Theo số liệu tình hình dịch bệnh của Tổng cục Thống kê công bố, trong 5 tháng đầu năm 2019, nước ta đã 187 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do virut và 8 trường hợp tử vong.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm màng não
Các bệnh viêm não, màng não thường không có dấu hiệu điển hình ở giai đoạn sớm, với các biểu hiện lâm sàng giống các bệnh đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, buồn nôn.
Tuy nhiên, cũng có trẻ không có những triệu chứng này, đặc biệt ở nhóm trẻ sơ sinh, ban đầu trẻ có thể chỉ quấy khóc, rên rỉ, hay nhìn ngược, hay trớ, chán ăn... Do đó, việc phát hiện viêm não, viêm màng não ở trẻ nhỏ rất khó khăn.
Tuy nhiên, những dấu hiệu gợi ý sau để phát hiện viêm màng não như:
Co giật: Có thể ở tay, chân, mắt, miệng hoặc toàn thân. Một số trẻ co giật đơn thuần do sốt cao hoặc có một số trẻ do rối loạn điện giải, nhưng cũng cần phải theo dõi xem trẻ có bị viêm màng não không.
Rối loạn ý thức: Lúc đầu trẻ trong tình trạng dễ bị kích động, sau đó có thể ngủ li bì, lờ đờ, hôn mê.
Trẻ thường kêu đau đầu, nôn hoặc có biểu hiện liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở chân, tay hoặc nửa người.
Cha mẹ cần lưu ý, quan sát những dấu hiệu nghi ngờ ở trẻ nếu sốt cao uống hạ sốt không đỡ, trẻ kèm thêm đau đầu, mệt, buồn nôn và nôn, kích thích, thay đổi ý thức nhẹ cần đưa vào viện ngay.
Với viêm não do virut tay chân miệng, trẻ có thể xuất hiện các bọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hay các chấm hoại tử. Với viêm màng não, ngoài sốt cao, trẻ có thể cứng cổ, nếu còn thóp có thể thấy thóp phồng căng.
Cha mẹ không nên cố giữ trẻ ở nhà điều trị dẫn đến hôn mê, co giật mới đưa đến viện, lúc đó đã ở giai đoạn muộn, dễ để lại di chứng nặng nề...Vì vậy, khi có các biểu hiện nghi ngờ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Viêm màng não do virut gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Phòng bệnh thế nào?
Hầu hết những trẻ mắc viêm não, viêm màng não từ các căn nguyên đã có vắc-xin chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, cách phòng tránh bệnh viêm màng não tốt nhất là thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy; áp dụng các biện pháp phòng muỗi đốt; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Việc tiêm vắc-xin để ngừa bệnh khá hiệu quả. Tuy nhiên, 1 vắc-xin chỉ phòng được 1 bệnh viêm não hoặc màng não.
Hiện nay ở Việt Nam đã có vắc-xin ngừa viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ do HIB, vắc-xin viêm màng não do mô cầu type A, C, vắc-xin ngừa phế cầu...
Riêng đối với virut gây bệnh viêm não Nhật Bản: hãy đưa trẻ tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản:
Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Ngoài ra để tránh viêm não thứ phát, các bậc cha mẹ cũng nên cho con tiêm phòng đầy đủ các bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, cúm...