Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 200 ngàn người bị tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm hơn 33% các trường hợp tử vong chung; số tử vong này có thể gấp 20 lần do bệnh ung thư và gấp 10 lần do tai nạn giao thông. Đây là một căn bệnh mạn tính có thể chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Những vấn đề cần biết về bệnh tim mạch
Theo nghiên cứu của Hội Tim mạch Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng 25% dân số bị mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt bệnh lý tăng huyết áp ngày càng có dấu hiệu gia tăng ở những người còn rất trẻ thuộc nhóm tuổi lao động, thống kê ghi nhận có khoảng 47% số người từ 25 tuổi trở lên bị bệnh lý tăng huyết áp. Tuy vậy, trên thực tế có rất nhiều người vẫn chủ quan, không quan tâm đến tình trạng sức khỏe của mình để phòng ngừa và phát hiện bệnh lý tim mạch sớm để có biện pháp xử trí can thiệp kịp thời, phù hợp nhằm hạn chế tử vong.
Mọi người đều cho rằng bệnh tim mạch thường gây nên do các yếu tố về di truyền, mắc bệnh đái tháo đường, bị thừa cân béo phì, tuổi cao... nhưng thực tế bệnh lý này có liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý và lối sống không lành mạnh dẫn đến hậu quả nguy hại.
Trong cuộc sống hàng ngày, chế độ ăn uống nhiều chất muối, ít rau xanh, dùng nhiều chất béo có hại, ít vận động, hút thuốc lá và uống rượu nhiều, thường hay lo âu và bị ảnh hưởng của tình trạng stress thường xuyên... là những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tim mạch phổ biến này.
Nhiều trường hợp người bệnh chủ quan, bỏ qua những triệu chứng nhỏ như có dấu hiệu tăng huyết áp, tức ngực, khó thở... mà cứ để bình thường, không đi khám phát hiện bệnh để xử trí sớm nên có nguy cơ dẫn đến biến chứng trầm trọng và có thể bị đột quỵ dẫn đến tử vong.
Bệnh tim mạch là bệnh không lây nhiễm, có thể trở thành bệnh mạn tính; đây là bệnh rất dễ bị mắc dù không lây nhiễm, khó chữa trị, chi phí điều trị khá tốn kém và phải mất nhiều thời gian nên bệnh dù nặng hay nhẹ cũng làm ảnh hưởng đến yếu tố kinh tế, tinh thần, tâm lý... của bản thân và gia đình.
Tim mạch và hệ tuần hoàn là cơ quan cốt lõi duy trì sự sống của con người, nếu tim ngừng đập, máu ngừng chảy các cơ quan khác cũng không thể tồn tại, từ đó con người sẽ ra đi và không còn hiện diện là lẽ tất nhiên; vì vậy mọi người cần lưu ý và quan tâm đến bệnh lý này.
Chủ động phòng ngừa, bảo vệ trái tim
Muốn có một trái tim khỏe mạnh và một hệ thống mạch máu vững chắc, phòng ngừa các bệnh tim mạch, theo các nhà khoa học, ngoài yếu tố thông thường do di truyền, tuổi cao, chủng tộc... không thay đổi được, các yếu tố ảnh hưởng khác có thể kiểm soát, chủ động như thay đổi nếp sống sinh hoạt hàng ngày: siêng năng vận động, tập thể dục phù hợp, hạn chế thức khuya, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết, có nếp sống vui vẻ và lạc quan...
Ăn nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp, ăn thức ăn có nhiều cholesterol sẽ dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch; uống nhiều rượu bia, hút nhiều thuốc lá và thuốc lào sẽ làm tổn thương nội mạc, làm xơ vữa mạch máu và gây ra nhiều bệnh lý tim mạch. Đồng thời chế độ làm việc, lao động, học tập quá mức mà không có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, bị tác động bởi nhiều stress trong cuộc sống... cũng làm tim mạch bị ảnh hưởng.
Bệnh tim mạch cũng có thể do các bệnh chuyển hóa khác ảnh hưởng như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường...; vì vậy cần phải tuân thủ việc điều trị lâu dài các bệnh này với thời gian yêu cầu cần thiết.
Cần lưu ý hiện nay theo thống kê ghi nhận tại bệnh viện, cứ 3 trường hợp bị tử vong có 1 ca tử vong do bệnh tim mạch. Vì vậy cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bằng cách khắc phục và hạn chế các nguyên nhân đã nêu ở trên, đồng thời nên khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm cơ bản cần thiết để giúp phát hiện bệnh sớm, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp nhằm có biện pháp chủ động khống chế, không để bệnh tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại, thậm chí có thể bị tử vong do đột quỵ.
Ngay từ bây giờ, tất cả mọi người cần biết rõ 6 chỉ số kiểm soát sức khỏe tim mạch đã được nêu ở trên để tự bảo vệ bản thân mình bằng những biện pháp thiết thực nhằm tránh nguy cơ bị bệnh tim mạch dẫn đến đột quỵ và có thể tử vong. Bản thân mình bị hậu quả do bệnh tim mạch mang lại đã đành nhưng sự đau buồn và gánh nặng của gia đình cũng như xã hội phải gánh chịu lại càng rất lớn. Hãy lưu ý và quan tâm đến vấn đề này trước khi quá muộn.
6 chỉ số kiểm soát sức khỏe tim mạch
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể biết và nhớ nhiều con số quan trọng như tuổi tác, ngày sinh, số điện thoại, mật khẩu thiết bị điện tử và giao dịch ngân hàng... của bản thân mình cũng như người thân trong gia đình nhưng hầu như không biết rõ cụ thể các chỉ số có liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch như: huyết áp, cholesterol lipoprotein mật độ thấp LDL (low density lipoprotein), triglyceride, chỉ số khối cơ thể BMI (body mass index), chu vi vòng eo và đường huyết trong máu.
Đây là 6 chỉ số phản ánh các yếu tố nguy cơ có thể làm thay đổi bệnh lý liên quan đến bệnh động mạch vành CAD (coronary artery disease), một bệnh khá phổ biến trong các bệnh tim mạch đã làm cho nhiều người bị lên cơn đau tim và tử vong mỗi năm chiếm tỷ lệ rất cao.
Hầu hết những cơn đau tim đều có thể ngăn chặn được nếu biết các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra và chủ động kiểm soát chúng. 6 chỉ số kiểm soát sức khỏe tim mạch là bằng chứng khoa học để làm cơ sở cho việc phòng ngừa bệnh tim mạch dù rằng có một số ý kiến khác nhau đôi chút nhưng chung quy đều là những vấn đề cơ bản làm căn cứ nhằm xử trí can thiệp các yếu tố rủi ro có thể xảy ra và được xem như là một sự tiên lượng phán đoán; tuy nhiên trên thực tế, việc xử trí can thiệp có thể có hiệu quả cho người này nhưng kém đáp ứng đối với người khác.
Điều cần lưu ý là mọi người phải chủ động kiểm soát sức khỏe trái tim của mình để phát hiện các yếu tố rủi ro nhằm có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu những nguy cơ có thể phát triển thành bệnh động mạch vành và cơn đau tim có thể nguy hiểm đến tính mạng từ 6 chỉ số quan trọng cần phải biết sau đây:
Huyết áp 120/80: Huyết áp tối đa không được cao hơn 120 mmHg và huyết áp tối thiểu không được cao hơn 80 mmHg. Huyết áp tối đa còn gọi là huyết áp tâm thu phản ánh áp lực khi tim bóp để đẩy máu vào phổi và hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể. Huyết áp tối thiểu còn gọi là huyết áp tâm trương phản ánh áp lực khi tim nghỉ bóp, đang thư giãn và để nạp đầy máu.
Khi huyết áp tăng trên 120/80 mmHg, có nghĩa là cơ tim phải bóp mạnh hơn để thực hiện công việc đẩy máu vào phổi và các cơ quan trong cơ thể. Nếu tim càng khó khăn trong việc bơm máu đi, cơ tim sẽ càng trở nên dày hơn và cơ tim càng dày càng không thể bơm máu hiệu quả. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh tình trạng huyết áp cao tác động lên các động mạch sẽ làm thương tổn thành động mạch và đẩy nhanh sự phát triển hình thành bệnh động mạch vành.
Ai cũng biết rằng huyết áp càng cao càng nguy hiểm nhưng trên thực tế chính bản thân mình cũng không biết điều này đang xảy ra đối với chính mình vì huyết áp tăng thường không tạo ra triệu chứng cụ thể, vì vậy đây là vấn đề mà bác sĩ phải thực hiện việc đo huyết áp mỗi lần đến khám bệnh.
Nếu huyết áp cao hơn 120/80 mmHg, bác sĩ thường khuyến cáo và đề nghị thực hiện các biện pháp can thiệp vào lối sống sinh hoạt như: ăn ít chất muối, nhiều rau xanh, dùng ít chất béo có hại, bỏ uống rượu bia và hút thuốc lá, nghỉ ngơi hợp lý, giảm bớt stress, vận động, tập thể dục... để giúp hạ thấp huyết áp.
Lưu ý trường hợp huyết áp cao hơn 140/90 mmHg, nhiều người cần phải sử dụng thuốc chống tăng huyết áp để hạ thấp chúng xuống ở mức an toàn.
Cholesterol LDL 100: Cholesterol lipoprotein mật độ thấp LDL (low density lipoprotein) là một dạng chất béo chính lưu thông ở trong máu, chúng có thể lắng đọng lại trong thành động mạch làm cho thành động mạch bị biến đổi và tổn thương. Chỉ số lý tưởng nhất của LDL ở mức không được cao hơn 100 mg/dL và phải ở dưới mức 130 mg/dL mới bảo đảm an toàn.
Cũng giống như chỉ số huyết áp, chỉ số cholesterol LDL càng lên cao, nguy cơ bị đau tim càng rất lớn. Lượng cholesterol LDL và các chất béo khác ở trong máu có thể xác định được bằng phương pháp xét nghiệm máu cơ bản, nên thực hiện xét nghiệm này cứ mỗi 5 năm và bắt đầu ở tuổi 20 nhưng có thể thực hiện thường xuyên hơn nếu bác sĩ điều trị có khuyến cáo nên thực hiện xét nghiệm này để kiểm soát tình hình.
Trường hợp chỉ số chlolesterol LDL cao hơn mức bình thường, nên thay đổi chế độ sinh hoạt, đặc biệt là hạn chế ăn các loại chất béo có hại để hạ thấp chỉ số này; một số trường hợp cần phải sử dụng thuốc giảm cholesterol để hạ thấp chỉ số theo chỉ định của bác sĩ.
Triglycceride 150: Triglyceride là một dạng chất béo khác lưu thông ở trong máu và được các nhà khoa học cho rằng chúng có vai trò ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch nhưng để chứng minh cho sự ảnh hưởng này chưa được làm rõ và có cơ sở khoa học giải thích một cách đầy đủ.
Thực tế triglyceride trong máu tăng lên khi hàng ngày sử dụng và tiêu thụ nhiều chất carbohydrate đơn giản như đường, bánh mì, thức ăn nướng và rượu... Hầu hết nhiều người đều biết và thấy rõ nếu giảm sử dụng thực phẩm có nhiều chất carbohydrate trong chế độ ăn uống hàng ngày có thể giảm triglyceride trong máu.
Triglyceride cao là một yếu tố rủi ro gây nên bệnh xơ vữa động mạch, tạo thành các mảng mỡ làm động mạch bị hẹp lại có thể dẫn đến tình trạng đột quỵ hoặc cơn đau tim; chúng cũng có thể gây bệnh gan nhiễm mỡ, viêm tụy, tiểu đường, bệnh thận...
Huyết áp tối đa không được cao hơn 120 mmHg và huyết áp tối thiểu không được cao hơn 80 mmHg
Lưu ý nồng độ triglyceride bình thường trong máu phải thấp hơn 150 mg/dL, nếu 150 - 199 là cao nhẹ, 200 - 499 là cao và trên 500 là rất cao.
BMI 18,5 - 24,9: Chỉ số khối cơ thể BMI (body mass index) có thể nói là thước đo cân nặng liên quan đến chiều cao của mỗi người, đánh giá mức độ gầy hay béo và chỉ áp dụng cho người trên 19 tuổi. Chỉ số này được tính theo công thức: BMI (kg/m2) = cân nặng (kg) / chiều cao x chiều cao (m), không áp dụng cho phụ nữ có thai và không tính được lượng chất béo có trong cơ thể là yếu tố tiềm ẩn các nguy cơ liên quan đến sức khỏe.
Chỉ số này không chính xác đối với những vận động viên hay người tập thể dục thể hình vì các múi cơ bắp luôn nặng hơn mỡ nên khi tính BMI có kết quả ở mức béo hoặc rất béo; chúng cũng không chính xác đối với phụ nữ mang thai, đang cho con bú sữa mẹ và người vừa mới đau ốm dậy.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra tiêu chuẩn đánh giá các mức độ từ chỉ số BMI tính được với đơn vị kg/m2 gồm: gầy dưới 18,5; bình thường 18,5 - 24,9; thừa cân 25 - 29,9; béo phì độ I 30 - 34,9; béo phì độ II 35 - 39,9; béo phì độ III từ 40 trở lên.
Đối với người châu Á, trong đó có nước ta, chỉ số này có thể thay đổi như: gầy dưới 18,5; bình thường 18,5 - 22,9; thừa cân 23 - 24,9; béo phì độ I 25 - 29,9; béo phì độ II 30 - 34,9; béo phì độ III từ 35 trở lên.
Khi cơ thể dung nạp quá nhiều chất béo, sự dư thừa chất béo làm cho tim phải làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp. Thừa cân làm giảm chất cholesterol tốt là lipoprotein mật độ cao HDL (high density lipoprotein), đây là chất giúp làm sạch những cholesterol xấu, lipoprotein mật độ thấp LDL, triglyceride và chất béo độc hại khác ra khỏi động mạch sau đó chuyển những chất này đến gan để xử lý, khi HDL đến gan, gan sẽ phân hủy LDL chuyển chúng thành mật và đào thải ra khỏi cơ thể.
Đồng thời cơ thể nhiều chất béo cũng gây ra hội chứng chuyển hóa, tạo nên yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường là một nguyên nhân gây nên bệnh tim mạch. Vì vậy phải căn cứ vào chỉ số BMI bình thường là 18,5 - 24,9; tại nước ta là 18,5 - 22,9 để giữ gìn và kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì qua chế độ sinh hoạt hàng ngày nhằm chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch.
Vòng eo 32 hoặc 37: Các nhà khoa học xác định thừa cân là yếu tố nguy hiểm có liên quan đến bệnh tim mạch, nếu hình thể có dạng hình quả táo càng nguy hiểm hơn vì có dấu hiệu cơ thể phải mang thêm cân nặng ở vùng hông; một vòng eo lớn hơn bình thường có liên quan đến khả năng gây ra sự viêm nhiễm với mức độ cao của cơ thể, tình trạng viêm nhiễm này có thể kích hoạt dẫn đến bệnh tim.
Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo sau 35 tuổi, phụ nữ nên phấn đấu để có chu vi vòng eo ở mức 32 inches trở xuống (1 inch = 2,54cm); đối với nam giới, điều quan trọng nhất là sau 40 tuổi cần phấn đấu để có vòng eo từ 37 inches trở xuống.
Glucose lúc đói 100: Lượng đường glucose ở trong máu sau khi nhịn ăn khoảng 8 giờ có thể xác định khả năng có mắc bệnh đái tháo đường hay không qua kết quả xét nghiệm. Các nhà khoa học đã chứng minh mối liên quan giữa bệnh đái tháo đường và bệnh động mạch vành CAD (coronary artery disease) rất rõ ràng và khẳng định rằng nếu bị bệnh đái tháo đường rất có thể cũng sẽ mắc bệnh tim ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ khác ảnh hưởng.
Nồng độ chất đường glucose trong máu được thực hiện với kỹ thuật xét nghiệm máu nhanh và nên dưới 100 mg/dL.Nếu chỉ số này ở mức độ cao hơn, việc giảm cân bằng thực hiện chế độ ăn uống phù hợp và luyện tập thể dục, chơi thể thao có thể đưa chỉ số này trở lại mức bình thường.
Trong một số các trường hợp cần thiết khi đường glucose trong máu quá cao, phải dùng thuốc hạ đường huyết để can thiệp theo chỉ định của bác sĩ.