Từ vắc-xin giả đến vấn nạn thuốc giả

03-07-2016 17:56 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Khi Edward Jenner, người cha của miễn dịch học, đặt nền móng cho phương pháp tiêm chủng trong thế kỷ 18 có lẽ đã không tưởng tượng rằng một người nào đó trong tương lai có thể vì tiền mà sản xuất vắc-xin giả.

Khi Edward Jenner, người cha của miễn dịch học, đặt nền móng cho phương pháp tiêm chủng trong thế kỷ 18 có lẽ đã không tưởng tượng rằng một người nào đó trong tương lai có thể vì tiền mà sản xuất vắc-xin giả. Bởi việc làm này có thể hủy hoại toàn nhân loại và sự việc vắc-xin giả ở Indonesia thời gian gần đây như một lời cảnh báo với toàn thế giới về vấn nạn thuốc giả đang tràn lan ở nhiều khu vực trên thế giới như châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Sự nguy hại của vắc-xin giả

Tại Indonesia, trẻ em không được bảo vệ khỏi bệnh tật bởi chúng không được thực hiện tiêm chủng đầy đủ và không được bú sữa mẹ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015, gần 15% trẻ em ở nước này tuổi từ 1-3 không được tiêm chủng đầy đủ và phần lớn là bỏ lỡ mũi tiêm DPT3 (tiêm phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván). Và con số này có thể cao hơn khi vắc-xin giả được sử dụng. Bên cạnh đó, trẻ em còn phải đối mặt với những tác dụng phụ nguy hiểm do vắc-xin giả gây ra. Tạp chí nghiên cứu về kháng khuẩn và hóa trị cho rằng thuốc giả có thể dẫn đến nhiều kết quả xấu cho sức khỏe, điều trị thất bại, phát triển kháng thuốc, gây suy giảm niềm tin trong hệ thống y tế và tất cả đều góp phần gia tăng gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong.

Từ vắc-xin giảSàng lọc là khâu quan trọng trong kiểm soát vắc-xin giả.

Do vậy, trước việc hàng triệu trẻ em có khả năng bị dùng vắc-xin giả, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia cho biết, họ đang làm việc với các cơ quan thực phẩm và thuốc quốc gia để thu thập dữ liệu và thực hiện các biện pháp cần thiết. Nếu cần thì việc tiêm chủng sẽ được thực hiện lại. Theo Hiệp hội Nhi Indonesia, nếu cha mẹ không chắc chắn con mình có thể bị ảnh hưởng từ vắc-xin giả hay không thì nên hỏi bệnh viện hoặc phòng khám về nguồn gốc loại thuốc đã sử dụng. Đối với các bệnh viện và phòng khám sử dụng vắc-xin giả cũng cần được điều tra để xác định xem họ biết về chất lượng của vắc-xin hay không và lý do họ sử dụng là gì. Nếu vì chúng có giá thành rẻ mà họ cố tình sử dụng thì cần bị cấm và xử phạt.

Có thể nhận diện vắc-xin giả không?

Các dấu hiệu của vắc-xin chính hãng như các nhãn hiệu K màu đỏ cho các loại thuốc được mua với toa thuốc của bác sĩ và một giấy phép phân phối từ các cơ quan quốc gia về giám sát thuốc ghi trên bao bì thuốc chủng ngừa có thể dễ dàng được tội phạm làm giả mạo. Do vậy, để nhận diện vắc-xin thật hay giả, đầu tiên cần căn cứ vào giá cả, vắc-xin giả thường rẻ hơn từ 20-40 đô-la so với các sản phẩm chính hãng và không cần kê toa của bác sĩ. Bao bì của vắc-xin giả thường thô và bẩn, số lô sản xuất thường không rõ ràng, màu sắc nắp cao su của lọ thuốc khác với các sản phẩm chính hãng.

Tại sao vắc-xin giả, thuốc giả tràn lan ở Indonesia?

Một trong những lý do chính là bởi vì có một nhu cầu về vắc-xin giá rẻ. Hàng triệu gia đình Indonesia vẫn còn nghèo khổ và họ thường sử dụng các loại thuốc giá rẻ, bao gồm cả vắc-xin. Ở Indonesia, việc phân phối thuốc giả không chỉ được bán thông qua mạng internet mà còn ở các hiệu thuốc bất chấp cuộc tấn công của chính quyền. Không những thế, thuốc giả được bán ở các hiệu thuốc được sản xuất rất tinh vi, rất khó phát hiện vì chúng trông giống như hàng thật cũng là một lý do khiến thuốc giả tràn lan khi người tiêu dùng không thể phân biệt được thật - giả. Lý do thứ ba khiến Indonesia tràn lan thuốc giả là hầu hết người tiêu dùng thường bị động, họ chỉ đơn giản chấp nhận các loại thuốc mà họ nhận được từ các bác sĩ và dược sĩ mà không biết liệu các loại thuốc này là giả hay thật.

Cần làm gì để ngăn chặn thuốc giả?

Một trong những chìa khóa để diệt trừ các loại thuốc giả là vai trò tích cực của nhân viên y tế. Chính phủ, Hiệp hội Y tế Indonesia và Hiệp hội các dược sĩ Indonesia phải đào tạo cho nhân viên y tế để họ có thể phân biệt giữa hàng giả và thuốc chính hãng. Người ta dự đoán rằng lượng thuốc giả trong lưu thông sẽ tiếp tục tăng vì các cuộc tịch thu thuốc giả thường xuyên là không đủ và pháp luật thì quá nương nhẹ với những đối tượng sản xuất thông qua Luật Nhãn hiệu hàng hóa. Do đó, một biện pháp tiếp theo để ngăn ngừa thuốc giả là việc khẳng định sản xuất thuốc giả là một tội phạm, phải bị xử phạt theo Luật Y tế, trong đó chỉ rõ tội ác này sẽ bị trừng phạt đến 15 năm tù. Sự kiện vắc-xin giả gần đây có thể làm bàn đạp để Chính phủ Indonessia đi đầu trong cuộc chiến chống thuốc giả vì lợi ích và sức khỏe của  người dân.

Indonesia sẽ tiêm phòng lại cho hàng triệu trẻ em sau vụ vắc-xin giả

Chính phủ Indonesia sẽ phải tái tiêm chủng cho hàng triệu trẻ em 10 tuổi và dưới 10 tuổi sau khi phát hiện đường dây sản xuất và phân phối vắc-xin giả. Không rõ bao nhiêu trẻ em sẽ phải tiêm lại, nhưng con số có thể lên tới hàng triệu trẻ em. Nguồn tin địa phương cho biết cảnh sát đã bắt giữ 15 nghi can ở 4 tỉnh của Java trong vài ngày qua và bắt giữ hàng trăm vắc-xin giả, bao gồm cả các chất giả vắc-xin bại liệt và viêm gan B. Theo lời thú tội của các nghi can, vắc-xin giả đã được phân phối trên khắp Indonesia kể từ năm 2003. 2 trong số 3 nghi can khai đã phân phối vắc-xin giả tới các bệnh viện và trung tâm y tế cộng đồng. Bộ trưởng Y tế Indonesia Nila Moeloek cho biết vắc-xin giả có chứa kháng sinh và dịch truyền tĩnh mạch. Mặc dù vắc-xin giả chưa gây ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ cho tới nay, nhưng trẻ sẽ không miễn nhiễm được với các căn bệnh mà đáng lẽ ra trẻ cần được bảo vệ.

Nguyễn Vân (Theo Time)

 


Lê Thu Lương
Ý kiến của bạn