà Nẵng, Lâm Đồng... liên tiếp xảy ra các vụ việc giáo viên nhóm có hành vi đánh, xách, ném, kéo lê, dọa nạt trẻ và cho trẻ ăn đồ ăn đã nhả ra, đút cơm thô bạo hoặc dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu trẻ…
Điểm chung của các vụ việc bạo hành trẻ em liên quan đến các nhóm trẻ, cơ sở trông, giữ trẻ tự phát đó là bảo mẫu thường không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm mầm non; các nhóm trẻ, cơ sở trông, giữ trẻ này không có cấp phép hoạt động; chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không bám nắm địa bàn thường xuyên hoặc nắm được nhưng lại thiếu biện pháp xử lý kiên quyết.
Chấp nhận sự tồn tại của nhóm lớp nhưng phải quản lý chặt
Trong Thông tư 49/2021 do Bộ GD&ĐT ban hành về Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, trong đó ghi rõ những quy định trong tổ chức, quản lý, tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục, với nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 7 trẻ, nhóm trẻ độc lập quy mô trên 7 trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập. Tuy nhiên, qua vụ việc ở Thường Tín (Hà Nội) cho thấy, việc xử phạt những cơ sở trông giữ trẻ chui chưa dứt điểm, mạnh tay.
Theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, các địa phương cần chỉ đạo quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư. Cần có đủ trường mầm non công lập trên các địa bàn dân cư, nhất là các khu đô thị mới để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân là gửi con em ở các trường học nếu có nhu cầu.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, xu hướng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập là cần thiết và cần được khuyến khích, tạo điều kiện. Đi cùng với đó là việc thanh kiểm tra thường xuyên liên tục, đảm bảo các điều kiện hoạt động về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình… để mỗi ngày đến lớp của trẻ là một ngày vui. Đặc biệt, cần mạnh tay xử lý các cơ sở hoạt động không phép để người dân yên tâm gửi gắm con.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đang chờ TP.Hà Nội báo cáo về vụ việc này.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cho rằng, không thể vì một số vụ việc xảy ra ở các nhóm lớp mầm non tư thục mà phủ nhận sự tồn tại của các nhóm lớp mầm non tư thục độc lập. "Chấp nhận nhưng cũng không thể vì thế mà buông lỏng quản lý. Quan điểm là quản lý thì phải chặt nhưng phải có chính sách hỗ trợ phù hợp, chấp nhận sự tồn tại của các nhóm lớp mầm non tư nhưng phải làm thế nào để nâng cao chất lượng, đảm bảo sự an toàn cho trẻ".
Nói về vai trò của giáo viên mầm non, ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân - giảng viên Khoa Giáo dục mầm non, Trường Đại học Hùng Vương cho biết, giáo viên mầm non là những người giúp cha mẹ trẻ quản lí trẻ trong thời gian ở trường, là người bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; là người mẹ thứ hai của trẻ và cũng là người bạn lớn của trẻ. Bên cạnh đó, người giáo viên mầm non chính là người xây dựng môi trường tâm lý, môi trường vật chất cho sự phát triển của trẻ.
"Khi đã xác định là giáo viên mầm non thì cần phải có tình yêu nghề, thương mến trẻ cũng như phải có đủ kiến thức chăm sóc, giáo dục, quản lý trẻ và nhất định phải đạt chuẩn nghề nghiệp của giáo viên mầm non.
Nếu vì mưu sinh thì không nên trở thành giáo viên mầm non. Nếu vì áp lực mà hành hạ, đánh đập trẻ là vi phạm đạo đức nghề giáo và vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em".