Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, nhưng để có sự xác định rạch ròi dân tộc nào trung tâm dân tộc nào ngoại vi, về văn hóa thôi chẳng hạn, thì hình như chưa có sự thống nhất. Nếu lấy dân bản địa làm trung tâm, thì ở Tây Nguyên, xin lấy các tộc người Tây Nguyên làm đối tượng, tất nhiên cũng chỉ là tương đối, bởi về số lượng, nhiều vùng ở Tây Nguyên chưa chắc người bản địa đã đông hơn người Kinh, còn về sắc tộc, thì nói người Tây Nguyên bản địa là nói chung, chứ cụ thể thì có rất nhiều tộc người hợp lại. Vậy nên xin lấy những tiêu chí chung nhất của Tây Nguyên để bàn về trung tâm và ngoại vi.
Nhà Rông truyền thống của người Tây Nguyên
Về cơ bản, khi chưa có sự giao thoa giữa người Kinh và người Tây Nguyên thì phương thức sống, nền tảng văn hóa của hai nhóm người này hoàn toàn khác nhau. Sau này, bằng nhiều lý do, hai nền văn minh lúa nước và nương rẫy gặp nhau, tạo nên sự giao thoa thú vị...
Tôi chỉ xin trình bày ý nghĩ của mình về sự giao thoa văn hóa.
Văn hóa luôn gắn với đời sống của con người, do con người sáng tạo hoặc phát hiện ra nó. Phương thức sống và văn minh vật chất của người Tây Nguyên khác hẳn người Kinh. Từ phương thức sống ấy nó sinh ra các ứng xử văn hóa, trước hết là với tự nhiên, sau là với cộng đồng.
Nếu như văn hóa của người Kinh gắn với lúa nước và những dòng sông thì văn hóa của người Tây Nguyên gắn với rừng. Toàn bộ đời sống của con người Tây Nguyên từ khi sinh ra cho đến khi mất đều gắn với rừng, nó tạo ra một quan hệ tương hỗ. Người Tây Nguyên sống hài hòa với rừng trong mối quan hệ sòng phẳng và tin cậy. Người ta tìm cách tránh hoặc thuần phục thú dữ chứ không đối đầu. Người ta đốt rừng làm rẫy nhưng không phải đốt tràn lan, mà có sự chọn lọc và du canh du cư không phải là đi luôn, mà sẽ quay về khi đám rẫy ấy tươi tốt trở lại. Người ta săn bắn nhưng không bao giờ bắt con có chửa hoặc còn nhỏ. Người ta ăn trâu chứ không đâm trâu, tức là dùng trâu thay người để cúng thần linh, tạ ơn thần linh. Và trước khi con trâu được dùng làm vật tế ấy, người ta đã làm lễ khóc trâu rất cảm động từ hôm trước. Và cuộc ăn trâu ấy không bao giờ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước nghìn nghịt người như bây giờ, mà ngày xưa nó diễn ra khi trời chưa sáng, chỉ có các già làng chứng kiến.
Người ta quan niệm vạn vật hữu linh nên người ta quý trọng tất cả, bởi chỗ nào, cái gì cũng có thần linh chứng giám. Quan hệ giữa con người với con người là một quan hệ vừa bình đẳng vừa thần phục. Người phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình vì là chế độ mẫu hệ, nhưng thực chất tất cả các già làng, các thầy cúng... đều là đàn ông. Già làng là người có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đến những việc trọng đại, có tiếng nói cao nhất, quyết định trong những việc lớn liên quan đến đời sống cộng đồng.
Rồi “ngoại vi” xuất hiện, họ xuất hiện ở Tây Nguyên ồ ạt vào 3 thời kỳ chính: Một là thời ông Ngô Đình Diệm đưa dân đi lập các đồn điền, các khu trù mật, có một số người Bắc di cư, còn lại là dân miền Trung. Hai là thời chiến tranh chống Mỹ, song song với dân lên lập đồn điền, khu trù mật là các cán bộ người Kinh xuống 3 cùng với nhân dân. Và 3 là phong trào kinh tế mới sau giải phóng 1975. Đây là thời kỳ đông nhất, ồ ạt nhất, nó khiến cho cơ cấu xã hội Tây Nguyên có rất nhiều thay đổi. Và có thể nói, số dân kinh tế mới vào Tây Nguyên sau giải phóng tác động dữ dội nhất đến văn hóa bản địa Tây Nguyên.
Văn hóa bản địa Tây Nguyên vừa bảo thủ vừa rất nhanh nhạy hướng ngoại, nhất là trong lớp trẻ. Đấy là quy luật tự nhiên của mọi nền văn hóa, nhưng trong từng trường hợp cụ thể, sự tác động của con người cũng giúp nó rất nhanh biến chuyển theo hướng hòa nhập và thu nhận cái ngoài mình. Sự bảo thủ của văn hóa Tây Nguyên không đủ để chống lại sự xâm nhập, bên cạnh đấy là sự tiếp tay có định hướng những chủ trương của Nhà nước có lúc chưa phù hợp.
Người Kinh lên Tây Nguyên đã mang theo văn minh của họ, nhất là những kiến thức thông thường trong đời sống, giúp người Tây Nguyên bản địa làm quen với đời sống hiện đại. Tôi đã chứng kiến cái cảnh mỗi làng người Tây Nguyên đều có 1 hoặc vài gia đình người Kinh ở lẫn để buôn bán. Họ, rất vô tình, đã trở thành những người phổ biến kiến thức, từ chuyện nuôi con nhỏ, sinh đẻ có kế hoạch, vệ sinh phụ nữ, nấu ăn cho đến cách tính toán làm giàu, biết tích lũy chứ không làm gì ăn nấy như lâu nay... Nhưng đồng thời họ cũng mang theo những thói hư tật xấu vốn trước đó hoàn toàn xa lạ với người Tây Nguyên và họ đã vô tình truyền những điều ấy cho các nhân vật trung tâm mà chúng ta đang bàn tới ở đây. Từ chuyện chỉ cần đánh dấu dưới gốc cây có tổ ong mình thấy đầu tiên thì tức là nó là của mình, đến việc thả voi, trâu bò trong rừng không cần giữ, làm rẫy cách nhà ở hàng buổi đi bộ không cần trông... bây giờ điều ấy đã hoàn toàn biến mất. Nói dối là việc vô cùng tồi tệ, xấu xa của người Tây Nguyên xưa, giờ nó cũng thành điều bình thường, như người Kinh chúng ta.
Chúng ta đã đầu tư rất nhiều vào Tây Nguyên. Rất nhiều chủ trương có ý tưởng tốt, có trách nhiệm, nhưng chỉ vì chúng ta chưa hiểu hết phong tục tập quán, những phong cách sống, những sâu xa văn hóa... nên dẫn đến những sai lầm. Chúng ta đã làm thay trong khi lẽ ra chúng ta chỉ là người khích lệ. Không thể làm thay văn hóa cũng như không thể dùng văn hóa này thay thế văn hóa khác, bởi văn hóa nó gắn với những con người và vùng đất cụ thể.
Xã hội chúng ta đang có rất nhiều biến động. Có những biến động rất khốc liệt do chính chúng ta gây ra từ những chủ trương cụ thể, mà phá rừng và làm thủy điện là ví dụ.
Phá rừng chính là cách tự ăn thịt mình. Người Tây Nguyên lâu nay sống chan hòa với rừng, nương tựa vào rừng. Họ có những luật tục rất chặt chẽ và cụ thể, có những hình phạt rất nghiêm khắc nếu ai đó phá hoại rừng một cách bừa bãi. Chúng ta bây giờ lớn bùi bé mềm chén hết. Sau khi rừng già, rừng nguyên sinh đã... cơ bản phá xong, thì ta xơi sang rừng nghèo. Rồi chúng ta quan niệm cao su cũng là... rừng. Cao su là cây công nghiệp, có thể nó tạo sự đổi đời ngay lập tức trong vòng mấy mươi năm, còn rừng, nó là sự kết tinh của đời sống dòng họ hàng ngàn năm, vạn năm, triệu năm, nó có đời sống của nó, có văn hóa của nó, văn hóa rừng. Và thực tế đã chứng minh, suốt bao nhiêu năm chiến tranh, bom đạn thế, cán bộ, bộ đội và người dân đã sống với rừng, được rừng che chở, rừng cung cấp nguồn để sống và chiến đấu. Thế mà rừng cứ bạt ngàn xanh. Giờ, cả nước vì Tây Nguyên, nhưng cái để làm nên thương hiệu Tây Nguyên, là rừng, thì đã hết.
Không ai phủ nhận sự mê hoặc của ánh sáng đô thị, của văn minh tiện nghi vật chất, của thế giới hiện đại diệu ảo nhấp nháy mời gọi... Nhưng sống với nó rồi, mới thấy thèm một ngọn nồm nam hây hẩy, thèm một hương lúa non, thèm một cánh chim chấp chới... Cái khát thèm vật chất hiện đại là có thật và có lý. Nhưng cái bồi hồi nhớ thương làng quê truyền thống là cũng hiện hữu và không hề vô lý. Vậy giải thích như thế nào về cái sự tưởng như vô lý ấy?
Tôi mới nhận được một cái thư của một bạn đọc xưng cháu có vẻ rất thông minh và rất tâm huyết với văn hóa dân tộc gửi qua email. Cháu hỏi rằng, sẽ ra sao, cái ngày mai của văn hóa Tây Nguyên ấy, khi mà bây giờ cháu thấy chính người Tây Nguyên cũng... không mặn mà với chính văn hóa truyền thống của họ. Tôi đã trả lời cháu rằng, cháu rất có lý, nhưng văn hóa cũng có quy luật của nó. Nó đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, song hành cùng đời sống thăng trầm của con người. Cùng mồ hôi và máu của hàng triệu người. Cùng số phận của bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu đế chế... vì thế, nó không dễ gì bị triệt tiêu. Có chăng, nó chỉ thích nghi để phù hợp hoàn cảnh. Tuy thế, cũng có 2 trường hợp khiến văn hóa truyền thống chuyển dịch, thậm chí là tan biến. Một là bản thân nền văn hóa ấy không đủ sức để tự vệ. Lịch sử đã có rất nhiều minh chứng về việc này. Và hai là chính sự khiên cưỡng, hiểu không thấu đáo, thậm chí hiểu sai, áp đặt, của một số người thừa hành. Điều này rất nguy hiểm khi mà nền dân chủ ở nông thôn của chúng ta chưa được thật sự... dân chủ.
Tôi nhớ, năm nào đó nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã phê phán rất gay gắt một khu tái định cư ở Kon Tum khi ông lên thăm và thấy nó đều nhau tăm tắp, giống nhau chằn chặn, vô cảm và vô hồn. Còn đâu những cái làng với phập phồng đời sống dân dã mà vô cùng thâm hậu, những ngôi làng ngập tràn ký ức, thấm đẫm tâm linh với bề dày truyền thống.
Tây Nguyên đang chuyển dịch trong dòng chảy đương đại. Không thể khác và không được phép khác. Sự mất mát là điều tất nhiên. Vấn đề là những sự đánh đổi ấy diễn ra như thế nào? Bao nhiêu năm chúng ta đã báo động “chảy máu cồng chiêng”, cồng chiêng bị bán đồng nát, mang làm kẻng, và tôi trong một chuyến điền dã còn thấy cả chiêng được dùng làm máng heo? Trong khi ở Kon Tum, từ sau nghị quyết bảo tồn nhà rông truyền thống do ông Bí thư Tỉnh ủy thời ấy Sô Lây Tăng ký thì sự bảo tồn và khôi phục nhà rông truyền thống đã diễn ra rất trật tự và hợp quy luật, rất được nhân dân đồng tình. Ở Tây Nguyên hiện có rất nhiều nhà rông “hoành tráng” mà giá trị sử dụng không cao, thậm chí là không có. Đấy là do ý chí của một nhóm người đã đi ngược quy luật, biến những cái “Nhà rông văn hóa” nghênh ngang ở trụ sở xã thành... vô chủ, trong khi ở làng thì không có. Những cái nhà rông loại này chỉ được mỗi chức năng “giải quyết khâu oai”.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin nhắc một ý ai cũng biết rồi, nhưng lý giải ra sao cũng vẫn chưa có hồi kết. Ấy là việc chiêng Tây Nguyên. Bây giờ ai cũng biết nó là chiêng Tây Nguyên, là thương hiệu của Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng thực sự thì, người Tây Nguyên không làm ra chiêng. Họ phải mua của người Kinh, người Lào, người Mã Lai... để rồi chỉnh sửa làm nên thương hiệu chiêng của mình. Đây chính là một cách thôn tính cả văn hóa và kinh tế ngoạn mục. Vậy thì trung tâm hay ngoại vi, lúc nào trung tâm, lúc nào ngoại vi, có lẽ phải tùy từng trường hợp cụ thể mà minh định...
Bài, ảnh: Văn Công Hùng