Tử vong do bệnh dại ở Bà Rịa Vũng Tàu cao nhất, vì sao?

09-11-2012 05:05 | Thời sự
google news

Trong vòng 5 năm (2007-2012), tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có 11 ca tử vong do chó dại cắn và là địa phương đứng đầu khu vực phía Nam về số người chết do căn bệnh này.

Trong vòng 5 năm (2007-2012), tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có 11 ca tử vong do chó dại cắn và là địa phương đứng đầu khu vực phía Nam về số người chết do căn bệnh này.

Chó dại cắn đắp thuốc = tử vong

BS. Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, từ năm 2007 đến nay, dù đã tìm khá nhiều biện pháp, nhưng tình trạng tử vong do bệnh dại vẫn chưa được đẩy lùi. Số ca tử vong chủ yếu tập trung ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa và có tính lặp lại. 9 trong số 11 ca tử vong của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu xảy ra tại huyện Xuyên Mộc, 2 ca còn lại thuộc huyện Châu Đức. Liên tiếp trong 2 năm qua, tại địa bàn này lại ghi nhận thêm mỗi năm 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Kết quả điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho thấy, đa số các ca tử vong xảy ra do bệnh nhân bị chó dại cắn nhưng không đến cơ sở y tế để tiêm ngừa. Các nạn nhân chỉ tìm đến thầy lang để chích lể lấy nọc và yên tâm rằng như vậy là hết bệnh. Mới đây nhất, một trường hợp ngụ tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) đi ăn giỗ ở Bình Thuận, bị chó cắn nhưng không đến cơ sở y tế tiêm ngừa và đã tử vong vì bệnh dại sau đó. Điều đáng nói là từ nhiều năm nay, dù được tuyên truyền bằng nhiều hình thức về phòng chống bệnh dại, có trường hợp khi được hỏi đến kiến thức phòng, chống bệnh dại đã trả lời gần như không sai sót gì, nhưng phần lớn người dân - nhất là ở huyện Xuyên Mộc - vẫn cho rằng, chích lể lấy nọc thì chữa được bệnh và họ lựa chọn phương pháp này nếu bị súc vật cắn. Theo BS. Võ Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, một phần nguyên nhân khiến người dân không đến cơ sở y tế để tiêm ngừa phòng chống bệnh dại là do chi phí quá cao. Trước đây, trong chương trình phòng, chống bệnh dại của tỉnh có khoản ngân sách để mua vắc-xin cấp miễn phí cho người nghèo, nhưng không duy trì được lâu. Giá cho một liều vắc-xin phòng, chống bệnh dại gồm 5 mũi tiêm trong vòng 28 ngày là gần 800.000đồng. Đối với những hộ nghèo, thu nhập thấp ở các xã vùng sâu, vùng xa, số tiền này là khá lớn nên người dân đành liều, khi bị chó dại cắn vẫn cứ để vậy không tiêm ngừa.

Tử vong do bệnh dại ở Bà Rịa  Vũng Tàu cao nhất, vì sao? 1
Những người nuôi chó phải mang chó đi tiêm phòng bệnh dại.        Ảnh: TM

Cần thay đổi cách truyền thông

BS. Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, 100% các ca tử vong do bệnh dại tại tỉnh này đều từ chó cắn, 36,4% từ chó nơi khác cắn hoặc chạy rong. Chó là vật chủ trung gian truyền bệnh dại đến người, nhưng công tác quản lý đàn chó lại chưa thực sự hiệu quả. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, Bà Rịa Vũng Tàu đã triển khai Đề án phòng chống bệnh dại do Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh này chủ trì. Dù vậy, vì nhiều nguyên nhân, việc quản lý đàn chó vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Sau nhiều năm triển khai, vẫn chưa chấm dứt được tình trạng bệnh nhân chết vì chó chạy rông bị dại cắn.

Ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết, công tác quản lý đàn chó nuôi chưa hiệu quả, việc tiêm phòng cho chó nuôi chủ yếu thực hiện tại các đô thị. Điều này lý giải nguyên nhân tử vong do bệnh dại chỉ tập trung tại các vùng sâu, vùng xa. Chính quyền địa phương chưa xử phạt bất cứ trường hợp vi phạm nào. Tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng ở các địa phương còn khá thấp, có nơi chưa đạt 50% và toàn tỉnh chỉ ở mức 59% tổng đàn chó được quản lý.

BS. Nguyễn Thị Thu Hồng khẳng định, trong công tác phòng chống bệnh dại, quan trọng nhất vẫn là quản lý được đàn chó, mèo. Song song đó, công tác tuyên truyền đến cộng đồng cần được đẩy mạnh để người dân có kiến thức, ý thức chuyển đổi hành vi. Bệnh dại hiện vẫn chưa có thuốc chữa, chỉ tiêm ngừa bằng vắc-xin hoặc huyết thanh để phòng bệnh và phải được tiêm đúng, đủ liều, sớm, tránh trường hợp muộn, bệnh đã phát thì không cứu chữa được.

Thảo Linh



Ý kiến của bạn