Tử vong do tin lời thầy lang chữa chó dại cắn

08-06-2020 07:47 | Xã hội

SKĐS - Nghệ An là địa phương “nóng” về bệnh dại. Dù đã tuyên truyền rộng rãi đến người dân về tiêm phòng ngay khi không may chó cắn, thế nhưng nhiều người dân vẫn “mù quáng”... thử vận may bằng tin thầy lang vườn và họ đã phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.

Nhiều cái chết oan uổng đã xảy ra khi bị chó cắn đã không đi tiêm phòng mà lại đến thầy lang vườn để điều trị. Những cái chết vì bệnh dại luôn oan uổng và đau đớn khôn cùng. Nỗi ân hận mãi giằng xé người ở lại.

Chó thả rông, người uổng mạng

Trung tuần tháng 5 vừa qua, tại khu vực ngã 3 bản Xiềng Nứa, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An xuất hiện 1 con chó nghi bị bệnh dại đuổi cắn nhiều người khiến người dân chạy tán loạn. Do còn nhỏ, không bỏ chạy kịp nên 2 em nhỏ (2 và 8 tuổi) đã bị con chó này cắn. “Ngay khi phát hiện sự việc, nhiều người dân trên địa bàn đã hô hoán nhau đuổi đánh chết con chó đó. Tuy nhiên, không có ai nhận là chủ của con chó đó", một lãnh đạo UBND xã Yên Na cho biết.

Cũng vì con chó bị đánh chết nên hiện nay, cơ quan chức năng chưa xác định được con chó này có bị bệnh dại hay không. Nhiều hộ dân sau đó đã hốt hoảng đưa con em đi tiêm phòng. Đặc biệt, cách đây không lâu, tại bản này cũng có 1 học sinh bị chó dại cắn tử vong. Đây là vụ việc nghi bị chó dại cắn mới nhất ở Nghệ An.

Theo thống kê của ngành y tế, tại Nghệ An, từ năm 2013 đến tháng 10/2019, trên địa bàn tỉnh đã có 71 người chết vì bệnh dại; gần 3.000 người tiêm huyết thanh kháng dại và 70.000 người phải đi tiêm vắc-xin phòng dại do bị súc vật nghi dại cắn.

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, đã có 5 trường hợp tử vong vì chó dại cắn, trong đó huyện Yên Thành 2 người; Quỳ Châu 1 người, Kỳ Sơn 1 người và Thanh Chương 1 người.

Điều đáng nói là cả 5 trường hợp này không tiêm phòng dại khi bị chó cắn.

Vụ việc mới nhất là bé trai 7 tuổi ở xã Mã Thành (Yên Thành). Hơn 2 tháng trước, bé trai này trong lúc nô đùa với 1 con chó lạ đã vô tình bị cắn nhẹ vào tay và chân. Nhưng vì chủ quan, gia đình đã không đưa đi tiêm phòng. Sau khi bé có một số biểu hiện bất thường, gia đình lại mang đến thầy lang lấy thuốc Nam uống để chữa. Khi có diễn biến nặng, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thì bé đã lên cơn dại dẫn đến tử vong sau đó.

Vài tháng trước, cũng tại huyện Yên Thành, 1 thầy giáo 45 tuổi cũng tử vong vì chó dại cắn. Người nhà nạn nhân cho biết, trước Tết Nguyên đán, ông T. bị 1 con chó thả rông cắn. Tuy nhiên, do chủ quan, nghĩ vào mùa đông chó ít bị mắc bệnh dại nên ông T. không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.

Sau đó, ông T. bắt đầu có các triệu chứng bất thường nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu, điều trị.

Được các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm virus bệnh dại ở giai đoạn nặng nên bệnh viện đã chuyển ông lên tuyến trên để điều trị.

Dù đã được chuyển tuyến lên một bệnh viện ở Hà Nội để cấp cứu, điều trị nhưng ông T. đã tử vong do bệnh chuyển biến nặng.

BSCKII. Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An (đứng giữa) cùng đoàn công tác nắm bắt tình hình bệnh dại tại gia đình các nạn nhân ở huyện Nghi Lộc.

BSCKII. Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An (đứng giữa) cùng đoàn công tác nắm bắt tình hình bệnh dại tại gia đình các nạn nhân ở huyện Nghi Lộc.

Tuyệt đối không tin lời thầy lang

Bệnh dại đã và đang gây ra nỗi đau khắp nơi, kéo dài dai dẳng nhiều năm.

Trong khi đó, nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, chủ quan không đi tiêm phòng mà đến thầy lang vườn điều trị bằng thuốc Nam nên khi phát bệnh dại thì vô phương cứu chữa.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn có rất nhiều thầy lang vườn hoạt động “chui” đang ngày đêm “giết người” bằng cách phòng, điều trị bệnh dại cho người bị chó, mèo cắn bằng thuốc Nam.

Những cái chết vì bệnh dại luôn oan uổng và đau đớn khôn cùng. Nỗi ân hận mãi giằng xé người ở lại.

Anh T.T.T - bố nạn nhân T.N.N (xã Nghi, Nghi Lộc, Nghệ An) day dứt: “Cháu nó học lớp 2. Gia đình không biết cháu bị chó cắn từ bao giờ. Người phát hiện triệu chứng bệnh của cháu là cô giáo ở lớp... Đau đớn và ân hận lắm vì chưa quan tâm nhiều đến con”.

Chung tâm trạng, anh Nguyễn Văn Tuấn (43 tuổi, chồng nạn nhân N.T.T xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An bị tử vong vì bệnh dại) kể: “T. phát bệnh dại sau khi bị chó cắn khoảng 1 năm. Khi bị cắn, T. có lên trạm y tế để khâu vết thương 5 mũi nhưng lại không đi tiêm phòng mà cùng gia đình nuôi chó ra lấy thuốc Nam uống của một thầy lang ở huyện Diễn Châu... Lúc T. bị chó cắn, tôi còn nạt vì sang nhà hàng xóm giữa trưa, lại thiếu kiên quyết bắt đi tiêm phòng nên mới dẫn đến cơ sự này”.

BS. Võ Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm 2018, trên địa bàn huyện Nghi Lộc có tới 4 người tử vong do bệnh dại. Cả 4 trường hợp tử vong này sau khi bị chó cắn đều không tiêm phòng dại và 3/4 trường hợp sử dụng thuốc Nam để chữa trị mặc dù đã được nhân viên y tế tuyên truyền, khuyến cáo đi tiêm phòng.

Kể về trường hợp tử vong mới nhất ở Nghệ An, BS. Hoàng Ngọc Đàn - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho hay, sau khi bệnh viện trả về, người nhà lại tiếp tục mang bé đến cứu chữa ở thầy lang.

Tuy nhiên, sau khi uống thuốc của thầy lang được ít giờ, cháu đã tử vong. “Hiện nay, người dân rất tin tưởng vào thầy lang. Cứ chó dại cắn là không đi tiêm phòng mà lại đến thầy lang.

Rất là nguy hiểm!”, BS. Đàn nói và cho hay, nhiều trường hợp sau khi bị chó cắn đến thầy lang chữa sau đó khỏi. Nhưng trên thực tế, con chó cắn người đó không hề bị dại.

Cũng theo BS. Đàn, bệnh dại thường gia tăng vào mùa hè. Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người đến vài năm.

Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn. Nơi bị chó cắn càng gần thần kinh trung ương thì nạn nhân càng phát bệnh nhanh. Vì thế, những người bị chó cắn ở vùng đầu, mặt, cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau khi bị cắn.

Đặc biệt là tuyệt đối không được tin lời thầy lang để phải bỏ mạng một cách oan uổng.

Và một vấn đề cấp thiết nữa đặt ra để không còn những cái chết oan uổng, thương tâm vì bệnh dại - đó là cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt, yêu cầu người dân ký cam kết nuôi nhốt hoặc xích chó trong khuôn viên của gia đình, khi đưa ra nơi công cộng  phải đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó.

Ngoài ra, người nuôi chó bắt buộc phải tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo. Đây cũng là  cách thức hiệu quả nhất để phòng chống bệnh dại; Đồng thời đẩy mạnh hoạt động  kiểm tra, xử lý nghiêm và dẹp bỏ tận gốc những thầy lang vườn hoạt động “chui”.


Từ Thành
Ý kiến của bạn