Từ vụ "bác sĩ Khoa", nhiều lo lắng về hoạt động từ thiện trên mạng xã hội

11-08-2021 16:31 | Xã hội
google news

SKĐS - Liên quan đến vụ “bác sĩ Khoa”, Sở TT&TT TP. HCM cho biết có dấu hiệu trục lợi trong vụ việc. Nhiều ý kiến đang tỏ ra lo lắng về hoạt động từ thiện trên mạng xã hội hiện nay.

Có dấu hiệu trục lợi trong hoạt động từ thiện vụ "bác sĩ Khoa"

Theo Sở TT&TT TP. HCM, đây là vụ việc có dấu hiệu trục lợi với một nhóm được thành lập. Theo tìm hiểu ban đầu, nhóm này dùng các tài khoản giả nhưng lại có tương tác thật trên mạng. 

Nhóm này có tổ chức và tạo thông tin như thật về mỗi thành viên trên facebook, hoạt động có hệ thống để đi vận động kêu gọi từ thiện trên mạng.

Thông tin giả về "bác sỹ Khoa" xuất hiện trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận

Thông tin giả về "bác sỹ Khoa" xuất hiện trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận

Bước đầu, Sở đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền như Bộ TT&TT để tổng hợp, xác định, làm rõ các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP HCM hay không. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các ngành để xử lý các thông tin ảnh hưởng đến chính sách của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 hoặc tạo sự hoang mang cho người dân trong thời gian gần đây.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng luật sư Việt Lý (Đoàn luật sư TP Hà Nội), khi đọc hoặc nghe thông tin về sự cố hay một vấn đề xã hội, những người có lòng trắc ẩn thường muốn giúp đỡ ngay lập tức. Một số đối tượng lợi dụng điều này tiến hành chiêu trò lừa đảo, trục lợi. Từ thực tế trên đòi hỏi mỗi người cần tìm hiểu kỹ lưỡng, tốt nhất là nên xem tin tức trên báo, đài chính thống; không nên quá tin tưởng vào thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội.

Hành vi trục lợi từ hoạt động từ thiện không những vi phạm pháp luật mà còn làm mất lòng tin, lòng tốt và tâm hướng thiện. Pháp luật cần nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức có hành vi trên.

Trục lợi từ thiện gây tổn thương đến niềm tin của con người 

Liên quan đến hành vi trục lợi từ hoạt động từ thiện, luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, sở dĩ vụ việc này lan tỏa với tốc độ chóng mặt được hàng triệu người biết đến chỉ trong thời gian ngắn là do từ ban đầu nó được những người có uy tín, có ảnh hưởng trong xã hội chia sẻ, đăng tải trên mạng xã hội. Nếu cơ quan chức năng không kịp thời điều tra, làm rõ và kết luận đây là tin giả, thì sẽ có không ít người bị lừa, chuyển tiền từ thiện.

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh, thành với sự nỗ lực, hy sinh quên mình của các "chiến sĩ áo trắng" ở tuyến đầu chống dịch đang cần được động viên, giúp đỡ, chia sẻ, thì việc xuất hiện tin giả trên đã gây tổn thương đến tình cảm và niềm tin của không ít người.

Theo cơ quan chức năng, nhóm đối tượng tạo dựng, phát tán tin giả về "bác sĩ Khoa" có nhiều người, sử dụng nhiều tài khoản Facebook, đưa ra nhiều câu chuyện mủi lòng để đánh vào tâm lý, tình thương của mọi người rồi đề nghị quyên góp ủng hộ, chiếm đoạt tài sản. Do đó, vụ việc có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Điều 174 BLHS-2015 quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh… thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Luật sư Lê Hồng Vân nhận định, việc các đối tượng đưa thông tin gian dối về người đang gặp hoạn nạn, về sự việc hoạn nạn để đánh vào lòng thương, sự trắc ẩn trong mỗi con người. Từ đó, để họ chuyển tiền, tài sản cho nhóm đối tượng này và lầm tưởng rằng mình đang làm thiện nguyện, giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn.

Hành vi trên ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm lòng tin và sự tử tế của con người, làm xói mòn đạo đức xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các y - bác sĩ nói riêng và ngành Y tế nói chung. Do đó, việc phát hiện, xử lý nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản này là rất cần thiết đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay.


H. Phong
Ý kiến của bạn