Tử vong sau khi nhịn ăn dài ngày do hội chứng “nuôi ăn lại”

13-04-2018 10:16 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - BV. Chợ Rẫy từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ còn rất trẻ từ tuyến tỉnh chuyển lên cấp cứu sau thời gian nhịn ăn 20 ngày trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy tim mạch.

Bệnh nhân bình thường ăn mặn, nhưng tự nhiên trong 2 tuần, bệnh nhân này ăn chay trường bằng cách uống 1, 2 trái dừa mỗi ngày. Sau đó, bệnh nhân này chấm dứt chế độ ăn chay và bắt đầu ăn lại. Sau vài ngày, bệnh nhân có triệu chứng yếu cơ buộc phải nhập bệnh viện tuyến tỉnh và chuyển lên BV. Chợ Rẫy với một di chứng thần kinh liên quan đến thiếu vitamin B1 trầm trọng ở người ăn kiêng không đúng cách và những dấu chứng đi kèm cho thấy bệnh nhân này bị hội chứng nuôi ăn lại (refeeding syndrome). Bệnh nhân bị liệt cơ toàn thân, liệt cơ quan hô hấp. Cuối cùng bệnh nhân phải thở máy kéo dài, nhiễm trùng nặng và bệnh nhân không qua khỏi.

Tử vong sau khi nhịn ăn dài ngày do hội chứng “nuôi ăn lại”

Theo một báo cáo của khoa Bệnh Nhiệt đới (BV. Chợ Rẫy), hội chứng nuôi ăn lại được ghi nhận trong y văn từ năm 1940. Ghi nhận đến nay có trên 6.000 ca lâm sàng, tỉ lệ tử vong lên đến 20%. Hội chứng này sẽ xảy ra ở những người mà chế độ ăn kiêng quá mức và kéo dài, tình trạng sụt cân quá nhiều và sau đó ăn bù trừ lại rất nhiều và rất nhanh, dẫn đến quá trình rối loạn chuyển hóa. Đặc biệt là rối loạn điện giải và thiếu hụt vitamin trầm trọng, tình trạng nặng có thể là suy tim, phù phổi cấp; đặc biệt là các di chứng não, thậm chí là tổn thương tế bào não do thiếu B1. B1 nằm trong các thức ăn tinh bột hoặc đậu đỗ…

Những thông tin về các chế độ ăn kiêng hay nhịn ăn phần lớn đều không chính thống

Ngoài ra, ăn kiêng quá mức và duy trì thường xuyên như vậy có thể dẫn đến biếng ăn thần kinh khiến người đó bị suy dinh dưỡng rất nặng và có thể dẫn đến tử vong như rất nhiều cô người mẫu nổi tiếng trên thế giới đã từng thực hiện chế độ ăn kiêng “cực đoan” và chỉ trọng lượng cơ thể chỉ còn chừng 30kg và chết do suy dinh dưỡng nặng.

Hiện nay, những thông tin về các chế độ ăn kiêng hay nhịn ăn phần lớn đều không chính thống. Dù làm gì đi nữa, chúng ta cần phải dựa trên sinh lý của cơ thể người, sinh lý về nhu cầu dinh dưỡng... Ở góc độ cá nhân, tôi phản bác hết các quan điểm ăn kiêng hay nhịn ăn quá “cực đoan” dẫn đến suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng được định nghĩa là tình trạng dinh dưỡng bởi thiếu hụt dinh dưỡng hoặc thừa dinh dưỡng tiếp diễn, gây ảnh hưởng về mặt chức năng của cơ thể.

Chức năng cơ thể được đánh giá thông qua chức năng biểu hiện thể chất, sức khỏe nói chung, khả năng đi lại, chức năng miễn dịch hoặc chức năng của cơ… Một người ăn uống kiêng khem, nhịn ăn không đúng mức kéo dài ảnh hưởng đến sức lao động, sức cơ… đã được chẩn đoán là suy dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, ông bà ta từng nói “một trong những tứ khoái chính là ăn”. Ăn có thể giúp con người giải stress. Nhịn ăn còn kích thích não tiết ra cortisol gây stress, nên những người ăn kiêng dễ bị stress, căng thẳng mạn tính.

Nhịn ăn và thiền thật sự tôi cũng có nghe qua, đâu đó có người thành công, nhưng mà làm gì thì làm, đối với các nhà khoa học, chúng tôi cần bằng chứng. Với những người tập thiền đến đỉnh cao rồi, liệu họ có thể giảm tối đa mức tiêu hao năng lượng hay không? Chúng ta cần những phương pháp đo lường để xác định. Đây có thể được gọi là một lĩnh vực đỉnh cao của một môn tập luyện.
Nhưng để nói là khuyên thực hiện phương pháp này hay không, tôi thật sự không thể nói được. Tại vì, ví dụ một người bình thường ở trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn cần từ 1.000 - 1.300 kcal, liệu những người đã đạt đến đỉnh cao của thiền có thể chỉ tiêu hao chừng vài trăm kcal. Như vậy, họ thiền và không ăn gì, chỉ uống nước thôi, mặc dù có thể sức khỏe họ vẫn có nhờ luyện tập rất tốt, nhưng cơ thể của họ, tôi chắc là cũng sẽ bị suy dinh dưỡng.
TS.BS. Lưu Ngân Tâm


TS.BS. Lưu Ngân Tâm
Ý kiến của bạn