Những ngày đầu tháng 5 vừa qua, tờ Daily Mail của Anh đã đăng tải hàng loạt vụ tử vong vì dùng thuốc giảm béo 2,4-Dinitrophenol (DNP) có nguồn gốc từ Trung Quốc làm cho nhiều người phải trả giá bằng chính tính mạng của mình, buộc Interpol phải phát hành cảnh báo khẩn cấp.
Danh sách nạn nhân thuốc DNP vẫn chưa giảm
Theo Daily Mail, thay vì bán thuốc chữa bệnh, một số hãng dược phẩm Trung Quốc lại kinh doanh nhóm thuốc giết người, trong đó có thuốc giảm cân DNP. Tính từ năm 2008, khi thuốc này có mặt tại Anh đã có 6 người Anh và 60 người khác trên toàn thế giới bị thiệt mạng vì “bị đốt cháy từ trong ra”. Nạn nhân mới nhất bị đầu độc bởi DNP là chị Eloise Parry (21 tuổi, ở Shrewsbury) qua đời tháng 4 vừa qua sau khi uống 8 viên DNP, liều cực kỳ nguy hiểm. Phản ứng về sự kiện trên, bà Fiona Parry, 51 tuổi, giáo viên hóa học, mẹ của nạn nhân căm phẫn cho biết, đây là hành động vô nhân đạo, mất hết tính người, bà đã tìm thấy thuốc này trong túi xách của con sau khi con gái qua đời tại bệnh viện ngày 12/4/2015. Eloise đã mua viên nang DNP qua internet nhưng lại giấu nên không biết để can thiệp, kể cả danh tính nhà cung cấp. Thuốc được chứa trong một túi nhựa không ghi cụ thể thành phần mà chỉ dán nhãn trắng với dòng chữ nổi DNP kèm theo công thức hóa học mặc dù Eloise không hề thừa cân. Sáng 12/4, sau khi uống hết 8 viên, chỉ sau vài giờ Eloise đã cảm thấy mệt mỏi và ngay buổi sáng hôm đó Eloise đã lái xe đến Bệnh viện Hoàng gia Shrewsbury nhưng 3 giờ sau do nồng độ độc tố tăng cao, cơ thể Eloise Parry đã bị “cháy từ bên trong” dẫn đến tử vong.
Bà Fiona Parry và di ảnh con gái Eloise Parry qua đời tháng 4/2015 vì thuốc DNP.
Tính từ năm 2008, 5 người Anh khác đã thiệt mạng sau khi uống DNP, đó là cầu thủ bóng bầu dục 18 tuổi Chris Mapletoft ở Hampton; nam thanh niên Sean Cleathero, 28 tuổi, qua đời năm 2012 sau khi uống một gói bột DNP, nhiệt độ cơ thể tăng vọt trên 420C nghẹt thở và tử vong; Sarmad Alladin (18 tuổi) tử vong tháng 2/2012 vì DNP; Sarah Houston (23 tuổi, sinh viên Đại học Leeds) đã chết sau khi bí mật dùng DNP cùng với thuốc chống trầm cảm. Nạn nhân thứ 6 là hoa hậu Selena Walrond (26 tuổi, ở Croydon) người đã cố tình giảm cân, chết trong đau đớn sau khi uống DNP qua đời tại bệnh viện hồi tháng 8/2007 trong tình trạng đau đớn khủng khiếp do trúng độc.
Thủ đoạn tiếp thị DNP của Trung Quốc
Một trong số những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm giảm béo thành công tại Anh là Công ty TNHH Dược thảo (BHBC), trong đó có DNP, thậm chí công ty này còn khuếch trương xuất khẩu sang cả châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác, thừa nhận doanh thu đạt ngưỡng “không tưởng”. Theo MailOnline, hàng chục website quảng cáo DNP của Trung Quốc đã ca ngợi DNP là một thần dược, đốt cháy mỡ tuyệt vời. BHBC thường dùng giải pháp cung cấp nguyên liệu, trách nhiệm thông quan thuộc về người mua, sau đó chế ra những viên nang 300mg và 500mg. Mới đây, trong một lô hàng của BHBC gồm 30kg bột, đơn giá 28USD/kg trong khuôn khổ hợp đồng trị giá 840USD, giao hàng 12 ngày đã được giao dịch thành công.
Công ty thứ hai là hãng PanPan Trịnh Châu (ZPC), ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Theo bà Nancy Hu - Trưởng phòng Kinh doanh của ZPC thì mới đây hãng này đã nhập cảnh trót lọt vào Anh 30kg bán thành phẩm DNP. Tuy nhiên, bà Nancy Hu cũng thừa nhận đây là vật liệu nguy hiểm, cần phải làm đúng bài bản, đặc biệt là sản phẩm dạng bột, nếu cần có thể phải thay đổi tên gọi nếu vận chuyển bằng đường hàng không và cần có sự hợp tác chặt chẽ của bên mua nước ngoài. Thậm chí còn nói rằng, công ty của bà không bán DNP mà chỉ bán nguyên liệu để sản xuất phân bón. Phát ngôn viên của BHBC thừa nhận: “Nếu khách hàng muốn mua sản phẩm, chúng tôi sẽ đáp ứng nhu mà không nhất thiết phải biết mục đích sử dụng cuối. DNP không phải là một sản phẩm nguy hiểm, nó tùy thuộc vào cách người dùng sử dụng chúng, nếu dùng số lượng nhỏ thì không nguy hiểm.
Thuốc giảm cân hay thuốc trừ sâu?
DNP hay 2,4-Dinitrophenol là một hợp chất hữu cơ màu vàng, dạng bột, được sản xuất như một loại thuốc trừ sâu tại các nhà máy hóa chất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. Nó từng được dùng hỗ trợ người ăn kiêng vào những năm 1930 nhưng đã bị cấm sau khi bị phát hiện độc hại và có khả năng gây ung thư. Các chuyên gia cho biết, cơ chế hoạt động của DNP khiến cơ thể trở nên quá nóng, thúc đẩy gia tăng quá trình trao đổi chất, do đốt cháy quá nhiều chất béo. Nó cũng gây ra tình trạng mất nước, nôn mửa và tim đập nhanh hoặc không đều. Dùng DNP lâu dài có thể gây đục thủy tinh thể, tổn thương da cũng như gây hại cho tim. Ngoài ra cũng có bằng chứng cho thấy DNP gây ung thư. Loại thuốc mà Eloise dùng là viên nén chứa dinitrophenol hay DNP, hoạt chất có hàm lượng độc tố cao mà độc tính này hiện chưa có thuốc giải. Các chuyên gia y tế cho biết, cơ chế hoạt hóa của DNP là làm cho cơ thể nóng bừng và thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đốt cháy nhiều chất béo, phát sinh tình trạng mất nước, nôn ói, tim đập nhanh hoặc nhịp không đều.
Trong khi thuốc DNP bán tràn lan thì Cơ quan Kiểm soát thuốc và sản phẩm y tế Anh (MHRA) lại không có quyền ngăn chặn vì nó không phải là dược phẩm. Vì vậy, Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm (FSA) có thể vào cuộc nếu DNP tiếp tục xuất hiện trên thị trường cho mục đích giảm cân. Liên quan đến vấn đề này, đầu tháng 5 vừa qua, Cảnh sát quốc tế Interpol đã ban hành cảnh báo “xanh” tại 190 quốc gia thành viên và yêu cầu các quốc gia nên kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, sử dụng DNP vì nó được bào chế chui, không có giấy phép nên rất nguy hiểm cho con người.
(Theo DM, 5/2015)
Khắc Nam