Từ vụ 6 công nhân tử vong vì bụi phổi: Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đừng làm cho có

30-12-2023 10:20 | Xã hội
google news

SKĐS - Việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động được quy định rất rõ trong Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, thực tế tại Nghệ An không ít doanh nghiệp bớt xén, không tuân thủ hoặc thực hiện mang tính hình thức, đối phó.

Người sử dụng lao động "ngại" hay "lờ"?

Sự việc đau lòng về 6 công nhân làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến (KCN Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) tử vong do bệnh bụi phổi làm hàng trăm người lao động từng hoặc đang làm việc tại doanh nghiệp này sống trong lo sợ. 

Nỗi lo sợ được đẩy lên đến đỉnh điểm khi có 57 công nhân của đơn vị này tiếp tục phát hiện mắc bệnh bụi phổi trong đợt khám phát hiện bệnh nghề nghiệp vào ngày 8/11 vừa qua. 

Sự việc là hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động và kiểm soát bệnh nghề nghiệp.

Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đừng làm cho có- Ảnh 1.

Công nhân Công ty TNHH Châu Tiến,tại KCN Nam Cấm, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) khám bệnh nghề nghiệp.

Anh Lương Đức Hưng (49 tuổi, trú ở xóm 5, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc) cho biết,  anh là 1 trong hàng chục người mắc các bệnh về phổi sau khi làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến, hiện anh đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Nghệ An. 

Vào làm việc tại công ty này hơn 5 năm, đến tháng 8/2022, anh Hưng được Bệnh viện Phổi Trung ương chẩn đoán bị bụi phổi silic cùng nhiều công nhân khác. 

"Tôi làm việc ở bộ phận tách hạt hơn 5 năm. Trong suốt 5 năm, chúng tôi chưa một lần được công ty đưa đi khám sức khỏe định kỳ", anh Hưng nói.

Cũng như anh Hưng, chị Hoàng Thị Liên (47 tuổi, trú xóm 8, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) cho biết, làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến từ năm 2015 đến năm 2021 nghỉ việc. 

"Thời gian làm việc tại công ty vất vả, cực nhọc nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành. Để tránh bụi đá mù mịt trong công xưởng, công nhân phải ra bờ ao giăng bạt để ăn cơm. Để đảm bảo quyền lợi cho bản thân, nhiều lần chị và mọi người kiến nghị lên công ty không được nên nghỉ việc", chị Liên kể. 

Theo chị Liên, thời gian làm việc ở công ty, chị và mọi người không được thăm khám bệnh. "Sau khi các công nhân tử vong, tôi được thông báo đi khám và mới biết kết quả mắc bệnh bụi phổi do một người làm ở Trạm Y tế thông báo. Công ty chưa có thông tin gì cho mọi người", chị Liên cho biết. 

Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đừng làm cho có- Ảnh 2.

57 công nhân của công ty Châu Tiến vừa phát hiện mắc bệnh bụi phổi trong đợt khám phát hiện bệnh nghề nghiệp vào ngày 8/11 vừa qua.

Bên cạnh những doanh nghiệp "lờ" việc tổ chức khám bệnh nghề nghiệp định kỳ cho người lao động, có những đơn vị "kể khổ" đổ lỗi rằng đã trang bị đủ bảo hộ lao động, tuyên truyền đủ kiến thức, nhưng người lao động vẫn không thực hiện.

"Ở đây có lao động lâu dài và thời vụ. Với những lao động lâu dài, công ty có phụ cấp độc hại và kinh phí kiểm tra khám sức khỏe định kỳ. Phần lớn người lao động không đi khám và cũng không thực hiện đúng quy định về an toàn vệ sinh lao động", chị Lê Quỳnh Trang, chủ một đơn vị cung cấp đá tự nhiên làm công trình cho hay.

Tất nhiên có cả những trường hợp chị Nguyễn Thị H., công nhân công ty giày da ở thành phố Vinh cho biết, chị và nhiều đồng nghiệp muốn vào làm ở bộ phận có yếu tố độc hại cao để có thêm phụ cấp. "Khi làm việc trong môi trường này, vì lười và ngại nên rất ít người thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động cũng như đi khám định kỳ", chị H. chia sẻ.

Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của một số đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế. Người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động.

Đơn cử, như không tham dự, không cử người tham dự các lớp tập huấn do các cơ quan chức năng tổ chức, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, không phân loại lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, không quan trắc môi trường lao động, không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động và không tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động…

Kiểm tra, xử lý rồi "đâu lại vào đấy"

Sở dĩ có tình trạng nhiều doanh nghiệp phớt lờ việc khám sức khỏe định kỳ và phát hiện bệnh nghề nghiệp cho công nhân là do số tiền nộp phạt thấp hơn số tiền phải bỏ ra để khám sức khỏe cho người lao động. Khi cơ quan chức năng vào kiểm tra, giám sát, nhiều chủ doanh nghiệp cố tình né tránh.

Trong năm 2023, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp một số đơn vị chức năng Nghệ An thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại 10 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An triển khai 2 đoàn liên ngành kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản (trong đó có pháp luật về an toàn vệ sinh lao động) tại 24 doanh nghiệp hoạt động khoáng sản.

Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đừng làm cho có- Ảnh 3.

Công nhân công ty TNHH Châu Tiến, khám bệnh nghề nghiệp.

Các sở, ngành, địa phương vào cuộc kiểm tra, giám sát về lao động, an toàn vệ sinh lao động, BHXH tại gần 1.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Sở Y tế kiểm tra 6 trung tâm y tế huyện, thị xã và 642 cơ sở, doanh nghiệp; Sở Xây dựng kiểm tra, hướng dẫn tại 124 cơ quan, công trình xây dựng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra 25 doanh nghiệp; Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra 25 đơn vị, doanh nghiệp; Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra, giám sát 6 doanh nghiệp; UBND huyện Nghi Lộc 28 doanh nghiệp và UBND huyện Nam Đàn 23 doanh nghiệp…

Các lỗi được các đoàn thanh kiểm tra chỉ ra như: Người sử dụng lao động chưa tổ chức huấn luyện lần đầu, định kỳ về công tác an toàn vệ sinh lao động. Chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ, trang cấp chưa đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Chưa quan trắc môi trường lao động và chưa khai báo việc sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động...

Rõ ràng, hằng năm số doanh nghiệp được thanh kiểm tra, tập huấn không phải là ít. Tuy nhiên, việc khắc phục, chấp hành lại không cao. 

Đa phần các doanh nghiệp ngay từ đầu thiếu công tác phân loại lao động hoặc phân loại một cách cảm tính. Thêm vào đó, công tác quản lý và giám sát sau thanh, kiểm tra chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng "đâu lại vào đấy". Rất nhiều doanh nghiệp đã được chỉ ra sai phạm và hạn chế rồi nhưng khắc phục chưa tốt...
Ông Hoàng Thanh Bình - chuyên viên Ban Chính sách Pháp luật - Quan hệ Lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An

Cùng quan điểm, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho rằng, việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện về an toàn vệ sinh lao động, nhất là lĩnh vực vệ sinh lao động của một số cơ quan, chính quyền hiện chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cơ quan chức năng chưa thường xuyên. Ngoài ra, một số nội dung quy định trong văn bản pháp luật chưa sát thực tiễn, việc xử lý qua thanh tra, kiểm tra, điều tra chưa thực sự nghiêm khắc, mới chỉ mang tính chất nhắc nhở, hướng dẫn.

Thêm vào đó, cán bộ quản lý Nhà nước phụ trách lĩnh vực về an toàn vệ sinh lao động chủ yếu là kiêm nhiệm. Các lực lượng thanh, kiểm tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh lao động ít về số lượng, chất lượng chưa đồng đều (đa số không được đào tạo kiến thức chuyên ngành về khoa học, kỹ thuật). Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, do đó, việc bố trí kinh phí phục vụ cho hoạt động an toàn vệ sinh lao động hàng năm còn hạn hẹp…

Khi những hạn chế về ý thức, nhận thức và công tác kiểm tra, giám sát chưa được khắc phục triệt để, việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động nói chung và khám bệnh định kỳ cho người lao động ở các doanh nghiệp có nguy cơ cao nói riêng, sẽ rất khó để thực hiện.

Theo Sở Y tế Nghệ An, 10 tháng đầu năm 2023, Sở đã khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 35 lượt đơn vị, với tổng số 15.823 công nhân. Thực hiện khám các bệnh nghề nghiệp như: Lao, bụi phổi Silic, hen phế quản, rung toàn thân, rung cục bộ, điếc, viêm da, sạm da, nhiễm độc hóa chất, viêm phế quản... cho 14 lượt đơn vị, với 2.751 công nhân. Đồng thời, tiến hành quan trắc môi trường lao động tại 15 cơ sở sản xuất, với tổng số 1.645 mẫu vật lý và 1.240 mẫu đo hóa học.

Hàng chục công nhân mắc bệnh bụi phổi ở Nghệ An: Sống trong nghèo khó và nỗi lo bệnh tậtHàng chục công nhân mắc bệnh bụi phổi ở Nghệ An: Sống trong nghèo khó và nỗi lo bệnh tật

SKĐS - Thông tin 6 công nhân tử vong liên quan đến bụi phổi và bệnh phổi làm hàng chục người từng làm việc trong Công ty TNHH Châu Tiến chưa hết lo lắng nay họ lại nhận được "trát" bị mắc bệnh bụi phổi trong đợt khám bệnh nghề nghiệp vừa qua càng làm mọi người hoang mang cực độ.


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn