Hầu như ngày nào Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BVĐK tỉnh Sơn La và Khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Tuyên Quang cũng phải tiếp nhận các trường hợp vào cấp cứu vì ngộ độc do tự tử bằng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Đáng lưu ý, những người tự tử tuổi đời còn rất trẻ, đa số dưới 30 tuổi.
Giải quyết “xích mích” vợ chồng bằng thuốc trừ sâu
Chị L.T.D. (24 tuổi, ở Thuận Châu, Sơn La) được người nhà đưa đến BVĐK Sơn La trong tình trạng bí tiểu tiện, xuất tiết nhiều, khó thở... Gia đình cho biết, do xích mích vợ chồng trong một phút bồng bột chị D. đã lấy chai thuốc trừ sâu để góc nhà và tự kết liễu cuộc sống, cũng may người nhà phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu. Tại BVĐK Sơn La, chị được các bác sĩ truyền thuốc giải độc và cấp cứu theo đúng phác đồ. Các bác sĩ cho biết, rất may với chị D. là lượng thuốc đưa vào cơ thể ít và được cấp cứu kịp thời nên chị đã được cứu sống, hiện tại sức khỏe đã ổn định.
Theo BS. Mè Thị Xuân - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BVĐK tỉnh Sơn La, hầu hết ngày nào các bác sĩ tại khoa cũng tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc do thuốc trừ sâu, trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là do mâu thuẫn vợ chồng. Điều đáng nói là nhiều phụ nữ trong lúc tức tối đã tìm đến cái chết nhưng sau đó hối hận. Có người uống ít, cấp cứu kịp thời thì may mắn thoát chết như trường hợp của chị D., có người uống với lượng lớn mà lại là thuốc diệt cỏ paraquat thì khi đến viện các bác sĩ cũng đành bó tay. Tại BV này, các bác sĩ đã phải chứng kiến nhiều trường hợp tử vong vì uống phải paraquat.
Một trường hợp tự tử thuốc trừ sâu được cứu sống tại BVĐK Sơn La. (Ảnh bệnh viện cung cấp).
Có một thực tế đáng buồn là, theo thống kê của BVĐK Sơn La, tỷ lệ người tự tử bằng thuốc diệt cỏ được đưa đến BV trong độ tuổi rất trẻ, dưới 30 tuổi chiếm 60%.
BS. Xuân cho biết thêm, bên cạnh những ca bệnh tự tử bằng thuốc trừ sâu được đưa vào viện có nhiều ca bị “ngộ độc” cũng rất “ngộ nghĩnh”. Như trường hợp của anh L.V.T. (21 tuổi, ở Mường La, Sơn La) đến nhà bạn uống rượu về bị say, trong cơn say khát nước vớ luôn chai thuốc diệt để góc nhà và uống, trong lúc đang uống thì phát hiện là thuốc diệt cỏ mới cuống cuồng gọi người nhà đưa đi BV. Hoặc trường hợp có một gia đình có 5 người nhập viện chỉ vì sự bất cẩn của người con. Trong lúc cả nhà đi vắng thì đứa con lớn phun thuốc ở vườn rau, sau khi phun xong chạy đi chơi và cũng không để lại lời nhắn về vườn rau mới phun, đến trưa 5 người đi làm về ra vườn hái rau ăn, kết quả là 5 người ngộ độc phải nhập viện...
Bên cạnh sự chủ quan của người lớn trong việc bảo quản loại thuốc độc này, thì sự hớ hênh của cha mẹ cũng đã làm ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Mới đây, BVĐK tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp nhận và xử trí trường hợp bệnh nhi Đoàn Thu Hiền (2 tuổi, trú tại Lang Quán, Trung Môn, Yên Sơn, Tuyên Quang) nhập viện do uống nhầm thuốc diệt cỏ. Gia đình bé cho biết, do bất cẩn nên đã để cháu uống lọ thuốc diệt cỏ non, kiểm tra miệng thấy có bột thuốc màu trắng. Sau khi phát hiện gia đình lập tức đưa cháu đến BV.
Cần phải được kiểm soát chặt chẽ
Theo BS. Mè Thị Xuân, một trong những nguyên nhân khiến ở BV miền núi như Sơn La thường xuyên tiếp nhận những ca ngộ độc hoặc tự tử do uống thuốc diệt cỏ vì loại thuốc này rất dễ mua, giá thành rẻ, chưa được kiểm soát chặt... Đặc biệt, ở miền núi, bà con chưa có thói quen phân loại thuốc độc với các vật dụng khác trong gia đình.
Cùng quan điểm này, BS. Lương Thị Hương - Phó trưởng Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Tuyên Quang cho rằng, các gia đình thường hay tận dụng vỏ chai nước như Lavie, trà xanh... để đựng hóa chất, vì thế cũng rất dễ nhầm lẫn nếu không được cất kỹ và để xa tầm tay trẻ em.
Như thống kê ở trên, hầu hết các BVĐK tuyến tỉnh hàng ngày đều tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc, còn tại Trung tâm Chống độc BV cũng thường xuyên phải tiếp nhận, nhưng khi lên đến tuyến này đều là những bệnh nhân ngộ độc tuyến dưới đã phải bó tay. PGS.TS. Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ với các loại thuốc trừ sâu, đặc biệt là paraquat. Trên thế giới, nhiều nước đã cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng loại thuốc này với những quy định hết sức ngặt nghèo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, loại thuốc này vẫn được bán công khai, ai cũng có thể mua. Việc quản lý lỏng lẻo, sử dụng hóa chất độc hại bừa bãi đã và đang gây nên những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.