ThS. Nguyễn Trung Nguyên phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong thời gian gần đây, tình hình ngộ độc methanol có xu hướng gia tăng. Bên cạnh nguyên nhân do người dân uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc, còn có những trường hợp uống cồn y tế pha thay rượu (do nghiện rượu, thiếu rượu để uống hoặc hiểu nhầm cồn y tế là an toàn).
Hầu hết các trường hợp uống cồn y tế đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc cho tới nay đều bị ngộ độc methanol nặng. “Từ tháng đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Chống độc đã ghi nhận 4 trường hợp ngộ độc methanol do uống cồn y tế, trong đó 1 bệnh nhân nặng đã tử vong, 1 bệnh nhân để lại di chứng trên não, 2 bệnh nhân được hồi phục”- ThS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Liên quan đến kết quả xét nghiệm trong cồn y tế có thành phần methanol là 88% mà bệnh nhân H. đã dùng, PGS.TS. Nguyễn Đăng Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội cho rằng, cồn y tế 90 độ thành phần gồm 90% là cồn ethanol, còn lại gần 10% là nước và tỷ lệ rất thấp tạp chất. Nếu dung dịch có tới 88% cồn công nghiệp methanol thì không thể gọi đó là cồn y tế được.
Loại cồn mà nạn nhân đã pha để uống.
Còn theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh - Phó giám đốc Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, trong quá trình chưng cất, cồn y tế vẫn có thể lẫn một lượng rất nhỏ tạp nhất, trong đó có thể có methanol nhưng hàm lượng methanol không được vượt quá giới hạn cho phép. Trong Tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam 4 hiện hành đã quy rất rõ về cồn ethanol gốc 96 độ, hàm lượng methanol trong đó không được quá 200 phần triệu, một tỷ lệ quá nhỏ. Sau đó từ cồn gốc ethanol 96 độ này có thể pha ra các loại cồn y tế khác nhau, gọi là cồn ethanol pha loãng và chỉ pha với nước để thành cồn y tế 70 độ hoặc 90 độ. “Nếu như thông tin Bệnh viện Bạch Mai cung cấp rằng, kết quả xét nghiệm không có ethanol. Đặc biệt, hàm lượng cồn methanol là 88% thì chắc chắn là không ổn”- PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh nói.
Các chuyên gia Đại học Dược Hà Nội cũng cho rằng, cần phải trưng cầu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm cồn y tế của công ty sản xuất ra loại cồn mà bệnh nhân H. đã dùng để làm rõ vấn đề này. Từ đó có thể xử lý vi phạm và kịp thời khuyến cáo đến người dân.
Trước thực trạng trên, Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn gửi Cục quản lý dược và Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đề nghị kiểm tra thành phần methanol trong cồn sát trùng, có biện pháp kiểm soát thành phần methanol trong cồn sát trùng, quy định ghi rõ hàm lượng các thành phần trên nhãn mác chai cồn.
Yêu cầu ghi rõ nhãn mác các chai lọ, cồn sát trùng các thông tin: hàm lượng ethanol, hàm lượng methanol. Trường hợp có thành phần methanol thì cần phải ghi rõ “chứa cồn công nghiệp methanol - không được uống”. Về hình thức các sản phẩm cồn: Nên đóng chai lọ cồn sát trùng và nhãn mác khác hoàn toàn so với chai lọ nước cất, nước rửa mắt, mũi để tránh nhầm lẫn.
Kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện các bước để đưa thêm chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để tránh việc một số nhà sản xuất cồn sát trùng mua cồn công nghiệp về sơ chế hoặc đóng chai thành cồn sát trùng hoặc kẻ xấu pha cồn công nghiệp thành rượu lậu để bán.
Nên thêm chất chỉ thị màu khác với màu của cồn công nghiệp vào chai lọ cồn sát trùng để người dân không nhầm lẫn và biết nguy cơ phòng tránh ngộ độc.