Các nhà nghiên cứu cho biết, từ 40 - 80% số ca tử vong do các cơn đau tim, đột quỵ và các loại bệnh tim mạch khác gây ra bởi khói bụi của việc ô nhiễm không khí. Trung bình, lượng độc hại từ không khí ô nhiễm do các phương tiện giao thông, rác thải công nghiệp, nông nghiệp sẽ rút ngắn 2,2 năm tuổi thọ của mỗi người. Nói cách khác, nếu mọi người đều được sống trong bầu không khí sạch, trung bình chúng ta sẽ sống lâu hơn 2,2 năm.
“Điều này có nghĩa là ô nhiễm không khí gây ra nhiều ca tử vong hơn một năm so với hút thuốc lá mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính” - GS. Thomas Munzel thuộc Trung tâm Y tế Đại học Mainz, Đức cho biết: “Hút thuốc lá có thể bỏ được nhưng ô nhiễm không khí thì không thể tránh được”.
Ô nhiễm không khí ở châu Âu và trên toàn thế giới đã gây ra số ca tử vong sớm gấp đôi trong những năm gần đây.
Vật chất hạt nhỏ và lớn hơn như nitơ dioxide (NO2), sulfur dioxide (SO2) và ozone (O3) cũng có liên quan đến việc giảm chức năng nhận thức, năng suất lao động và khả năng học tập, ghi nhớ.
Tác giả nghiên cứu, TS. Jos Lelieved từ Viện Hóa học Max-Plank ở Đức cho biết: “Mỗi năm ở Trung Quốc, số ca tử vong do ô nhiễm không khí là 2,8 triệu ca”. Các nhà khoa học đã áp dụng Mô hình tử vong phơi nhiễm toàn cầu mới vào cơ sở dữ liệu dịch tễ học với các số liệu về mật độ dân số, tuổi tác, các yếu tố nguy cơ bệnh tật, nguyên nhân tử vong để mô phỏng cách thức mà các hóa chất tự nhiên và nhân tạo tương tác với khí quyển và gây ra các tác hại cho sức khỏe. Cho đến nay, hầu hết các trường hợp tử vong vì ô nhiễm không khí là do các hạt siêu nhỏ có đường kính dưới 2.5 micron (so sánh với một sợi tóc có độ dày 60 micron đến 90 micron), được gọi là PM2.5. Tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp như triệu chứng hen suyễn. Điều này cho thấy tác hại của các hạt bụi nhỏ với sức khỏe là rất lớn so với những giả định trước đây.
WHO đã khuyến cáo rằng, mật độ trong không khí của các hạt vi mô nguy hiểm này không được vượt quá 10 microgam/m3 mỗi năm. Giám đốc Điều hành Cơ quan Môi trường châu Âu Hans Bruyninckx cho biết: “Các tiêu chuẩn của WHO trong những thập kỷ qua đã trở nên khắt khe hơn. Chúng ta vẫn biết ô nhiễm không khí gây ra nguy cơ mắc các bệnh ung thư hoặc tác động dễ nhận thấy trên hệ hô hấp nhưng giờ đây nhiều nghiên cứu đã chứng minh ô nhiễm không khí cũng gây ra các vấn đề về tim mạch, các vấn đề liên quan đến não và sinh sản”.
Trên toàn thế giới, nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí gây ra thêm 120 trường hợp tử vong mỗi năm trên 100.000 người. Ở châu Âu, mặc dù kiểm soát mức độ ô nhiễm nghiêm ngặt hơn so với hầu hết các khu vực khác, con số này còn cao hơn, cụ thể là 133 người tử vong/100.000 người. Thậm chí tỷ lệ tử vong do ô nhiễm ở các nước Đông Âu như Bulgaria, Croatia, Romania là 200 ca/100.000 người. Điều này do sự kết hợp giữa chất lượng không khí kém và mật độ dân số đông dẫn đến phơi nhiễm cao.
Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2017 cho thấy, PM2.25 và ô nhiễm ozone gây ra khoảng 4,5 triệu ca tử vong trong năm 2015, trong khi Cơ quan Môi trường châu Âu ước tính trong khu vực Liên minh châu Âu có khoảng 422.000 ca tử vong sớm do tất cả các dạng của ô nhiễm không khí.
Ở các quốc gia châu Á, Trung Quốc hiện xếp hạng thứ 122 trong các thành phố ô nhiễm trên thế giới với mức PM 2.5 giảm hơn 40% kể từ năm 2013. Nếu Bắc Kinh vẫn giữ nồng độ PM2.5 như năm 2013 thì thành phố này sẽ xếp thứ 21 trong danh sách năm 2018. Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia bị ô nhiễm không khí nhiều nhất, nước này có 44 thành phố trong top 100 thành phố ô nhiễm nhất. Ở khu vực Tây Balkans và Thổ Nhĩ Kỳ, có 10 thành phố có mức PM 2,5 gấp hơn ba lần so với khuyến cáo của WHO. 8 thành phố ở Balkan nằm trong số 10% thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới.
Holly Shiels, nhà nghiên cứu thuộc Khoa Tim mạch, Đại học Manchester cho biết, những con số này là “lời kêu gọi đánh giá lại các quy định chất lượng không khí hiện nay của Vương quốc Anh và EU”. Đồng thời, các nhà khoa học cũng kêu gọi các Chính phủ nên mở rộng và cải thiện hệ thống giám sát chất lượng không khí; đặt mục tiêu xây dựng các kế hoạch hành động để đưa chất lượng không khí về mức có thể chấp nhận được càng sớm càng tốt. Đồng thời nên có những biện pháp tích cực nhằm giảm phát thải ô nhiễm không khí ở những khu vực có chất lượng không khí kém bằng cách chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm các khí thải của những nhà máy điện, khu chế xuất công nghiệp, phương tiện và các nguồn phát thải chính khác.