Mới đây, một phụ nữ 31 tuổi ở Nghệ An đã phải nhập viện sau khi được các bác sĩ phát hiện que cấy tránh thai "đi lạc" vào sâu trong bắp tay. Theo BS CKI Trần Văn Bảo - Phó trưởng khoa KHHGĐ, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, những trường hợp que tránh thai "đi lạc" gây viêm rất hy hữu và nguyên nhân phần lớn do kỹ thuật cấy ghép chưa phù hợp.
Để đề phòng que cấy tránh thai "đi lạc" nguy hiểm, chị em nên thực hiện thủ thuật cấy que ngừa thai ở các bệnh viện và nên tái khám để kiểm tra theo hẹn của bác sĩ.
Vậy cấy que tránh thai là gì và phương pháp này có những rủi ro gì khi thực hiện? Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.
1. Cấy que tránh thai là gì?
Cấy que tránh thai là phương pháp sử dụng một que chứa hormone gây ức chế sự rụng trứng cấy vào vùng da dưới cánh tay. Que cấy giải phóng một lượng hormone progestational liều thấp, ổn định để làm đặc chất nhầy cổ tử cung và làm mỏng lớp niêm mạc tử cung nhằm ngăn ngừa sự thụ thai. Đây là một lựa chọn kiểm soát sinh sản lâu dài của phụ nữ và được nhiều người lựa chọn.
Que cấy tránh thai mang lại hiệu quả tránh thai lâu dài và do nó không chứa estrogen nên sau khi loại bỏ que, khả năng sinh sản của người phụ nữ nhanh chóng được phục hồi.
Theo BS. Trần Thu Nguyệt - Bộ Y tế, ưu điểm của phương pháp này là bạn sẽ không phải lo nghĩ về các biện pháp tránh thai khác trong vòng tối đa là 3 năm. Hiệu quả của biện pháp cấy que cũng tương đương với đặt vòng tránh thai. Khi bạn có kế hoạch sinh con, bạn có thể mang thai sau khi thực hiện một thủ thuật gỡ que tránh thai ra khỏi cơ thể.
2. Những đối tượng nào không nên sử dụng que cấy tránh thai?
Que cấy tránh thai là một phương pháp tránh thai tốt cho phụ nữ đang cho con bú, những người bị bệnh tim mạch hoặc bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục mà không thể áp dụng phương pháp đặt vòng.
Tuy nhiên, que cấy tránh thai không thích hợp cho tất cả mọi người. Chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn có thể không khuyến khích sử dụng que cấy tránh thai nếu bạn:
- Có dị ứng với bất kỳ thành phần nào của mô cấy
- Đã từng bị đông máu nghiêm trọng, đau tim hoặc đột quỵ
- Có khối u gan hoặc bệnh gan
- Đã biết hoặc nghi ngờ ung thư vú hoặc tiền sử ung thư vú
- Chảy máu bộ phận sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán
Que cấy tránh thai không chống chỉ định sử dụng cho những phụ nữ thừa cân. Tuy nhiên, có thể nó không hiệu quả ở những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30. Hãy trao đổi kỹ với bác sĩ của bạn nếu bạn đang bị thừa cân, béo phì trước khi thực hiện phương pháp này.
3. Tác dụng phụ của que tránh thai
Que cấy tránh thai không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bạn nên sử dụng bao cao su cho tất cả những lần quan hệ tình dục.
Các tác dụng phụ liên quan đến việc cấy que tránh thai bao gồm:
- Đau bụng hoặc đau lưng
- Tăng nguy cơ u nang buồng trứng không phải ung thư
- Thay đổi mô hình chảy máu âm đạo, bao gồm cả trường hợp không có kinh (vô kinh)
- Giảm ham muốn tình dục
- Chóng mặt
- Nhức đầu
- Kháng insulin nhẹ
- Thay đổi tâm trạng và trầm cảm
- Buồn nôn hoặc đau bụng
- Tương tác tiềm năng với các loại thuốc khác
- Đau ngực
- Viêm hoặc khô âm đạo
- Tăng cân
4. Lưu ý khi có ý định cấy que tránh thai
Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào đối với cục máu đông, bao gồm tiền sử có cục máu đông ở chân hoặc chẩn đoán trước về cục máu đông trong phổi (thuyên tắc phổi).
Một số loại thuốc và sản phẩm thảo dược có thể làm giảm mức progestin trong máu của bạn, điều này có thể làm giảm hiệu quả của que cấy tránh thai. Trao đổi với bác sĩ của bạn về các lựa chọn tránh thai thay thế nếu bạn đang phải dùng bất cứ loại thuốc nào.
BS. Trần Thu Nguyệt khuyến cáo: Đa số phụ nữ sẽ bị chảy máu bất thường trong vòng 1 năm đầu tiên sau cấy ghép. Và nếu bạn có hiện tượng chảy máu bất thường nghiêm trọng, thì bạn cần đi khám bác sĩ để được điều trị ngay. Nếu trong trường hợp nguyên nhân được xác định là do que cấy, bác sĩ có thể chỉ định loại bỏ que.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phòng bệnh đậu mùa khỉ đừng quên bảo vệ sức khỏe tình dục.