Từ trường hợp bệnh nhân 14 tuổi mới được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối, Bác sĩ khuyến cáo gì?

20-02-2019 10:58 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Vừa qua, Khoa Thận – Nội Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi nam, 14 tuổi, suy thận mạn giai đoạn cuối trên nền bệnh thận đa nang.

Điều đáng nói là bệnh nhi này lần đầu đi khám bệnh và bệnh được phát hiện tình cờ. Gia đình bệnh nhân cho biết bệnh nhi đi tiểu ra máu nên được gia đình đưa đến cơ sở y tế, lúc được phát hiện ra suy thận mạn thì bệnh cũng ở giai đoạn cuối. Vào tình huống như thế này việc điều trị lúc này là biện pháp thay thế thận.

Các bác sĩ cho biết,  đây là một trường hợp bệnh được phát hiện muộn nên mọi can thiệp và điều trị sẽ cực kỳ khó khăn. Theo đó, từ trường hợp đáng tiếc trên các chuyên gia y tế cho rằng, việc phát hiện và quản lý bệnh thận mạn giai đoạn sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm làm chậm hoặc ngăn diễn tiến của bệnh.

Siêu âm thai có thể phát hiện dị tật thận, đường niệu bẩm sinh

Theo Bs CK1 Lương Thị Mỹ Tín, Bệnh viện Nhi đồng 1, khác với người lớn, dị tật thận/đường niệu bẩm sinh chiếm tỉ lệ khá cao (60%) trong các nguyên nhân không liên quan đến bệnh cầu thận gây bệnh thận mạn. Ngay từ khi còn trong bào thai, siêu âm thai có thể phát hiện dị tật thận/đường niệu bẩm sinh.

Siêu âm thai để khảo sát hình thái học hệ niệu có thể thực hiện từ tuần thứ 16 thai kỳ. Nếu có bất thường trên siêu âm thai thì sẽ được theo dõi tiếp trong các lần siêu âm sau đó để can thiệp sửa chữa hoặc chấm dứt thai kỳ tùy mức độ dị tật. Ngoài ra, thông qua lượng nước ối sẽ giúp biết được phần nào chức năng lọc của thận.

Siêu âm tiền sản và sau sinh giúp phát hiện sớm dị tật thận và hệ niệu bẩm sinh.

Cùng quan điểm trên, Ths Bs Nguyễn Đức Quang cũng cho hay,  đối với trẻ sơ sinh đã phát hiện bất thường hình thái hệ niệu, hoặc có bất thường phát hiện khi thăm khám như phổi, bụng, dị tật tai ngoài, một động mạch rốn thì sẽ được siêu âm trong 24 giờ đầu đối với dị tật hai bên hoặc thận độc nhất và sau 48 giờ đến một tuần đầu đối với dị tật ở một bên thận.

Đối với trẻ không có dị tật hoặc bất thường hệ niệu trong thai kỳ, cũng không có yếu tố nguy cơ tăng huyết áp thì việc phát hiện những dấu hiệu gợi ý bệnh thận và đưa đến cơ sở y tế kịp thời là rất quan trọng. Điều này góp phần chẩn đoán và điều trị tương ứng những bệnh lý nền tảng - có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.

Những triệu chứng gợi ý bệnh thận cần đưa ngay đến cơ sở y tế

Các chuyên gia nhấn mạnh, khi thấy các triệu chứng/ nhóm triệu chứng thường gợi ý bệnh thận dưới đây cần tới cơ sở y tế để khám và đượct tư vấn.

Các nhóm triệu chứng  gợi ý bao gồm:

- Thay đổi tính chất nước tiểu: màu sắc (tiểu màu nâu, trà đậm, coca – cola, đỏ, hồng), nhiều bọt, có sỏi.

- Thay đổi thói quen đi tiểu: Tiểu nhiều, tiểu đêm, tiểu rỉ, cần phải rặn khi đi tiểu, dòng nước tiểu yếu hoặc ngắt quãng.

- Hơi thở, nước tiểu có mùi lạ.

- Phù.

- Tăng huyết áp.

- Tăng creatinin máu.

- Đau bụng, sờ thấy khối lớn dần ở bụng.

- Chậm lớn, chậm phát triển tâm thần, vận động.

- Triệu chứng của bệnh nền: ban da, đau khớp/ viêm khớp, rụng tóc…

Các bác sĩ cũng lo ngại, suy thận mạn giai đoạn cuối là gánh nặng của ngành y tế và chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong mô hình bệnh tật nói chung. Điều đáng nói là dân số bệnh thận mạn thực sự là một tảng băng chìm, không chỉ ở đặc thù bệnh lý mà còn do chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu và tầm soát bệnh tật trong cộng đồng còn chưa phổ biến. Nhiều nguyên nhân nền tảng có thể diễn tiến âm thầm hoặc triệu chứng kín đáo mà người bệnh không tự nhận ra cho đến khi diễn tiến đến bệnh thận giai đoạn cuối.

Siêu âm tiền sản và sau sinh giúp phát hiện sớm dị tật thận và hệ niệu bẩm sinh. Đo huyết áp trong mỗi lần khám bệnh trên nhóm trẻ có nguy cơ tăng huyết áp và đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu gợi ý bệnh thận niệu sẽ giúp phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh. Từ đó góp phần làm chậm cũng như ngăn diễn tiến đến bệnh thận giai đoạn cuối giúp tránh phải điều trị thay thế thận. các bác sĩ khuyến cáo.

Trẻ không có dị tật thận và hệ niệu trong thai kỳ, không có yếu tố nguy cơ tăng huyết áp, và không có triệu chứng gợi ý nêu trên cũng không loại trừ bệnh lý thận dưới lâm sàng nên cần được khám định kỳ mỗi năm. Ngoài thăm khám lâm sàng (đo huyết áp…) thì các xét nghiệm như tổng phân tích nước tiểu, định lượng creatinin máu, siêu âm bụng tổng quát, chụp hình hệ niệu… được chỉ định tùy trường hợp để xác định bệnh thận mạn và xếp giai đoạn tùy theo ước tính độ lọc cầu thận. Từ đó, bác sĩ có kế hoạch điều trị và theo dõi cụ thể đối với từng bệnh nhi.

Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn