Người phụ nữ 51 tuổi bất ngờ mang thai và sinh con khi tưởng đã mãn kinh
Ngày 7/4, BSCK2. Nguyễn Thị Minh Phương - Chủ nhiệm khoa Phụ sản, Bệnh viện 354 cho biết, các bác sĩ đã tiếp nhận một trường hợp đặc biệt là sản phụ mang thai tự nhiên và sinh con ở tuổi 51.
Bản thân sản phụ đã có 2 cháu nội. Do nghĩ mình đang ở giai đoạn tiền mãn kinh, kinh nguyệt thất thường nên khi mất kinh sản phụ chủ quan không đi khám. Sau khi mất kinh liên tục vài tháng, nghi ngờ có thai thì mới đi siêu âm và phát hiện mang thai 22 tuần.
Trên thực tế, phụ nữ mang thai và sinh con ở độ tuổi này có thể gặp nhiều rủi ro nhưng qua thăm khám và được các bác sĩ khoa Phụ sản, Bệnh viện 354 theo dõi sát sao, thai phát triển ổn định bình thường, sản phụ đã sinh con tự nhiên an toàn mà không phải áp dụng biện pháp sinh mổ.
Những rủi ro khi mang thai và sinh con ở phụ nữ lớn tuổi
Mặc dù quá trình mang thai và sinh con của sản phụ thành công, tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Thị Minh Phương, phụ nữ mang thai và sinh đẻ khi tuổi cao có thể đối mặt với nhiều nguy hiểm, khó có một thai kỳ an toàn.
Đối với thai nhi, nguy cơ xảy ra dị tật bẩm sinh cao hơn so với khi mang thai lúc người mẹ còn trẻ như: hội chứng Down, dị tật tim, phổi, cơ xương, thai chậm phát triển, sinh non, sinh nhẹ cân, thậm chí thai lưu…
Một số trường hợp có nguy cơ cao là thai bất thường, hay gặp là chửa trứng. Chửa trứng đa số là lành tính nhưng nếu không theo dõi và can thiệp phù hợp dễ gây biến chứng như sảy thai, nhiễm trùng, băng huyết, đặc biệt là nguy cơ ung thư tế bào nuôi. Nguy cơ ung thư càng tăng lên đối với người bệnh lớn tuổi.
Ngoài ra, sản phụ còn phải đối mặt với các bệnh lý nguy hiểm như: tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường… Trong quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng, nhất là khi hệ xương đã bị lão hóa như loãng xương, khung xương chậu không còn sự giãn nở như người trẻ nên gây khó khăn cho cuộc sinh. Sau khi sinh sức khỏe cũng chậm phục hồi hơn…
Tuyệt đối không chủ quan khi kinh nguyệt thất thường
Mãn kinh là giai đoạn sinh lý bình thường trong cuộc đời người phụ nữ. Nhưng trước khi mãn kinh chị em thường phải trải qua nhiều rối loạn về thể chất và tâm sinh lý. Thông thường, điều này xảy ra trong 3-5 năm trước khi bắt đầu mãn kinh gọi là giai đoạn tiền mãn kinh.
Mỗi người có thể phải trải qua các triệu chứng và thời gian tiền mãn kinh khác nhau. Thời gian kéo dài của các triệu chứng này là kết quả của việc cơ thể tái cân bằng và giảm mức độ estrogen và progesterone do buồng trứng từ từ mất chức năng.
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, chị em thường phải đối mặt với những rối loạn về nội tiết, tâm sinh lý. Sự rối loạn nội tiết tố sẽ kéo theo nhiều rối loạn khác. Đặc điểm chung phổ biến nhất đó chính là sự thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt và tính chất của kinh nguyệt.
Bên cạnh những thay đổi về cơ quan sinh dục như: ngực teo nhỏ và chảy xệ, teo, khô vùng âm hộ, âm đạo hay các dấu hiệu bốc hỏa, đổ mồ hôi… người phụ nữ sẽ thấy chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, vòng kinh thay đổi, ít dần, kéo dài và thưa dần, có thể bị rong kinh hoặc cường kinh…
Lượng estrogen suy giảm trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể khiến việc mang thai trở nên khó khăn hơn nhưng không có nghĩa là không thể mang thai. Nhưng quá trình mang thai và sinh nở trong giai đoạn này dễ gặp nhiều rủi ro.
Do đó, BS. Nguyễn Thị Minh Phương khuyến cáo phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh tuyệt đối không chủ quan, bởi giai đoạn này tuy chu kỳ kinh nguyệt thất thường nhưng hoàn toàn vẫn có khả năng thụ thai. Vì vậy, chị em vẫn cần thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp. Trong trường hợp có biểu hiện mất kinh nên thử thai và đi khám bác sĩ chuyên Sản phụ khoa để được tư vấn biện pháp xử trí phù hợp.
Xem thêm video đang được quan tâm
Bé gái 13 tuổi sinh con nặng 2,9 kg tại Hà Nội.