Ngộ độc co cứng cơ do tự uống thuốc chữa xương khớp
Ngày 16/11, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về ca ngộ độc nguy hiểm sau khi uống cao chứa mã tiền để chữa bệnh xương khớp.
Nam bệnh nhân Đ.Q.D., 66 tuổi ở Long Biên, Hà Nội được đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, co giật từng cơn, gồng cứng toàn thân.
Tình trạng này xuất hiện sau khi ông uống 1 thìa cà phê cao thuốc có chứa cây mã tiền để chữa bệnh xương khớp, gout được khoảng 15 phút.
Bệnh nhân được xác định ngộ độc strychnin, độc tố có trong hạt mã tiền, thường được dùng trong nông nghiệp để diệt chuột, diệt thú có hại và trong thuốc y học cổ truyền với mục đích điều trị (kích thích thần kinh cơ...).
"Y học hiện đại ngày nay không còn dùng strychnin làm thuốc chữa bệnh do độc tính nguy hiểm và tác dụng chữa bệnh rất hạn chế", bác sĩ Nguyễn Tiến Đạt, Trung tâm Chống độc cho biết.
Ông D. cho biết đã từng sử dụng các loại cao thuốc, nhưng đây là lần đầu tiên bị phản ứng như vậy.
Bác sĩ Đạt cho biết, sau gần 1 ngày nhập viện, được can thiệp, bệnh nhân D. vẫn còn co cứng các cơ liên tục, cổ ưỡn cong, tay co và toàn bộ chân duỗi cứng giống như bệnh nhân bị uốn ván, thỉnh thoảng xuất hiện các cơn co giật, thậm chí chỉ cần có tiếng động mạnh, ánh sáng mạnh là cơ lại bị kích thích và co giật.
Kết quả xét nghiệm Creatine Kinase (CK) rất cao 15.000 IU/L. (Thường khi kết quả CK cao trên 1.000 IU/L thể hiện tiêu cơ vân cấp cần phải theo dõi sát, trên 5.000 IU/L nguy cơ suy thận cấp rất cao).
Sau 4 ngày nhập viện, hiện bệnh nhân vẫn còn bị co cứng nhẹ, biến chứng viêm phổi, phải thở oxy và điều trị hồi sức cấp cứu.
"Các trường hợp bị nhiễm độc strychnin hay mã tiền thường do uống theo các bài thuốc dân gian, truyền tai nhau, uống nhầm rượu ngâm mã tiền để xoa bóp… Trường hợp nhiễm độc nặng, không được phát hiện, cấp cứu kịp thời sẽ gây giật cơ (biểu hiện giống như co giật), cứng cơ, khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong," BS. Đạt cho biết.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, hoạt chất trong hạt mã tiền có gần 50% là strychnin, phần còn lại là brucin, còn khoảng 2 - 3% là các Alcaloid.
Mã tiền rất độc, tác dụng trực tiếp với tủy sống, kích thích gây co cứng các cơ, trường hợp nhẹ thì tăng phản xạ gân xương, nặng thì co cứng các cơ liên tục giống như uốn ván, có các cơn co cơ đột ngột và giật cơ giống như co giật.
Tình trạng co cứng cơ, giật cơ cũng dễ dàng nhanh chóng dẫn tới ngạt thở, suy hô hấp và tử vong nhanh chóng. Ngay cả khi chỉ sử dụng hạt mã tiền ngâm rượu xoa bóp ngoài da (hạt không qua xử lý độc) nếu không tuân thủ liều lượng thích hợp, thì chất độc trong mã tiền cũng có thể ngấm qua da, dẫn đến ngộ độc.
Dùng thuốc tây y hay đông y đều cần phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc
Theo các bác sĩ, dù điều trị bệnh gì bằng thuốc đông y hay tây y đều cần phải kiên trì và tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc. Kiên trì có nghĩa là xác định điều trị trong nhiều tuần, nhiều tháng thậm chí nhiều năm.
Chính vì điều trị kéo dài cho nên nhiều người cho rằng sử dụng thuốc tây y sẽ không có lợi vì thuốc tây được tổng hợp từ các chất hóa học nên ảnh hưởng và tổn thương các cơ quan như gan, thận... Điều đó đúng một phần nhưng lại chưa đủ.
Nhiều thuốc tây được tổng hợp từ các hợp chất hóa học, nhưng cũng có nhiều thuốc được chiết tách từ nguồn gốc tự nhiên. Dù là thuốc tổng hợp nhưng đã được nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn với hầu hết người sử dụng.
Hơn nữa, mỗi loại thuốc đều có hướng dẫn chi tiết cho bác sĩ kê đơn (về thành phần, hàm lượng, liều lượng, dược động học, tương tác thuốc...) cũng như hướng dẫn sử dụng cụ thể với người bệnh. Chính những điều này giúp cho quá trình điều trị của bệnh nhân bằng thuốc tây có mức độ an toàn rất cao (với những thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhà sản xuất uy tín).
Những tác dụng phụ có thể xảy cũng được liệt kê dù tỷ lệ rất thấp và cũng có hướng dẫn theo dõi và cách xử lý nếu xảy ra. Vì vậy, chúng ta cũng không quá lo lắng về việc sử dụng thuốc tây y. Một điều quan trọng nhất là phải tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với thuốc đông y, bằng kinh nghiệm được đúc kết hàng trăm năm các bài thuốc đông y là công cụ rất quý trong điều trị các bệnh mạn tính đặc biệt là các bệnh xương khớp. Mỗi một bài thuốc đông y là sự kết hợp của nhiều loại thảo dược khác nhau để điều trị một chứng bệnh xương khớp nào đó.
Chính vì nguồn gốc từ tự nhiên (thực vật, động vật...) nên cũng được đánh giá cao về mức độ an toàn. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ an toàn tuyệt đối. Bởi vì tất cả các nguyên liệu này đều phải trải qua các khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến... chính những công đoạn này có thể làm các nguyên liệu đó biến đổi và có thể trở thành không an toàn nếu không có quy trình chặt chẽ (có rất nhiều vụ ngộ độc, dị ứng nặng thuốc đông y được ghi nhận).
Chia sẻ về trường hợp của người bệnh, theo TS Nguyên, trong y học cổ truyền, khi sử dụng hạt mã tiền cần phải xử lý độc tố theo đúng quy trình để loại bỏ nguy cơ gây ngộ độc. Tuy nhiên, với các sản phẩm trôi nổi, không thể chắc chắn là độc tố còn lại bao nhiêu, nên rất nguy cơ.
Hạt mã tiền cũng được Bộ Y tế xếp vào danh mục những vị thuốc có độc tính cao, cần bảo quản riêng biệt, tuân thủ liều lượng sử dụng. Mặc dù vậy, trên thị trường hiện nay, tại nhiều nơi, mã tiền đang được bán một cách dễ dàng, tùy tiện.
"Người bệnh không nên tùy tiện sử dụng các loại hạt, vị thuốc dân gian để tránh nguy cơ ngộ độc nguy hiểm," TS Nguyên khuyến cáo.
Tóm lại, dù điều trị bệnh mạn tính nói chung hay bệnh xương khớp nói riêng bằng thuốc tây y hay thuốc đông y thì đều cần phải đến cơ sở khám chữa bệnh có uy tín và tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nguy hại đến sức khỏe.