Từ vụ 4 người tử vong do ngộ độc khí ở Thủ Đức, bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân và cách phòng tránh

23-05-2022 16:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Câu chuyện 4 trường hợp tử vong đột ngột tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) do ngộ độc khí trong những ngày vừa qua đã gây sửng sốt cho nhiều người dân. Câu hỏi đặt ra là, vì sao những người này lại bị ngộ độc khí nguy hiểm đến vậy?

Như đã thông tin, sáng 18/5, hàng xóm cùng dãy trọ không thấy gia đình ông L.V.K. (45 tuổi, quê Bình Thuận) thức dậy như thường ngày nên đến gõ cửa. Sau nhiều lần gõ cửa và gọi điện thoại không có người trả lời, người dân tìm cách phá cửa vào kiểm tra và phát hiện 4 người trong gia đình, gồm ông: L.V.K. (45 tuổi), bà N.T.L (44 tuổi, vợ ông K.), con gái tên L.T.K.L. (21 tuổi) và con trai L.Q.H. (14 tuổi) nằm bất động, cơ thể tím tái.

Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng vợ chồng ông K. và người con trai đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Người con gái được chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Dù được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tích cực cứu chữa nhưng cô cũng không qua khỏi vào chiều ngày 19/5.

Theo người dân xung quanh, ông K. và vợ làm nghề bán cá hấp ở chợ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hai người con cũng nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Thời điểm phát hiện vụ việc, nồi cá hấp vẫn đang sôi trên bếp, trong phòng trọ bốc lên mùi khó chịu.

Cách đây ít ngày, ông K. đã dùng vải bịt kín các lỗ thông gió trong phòng trọ để lắp máy lạnh.

Qua khám nghiệm hiện trường, bước đầu công an nhận định nguyên nhân có thể do gia đình nấu đồ ăn trong nhà, đóng kín cửa, kèm thêm khí gas… dẫn đến ngạt khí.

Từ vụ 4 người bị tử vong do ngộ độc khí ở Thủ Đức, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân và cách phòng tránh - Ảnh 1.

Căn nhà trọ xảy ra vụ nghi ngạt khí ở Thành phố Thủ Đức, TP.HCM.

Thông qua những thông tin báo chí đăng tải và phía công an kiểm tra hiện trường cung cấp, hình ảnh chụp căn phòng trọ... Đồng thời với thông tin từ các bác sĩ cấp cứu làm việc tại Bệnh viện Thủ Đức lúc nhận bệnh và Bệnh viện Chợ Rẫy, ThS.BS Doãn Uyên Vy - phụ trách Phòng khám chống độc của Bệnh viện Chợ Rẫy đã chỉ ra những nguyên nhân khiến cho những người trong gia đình này bị ngộ độc khí dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ Uyên Vy, không gian phòng trọ cho 4 người ở chỉ có 16m2 là chật hẹp và lại được che kín tất cả những lỗ thông gió có trong phòng bằng tấm vải nylon cách đây vài ngày để gắn máy lạnh.

"Với không gian này, theo tính toán ước tính có khoảng 40 m3 không khí để hít thở cho 4 người là sẽ bị ngột ngạt, thiếu oxy. Nhu cầu tối thiểu của 4 người này phải là 60 m3 không khí để hít thở bởi nhu cầu tối thiểu cho một người bình thường hít thở phải là 15 m3 không khí trong 24 giờ thì mới không bị ngạt. Không gian kín mở máy lạnh (hoạt động của máy lạnh thời nay là chỉ lấy không khí trong phòng để làm lạnh và thổi ra lại). Đây là không gian hẹp, thiếu không khí và oxy", bác sĩ Vy cho biết.

Cũng theo bác sĩ Uyên Vy, khi phát hiện nạn nhân, ghi nhận trên bếp gas có nồi cá hấp vẫn còn đang sôi trên bếp. Tuy nhiên 4 người đều nằm bất động tím tái. Nghĩa là, trước đó, vẫn có người ngồi dậy bật bếp lửa. Như vậy, sự bất động mới xảy ra từ sau khi bật bếp gas. Khi bật bếp gas có lửa cháy là tiêu thụ oxy nhiều hơn do đốt cháy khí gas là propane là hydrocarbon (khí không độc, không mùi). Nhưng nếu nhiều khí gas trong phòng tức là sẽ chiếm thể tích không gian, làm giảm oxy trong phòng sẽ càng dễ bị ngạt do thiếu oxy thêm hơn.

Gia đình nạn nhân làm nghề hấp cá lâu năm, thói quen hấp cá ngoài hành lang trước của phòng trọ hàng xóm vẫn nhìn thấy. Sáng ngày 18/5, gia đình không hấp cá bên ngoài phòng mà nấu cá trong phòng kín.

Xem các quy trình hấp cá trên mạng xã hội cho thấy, có hiện tượng dự trữ cá lượng nhiều mấy chục ký trong nhà cho việc mua bán, thực hiện làm sạch cá trước khi hấp và muối cá trước khi hấp. Và khi hấp thường hấp lượng lớn trong nồi to.

Như vậy, khả năng dự trữ cá biển trong nhà nạn nhân để bán là có và sẽ có hiện tượng cá ươn sình thối mà không biết (từ ruột cá, vảy cá, thịt cá, cá cũ). Những loại thịt cá này hay xác động vật nói chung khi ươn thối, sình sẽ cho ra mùi thối tanh khó chịu. Mùi thối này sinh ra là hydrogen sulfide (H2S) là hơi độc chết người khi hít phải lượng nhiều. Khi nấu, hấp cá đã ươn lượng nhiều thì lượng khí H2S sẽ bốc hơi ra, bay ra nhiều.

Có phải ngộ độc khí CO?

Tại hiện trường có mùi khó chịu, được ghi nhận qua lời kể của hàng xóm khi phát hiện nạn nhân. Theo bác sĩ Vy, giả thuyết đang đưa ra là do ngộ độc khí CO là không phù hợp vì khí CO không có mùi và tại hiện trường không có nguồn than củi nào cho rằng đang cháy để sinh ra khí CO.

"Giả thuyết nghi ngờ ngộ độc khí CO không phù hợp và không thuyết phục. Như vậy, phải có khí độc khác làm nạn nhân chết nhanh không chống cự và chết hàng loạt chính là khí H2S làm "knockdown" (hạ gục - PV) hàng loạt. Khả năng trong số cá ngày hôm đó có số lượng cá cũ có ươn sình trong bụng ruột cá, khi đun nấu làm bốc khí hơi H2S nhiều, khởi đầu có thể còn ngửi thấy mùi, nhưng khi H2S ở nồng độ cao sẽ làm liệt khứu giác nên không còn cảm nhận có mùi gì trong phòng, khi đó nạn nhân có thể bị ngất và tử vong", bác sĩ Uyên Vy nhận định.

Thực tế trên lâm sàng khi nhập Bệnh viện Thủ Đức của nạn nhân nữ có tình trạng toan chuyển hóa rất nặng, ngưng tim ngưng thở nhanh. Còn 3 người đã tử vong trước khi nhập Bệnh viện Thủ Đức có môi và da dẻ còn hồng như đang ngủ bình thường. Nguyên nhân tử vong của 3 trường hợp này ghi nhận do phù phổi cấp. Tất cả những biểu hiện lâm sàng này là phù hợp với nguồn độc khí H2S gây ra vì khí H2S làm ức chế hô hấp tế bào. Và kiểu chết "knockdown" của 4 nạn nhân là phù hợp với ngộ độc H2S. Do đó, theo bác sĩ Vy, chẩn đoán cuối cùng cho tình huống gia đình làm nghề hấp cá tử vong là ngộ độc khí Hydro Sulfide H2S.

Trước đây đã từng có nhiều trường hợp xảy ra các tình huống chết hàng loạt khi con người đi vào hầm chứa cá của tàu đánh cá, vệ sinh hầm chứa nước thải của cơ sở sản xuất nước mắm làm từ cá, xuống cống nạo vét hay đổ acid mạnh xuống cống, đi xuống hầm biogas và tử vong hàng loạt nhanh nhiều người cùng lúc. Đó là đặc điểm của tình huống ngộ độc khí độc H2S.

Khi nạn nhân tử vong một cách đột ngột trong phòng kín thiếu oxy thì nguyên nhân tử vong là do ngạt thiếu oxy hoặc vì có hơi độc, khí độc. Hơi độc ức chế hô hấp tế bào sẽ gây trụy tim mạch, ngưng tim, ngưng thở nhanh chóng. Những khí độc gây ức chế hô hấp tế bào như khí hydrogen cyanide (cyanure) là HCN, khí arsine/AsH 3, khí borane BH3, khí hydro sulfide H2S (mùi thối).

Nhằm phòng tránh các nguy cơ từ các tai nạn ngộ độc do khí, Th.S.BS Doãn Uyên Vy đưa ra khuyến cáo:

  • Người dân không được đổ xác cá, tôm, cua xuống cống rãnh, toilet.
  • Không được đổ các acid mạnh xuống cống hay toilet lượng nhiều vì sẽ làm xác chết động vật ở dưới cống sinh ra khí H2S nhiều và bốc hơi lên mạnh, có thể vào nhà qua đường cống.
  • Không được đun nấu tôm, cua, cá bị ươn trong phòng kín có xài máy lạnh và chật hẹp khiến cho khí H2S bốc ra từ cá ươn tích tụ trong phòng kín máy lạnh khắp phòng có H2S.

"Trong môi trường có khí H2S, những đồ vật kim loại như đồng xu, chìa khóa… có thể bị ố đen là dấu hiệu cho thấy có khí độc H2S", bác sĩ Doãn Vy cho hay.

Người con gái trong gia đình 3 người tử vong tại phòng trọ ở Thủ Đức không qua khỏiNgười con gái trong gia đình 3 người tử vong tại phòng trọ ở Thủ Đức không qua khỏi

SKĐS - Dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng người con gái trong gia đình 4 người bị ngạt khí ở Thủ Đức, TP.HCM đã tử vong.


Kim Vân
Ý kiến của bạn