Tử vong do nhục hình lấy lời khai

18-04-2014 09:07 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - 5 công an TP. Tuy Hòa dùng nhục hình trong quá trình lấy lời khai khiến anh Nguyễn Thanh Kiều tử vong do chấn thương sọ não.

Trong những ngày vừa qua, dư luận hết sức bàng hoàng sau vụ 5 công an TP. Tuy Hòa do dùng nhục hình trong quá trình lấy lời khai khiến anh Nguyễn Thanh Kiều tử vong do chấn thương sọ não.

Di ảnh anh Nguyễn Thanh Kiều và các vết thương

Di ảnh anh Nguyễn Thanh Kiều và các vết thương

Mặc dù ngày 3/4, TAND TP. Tuy Hòa (Phú Yên) đã tuyên án đối với 5 công an TP. Tuy Hòa do dùng nhục hình trong quá trình lấy lời khai khiến anh Kiều tử vong. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát viên Công an TP. Tuy Hòa) trong khi canh giữ anh Kiều tại Công an TP. Tuy Hòa từ 12g30 - 13g30 ngày 13/5/2012 đã dùng dùi cui cao su đánh vào đầu Ngô Thanh Kiều gây chấn thương sọ não - đây là nguyên nhân chính khiến anh Kiều tử vong. Do Thành không nhận tội, không thành khẩn nên tòa tuyên phạt bị cáo mức cao nhất là 5 năm tù. Điều này khiến dư luận một lần nữa bất bình và Chủ tịch nước phải có ý kiến chỉ đạo điều tra, xét xử lại...

Và mới đây, cuối năm 2013, cơ quan chức năng cũng đã “lao đao” khi ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) được minh oan sau 10 năm ngồi tù cho hành vi chưa bao giờ gây ra. Thậm chí, vụ án của ông Chấn đã trở thành tâm điểm tại phiên chất vấn những người đứng đầu các ngành tố tụng tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII (tháng 11/2013) về chống oan, sai trong tố tụng. Đau xót hơn là khi ông Nguyễn Thanh Chấn đến khi được minh oan, trả tự do thì bản thân và gia đình đã hoàn toàn suy sụp cả về kinh tế và tinh thần, chưa biết bao giờ có thể khôi phục.

Một bản án nữa là bản án oan sai của Tòa án tỉnh Cà Mau đối với bà Nguyễn Ánh Minh (ngụ tại Khóm I, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã khiến gia đình bà “tán gia bại sản”. TAND tỉnh Cà Mau đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm tuyên bà Minh phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và xử phạt 15 năm tù giam. Không đồng tình, bà Minh làm đơn kháng cáo. Đến ngày 25/2/2008, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm, xác định: Trong quá trình xét xử vụ án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Vì vậy, Tòa Tối cao đã quyết định hủy toàn bộ vụ án hình sự sơ thẩm ngày 19/10/2007 của TAND tỉnh Cà Mau, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục tố tụng luật định. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau sau đó đã quyết định đình chỉ vụ án hình sự, đình chỉ vụ án đối với bị can là bà Nguyễn Ánh Minh. Từ khi vụ án bị đình chỉ, sau hơn 3 năm được tuyên vô tội, bà Minh mới nhận được quyết định bồi thường của Tòa án tỉnh Cà Mau.

Nhìn lại các vụ án trên và nhiều vụ án oan sai khác đều thấy có chung một điểm là thiếu sự tham gia của luật sư ngay từ đầu. Không có sự trợ giúp của luật sư, hạn chế về hiểu biết pháp luật cùng với việc không chịu nổi sức ép tâm lý trong quá trình tố tụng khiến nhiều người mất khả năng tự bảo vệ trước “bộ máy tố tụng”. Hậu quả là những bản án oan, sai được tuyên, được thi hành.

Gần 80% số vụ án hình sự đang thiếu sự tham gia của luật sư, chưa kể nhiều vụ án chỉ đến sau khi có kết luận điều tra, luật sư mới được tham gia vào quá trình tố tụng. Nếu có luật sư chứng kiến quá trình lấy lời khai đã không dẫn đến kết cục đau thương như vụ tử vong của Nguyễn Thanh Kiều. Và ông Nguyễn Thanh Chấn, nếu có luật sư tham vấn trong quá trình bị hỏi cung thì hẳn ông đã không “nhận tội bừa” và nhiều vụ án oan, sai khác đã không xảy ra. 

Nguyễn Minh

 

 

 

 


Ý kiến của bạn