Tử vong, cắt chân vì ăn tiết canh lợn

31-08-2012 10:07 | Thời sự
google news

Số bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đang có xu hướng gia tăng. Tính đến giữa tháng 8 đã có 44 ca mắc, 1 ca tử vong. Đáng lo ngại là các ca thể bệnh nặng như nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng xuất hiện khá nhiều.

Số bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đang có xu hướng gia tăng. Tính đến giữa tháng 8 đã có 44 ca mắc, 1 ca tử vong. Đáng lo ngại là các ca thể bệnh nặng như nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng xuất hiện khá nhiều.
 
Bệnh nhân Lê Văn L (53 tuổi, tỉnh Nghệ An) nhập viện với triệu chứng sốt cao liên tục, đau đầu, nôn nhiều, nổi các ban xuất huyết trên da. Các bác sĩ chẩn đoán BN bị nhiễm khuẩn huyết do nhiễm liên cầu lợn. Khai thác tiền sử cho thấy, BN có chăn nuôi lợn, trước khi nhập viện đã ăn tiết canh, uống rượu. Hiện tại, BN L vẫn phải thở máy và thực hiện lọc máu; đồng thời theo dõi chức năng thận. Tuy nhiên, các BS cho biết, vài ngón chân của bệnh nhân đã bị hoại tử nên sẽ phải phẫu thuật cắt chi.
 Các ca thể bệnh nặng như nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng xuất hiện khá nhiều.
Còn anh Nguyễn Văn Th (55 tuổi, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị nhiễm khuẩn huyết do ăn tiết canh lợn có nhiễm liên cầu lợn. Khi nhập viện, anh Th sốt, đi ngoài phân lỏng 10 lần/ngày, xuất huyết ban đỏ trên da, mạch nhanh, có dấu hiệu sốc. Ngay sau đó, BN được mở khí quản hỗ trợ hô hấp sử dụng thuốc vận mạch, kháng sinh liều cao và tiến hành lọc máu liên tục. Tuy nhiên, các BS tiên lượng rất xấu về ca bệnh này.

BS Nguyễn Trung Cấp - khoa Điều trị tích cực (BV Bệnh nhiệt đới T.Ư) - cho biết, mặc dù chưa thành vụ dịch lớn, nhưng số ca nhiễm liên cầu lợn hiện có xu hướng gia tăng so với thời gian trước đây.

“Những người trẻ tuổi làm nghề giết mổ lợn, buôn bán thịt lợn, chăn nuôi lợn... thường dễ mắc bệnh hơn, nhưng hiện đã xuất hiện cả trường hợp người già mắc bệnh. Điều này cảnh báo về độ an toàn của thịt lợn lưu hành ở ngoài chợ tại một số vùng” - BS Cấp lo ngại.

Cũng theo BS Cấp, bệnh nhân mắc liên cầu lợn thường tăng nhanh khi có dịch lợn tai xanh, bởi khi mắc bệnh, con lợn mất sức đề kháng, liên cầu lợn bùng phát.

Vì thế, để phòng bệnh, theo các bác sĩ, người dân không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết.

Người dân khi thấy có biểu hiện sốt cao, xuất hiện ban hoại tử ở da chân, da tay thì nên đến bệnh viện ngay. Có những trường hợp chỉ 4 tiếng sau khi ăn tiết canh, bệnh nhân đã sốt cao và 16 tiếng sau đã sốc rất nặng, dễ gây tử vong.
 
Theo Lao động

Ý kiến của bạn