Từ “tuyên ngôn bán nước” của Khải Định đến Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh

02-09-2010 20:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

Những năm 30 thế kỷ trước, hồi tôi còn là một học sinh Trường Bưởi, tôi rất ngưỡng mộ nhà báo Pháp Abert Londres, người được mệnh danh là cha đẻ thể loại phóng sự lớn (grand reportage).

Những năm 30 thế kỷ trước, hồi tôi còn là một học sinh Trường Bưởi, tôi rất ngưỡng mộ nhà báo Pháp Abert Londres, người được mệnh danh là cha đẻ thể loại phóng sự  lớn (grand reportage). Vào thời máy bay đường dài chưa phát triển, đi tàu thuỷ Pháp, Nhật mất tháng rưỡi, có khi mất mấy tháng từ Việt Nam qua Pháp. Vậy mà A. Londres đã đi khắp thế giới để viết phóng sự về các dân tộc, đáp ứng lòng mơ ước cái xa lạ (exotisme) của độc giả. Cuộc đời của ông nhuốm màu huyền thoại sau khi ông chết năm 1932, 48 tuổi, trong chiếc tàu bị hoả hoạn giữa biển từ Trung Quốc về. Tên ông được đặt cho một giải thưởng hàng năm cho nhà báo nào viết xuất sắc về phóng sự. Hình như có một chiếc tàu biển cũng được đặt tên Albert  Londres.

Thực ra, thuở nhỏ tôi có được đọc bài báo nào của ông đâu, chỉ ngưỡng mộ suông qua danh tiếng ông. Thời thuộc địa, thông tin khan hiếm, làm sao được như thời internet ngày nay. Gần đây, có người bạn Pháp gửi cho cuốn Màu sắc phương Đông (Visions orientales) in lại một số bài của Londres    viết năm 1922 cho báo Excelsior, viết về Nhật Bản, Đông Dương và Ấn Độ.

 Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Quả là những bài du ký ngắn gọn, tế nhị, dí dỏm, nhận xét sắc sảo về con người, với những phong tục tập quán hấp dẫn. Trang đầu giới thiệu tác giả nhấn mạnh, Londres dũng cảm phê phán chủ nghĩa thực dân thô bạo và phân biệt chủng tộc. Điều này khiến tôi vội đọc ngay 7 bài viết về xứ An Nam (Việt Nam).  Nhưng tôi thất vọng vì Londres vẫn nhìn nước ta với con mắt thực dân, với quan niệm phổ biến châu Âu thời đó: Người da trắng tốt bụng khai hoá người An Nam, do đó dân An Nam rất quý mến người Pháp. Cũng không mấy ngạc nhiên nếu ta biết nhà báo "đại gia" A. Londres đi đâu cũng được các thống sứ, công sứ, nhà vua, nhà doanh nghiệp đón tiếp tại An Nam.

Điển hình là cuộc bệ kiến hoàng đế Khải Định tại Huế, ba ngày trước khi Khải Định xuống tàu sang Pháp theo lời mời của chính phủ bảo hộ. 

Khải Định ngồi trên ngai vàng tiếp hai vị khách là A.Londres và thống sứ Pasquier. Xin lưu ý là sau khi truất ngôi Duy Tân, năm 1916, Pháp đặt Khải Định lên ngôi vì y là con Đồng Khánh vốn được coi là một ông vua tận tụy với "mẫu quốc" (theo sử gia P. Devillers).

Khải Định tuyên bố với Londres như sau:  "Lần đầu tiên một nhà vua An Nam sắp rời đất nước. Đây là giờ phút long trọng đối với tôi và đất nước của tôi. Từ những núi cao không đường sá, các viên quan nhiều ngày nay đã đi cáng xuống thay mặt cho các làng mạc vùng cao để tiễn đưa tôi đi chuyến du hành lớn. Cha tôi từng ao ước được đến đa tạ cường quốc bảo hộ, nhưng số phận không cho phép. Hạnh phúc ấy tôi được hưởng do thần thánh phù hộ. Nhưng tôi có một điều lo: Không biết bên ấy họ nghĩ gì về tôi? Không biết họ có gán cho tôi những suy nghĩ mà tôi không có, họ có gán cho tôi một mục đích khác mục đích của tôi? Ông hãy giúp tôi, ông hãy là máy điện tín, là người đưa tin trước tôi, thông báo hộ tôi: Một hoàng đế của phương Đông xa xôi, của châu Á đôi nơi còn khói lửa sắp đặt chân xuống đất nước ông. Ông ấy đến làm gì? Chắc một số người sẽ cho là ông ấy sẽ đề đạt một số nguyện vọng cho đất nước họ! Không đâu! Tôi đến Paris chỉ để nói là tôi hài lòng, là nước An Nam mà tôi là phụ mẫu, thực sự sung sướng, nhờ nước Pháp mà có hạnh phúc ấy. Tôi đến chỉ để nói lời cám ơn, chỉ có một ước mong: Nước Pháp đừng bỏ rơi chúng tôi! Nước tôi có một dĩ vãng phong phú, những truyền thống tốt đẹp, nhưng qua nhiều thế kỷ, những của cải ấy không còn đủ để xuất hiện trên thế giới. Cần có học vấn! Thầy chúng tôi là nước Pháp đến cho chúng tôi học vấn, dắt tay chúng tôi đi đến tương lai. Đôi tay chúng ta dắt nhau đã sinh ra một mối thiện cảm, ngày nay chúng ta nhẹ nhàng cùng tiến bước trên một con đường... Ông vừa đi qua nước tôi bằng xe ôtô. Trên đường thiên lý, ông chỉ thấy sự yên bình và trật tự. Dân tôi ngả nón chào ông, ông vừa nói với tôi như vậy. Điều đó tôi biết. Ông cần nói cho nước Pháp biết sự đón tiếp người Pháp thế nào của chúng tôi ở đây!     

Tôi không đi một mình, tôi mang theo người kế tự, tôi sẽ không mang con (Bảo Đại) về, tôi gửi con cho nước Pháp. Tôi cho các ngài mượn của tôi "thứ quý nhất". Tôi xin các ông hãy nhào nặn cháu, dạy cháu ngôn ngữ các ngài, chuẩn bị cho nó kế nghiệp tôi.  Còn có sự cộng tác nào thân mật hơn tôi có thể làm được. Tôi là vị vua làm gạch nối giữa dĩ vãng và tương lai. Chúng ta hoàn toàn đồng tâm chuẩn bị cho tương lai ấy. Cả hai phía chúng ta không có gì sợ về tương lai ấy. Nó là điều mong muốn chung, vai kề vai, chúng ta tiến tới!".

Đọc “bản tuyên ngôn” này mới hiểu tại sao Nguyễn Ái Quốc ở Paris phê phán gay gắt chuyến đi điếm nhục quốc thể của Khải Định. Ông còn viết cả vở kịch Con rồng tre để giễu Khải Định. Kịch bị chính phủ Pháp cấm diễn, nhưng nó vẫn ra mắt ở ngoại ô thợ thuyền.

Ngày 2/9/1945, 24 năm sau lời “tuyên ngôn bán nước” như trên của Khải Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn Độc lập ở Ba Đình, Thăng Long - Hà Nội.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn