Hà Nội

Từ trò chơi cá voi xanh ngẫm về hành vi cực đoan

11-05-2018 07:44 | Y học 360
google news

SKĐS - Trò chơi cá voi xanh vừa mới xuất hiện ở Tiền Giang gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn cấp tới các bậc cha mẹ cảnh giác cao độ với một loại trò chơi nguy hiểm chết người này.

Lý giải về trò chơi này dưới góc nhìn của một chuyên gia tâm thần, SK&ĐS xin giới thiệu bài viết của PGS.TS. Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103.

Sơ lược về trò chơi cá voi xanh

Trò chơi cá voi xanh là một trò chơi truyền thông xã hội xuất hiện cách đây 2 năm xuất phát từ nước Nga. Trò chơi này yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trong vòng 50 ngày, bắt đầu từ 4h20 phút sáng mỗi ngày. Thử thách cá voi xanh đặt ra một loạt các nhiệm vụ khác nhau dành cho người chơi, từ sử dụng dao hoặc lưỡi lam để tạo hình dáng cá voi lên cổ tay hoặc chân, đến xem phim kinh dị cả ngày lẫn đêm để hoàn thành thử thách. Vào ngày cuối cùng, bằng cách tự sát, người chơi sẽ được thừa nhận là kẻ chiến thắng. Đó cũng là ý nghĩa tên gọi của trò chơi, giống như những con cá voi xanh tự nguyện lao lên bãi biển để tự sát. Trò chơi nguy hiểm này đang trở thành trào lưu trong giới trẻ, dẫn đến hàng trăm vụ tự tử thương tâm. Ít nhất 130 thanh thiếu niên ở nước Nga đã tử vong từ tháng 11/2015 đến tháng 4/2016 sau khi tham gia trào lưu này. Nguy hiểm hơn, không chỉ riêng nước Nga, mà trò chơi tự sát cá voi xanh đã lan rộng sang vùng Trung Á, châu Âu và Nam Mỹ với tốc độ chóng mặt không thể kiểm soát.

Từ trò chơi cá voi xanh ngẫm về hành vi cực đoanTrò chơi cá voi xanh đã xuất hiện ở Việt Nam.


Lý giải về trò chơi dưới góc nhìn tâm thần học

Người chơi trò chơi cá voi xanh biết rõ nội dung trò chơi, biết rõ kết cục của trò chơi là cái chết mà họ vẫn tham gia, như vậy không có yếu tố lừa đảo ở đây. Lúc mới tham gia, những người chơi đều tình nguyện chứ không bị cưỡng bức (yếu tố cưỡng bức chỉ xuất hiện sau này, khi người chơi có ý định bỏ cuộc). Vậy tại sao vẫn có người tham gia trò chơi này?

Trong thực tế, điều vô lý này không phải hiếm! Có rất nhiều người bị rối loạn nhân cách thể chống xã hội và rối loạn nhân cách thể ranh giới. Đó là hai loại rối loạn nhân cách khá kì lạ. Người rối loạn nhân cách thể chống xã hội thường tìm cách chống lại các quy tắc của xã hội. Họ hay trốn học, bỏ việc vô cớ, gây sự đánh nhau, ngược đãi động vật và người khác. Họ cũng hay có các hành vi phá hoại tài sản công cộng hoặc tài sản cá nhân của người khác và của ngay chính người trong gia đình, lạm dụng rượu, thuốc lá và ma túy. Nói vắn tắt là nếu chúng ta bảo xuôi thì họ sẽ làm ngược, nếu nhiệm vụ của họ là phải thì họ sẽ làm trái. Tất cả các hành vi đó nhằm một mục tiêu là khẳng định mình, khẳng định cái tôi nổi loạn của họ. Vì vậy, nhiều người trong số họ có hành vi hủy hoại bản thân hoặc tự sát. Còn với người rối loạn nhân cách thể ranh giới thì có cảm xúc không ổn định. Họ lúc vui, lúc buồn, đang phấn khích lại chợt chán nản. Những người này luôn tự ti, đánh giá thấp bản thân và có thể có hành vi tự sát. Người rối loạn nhân cách thể ranh giới luôn có khát khao khẳng định mình, chứng minh với mọi người rằng mình mạnh mẽ, không phụ thuộc vào ai, rằng mình có thể thành công, làm được những việc phi thường mà người khác không thể làm được hoặc không dám làm.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu hai loại người có rối loạn nhân cách nêu trên, khi tiếp cận với trò chơi cá voi xanh sẽ vượt qua sự e ngại, nghi hoặc của những người bình thường về nội dung trò chơi. Ý thức muốn nổi loạn của họ bùng lên mạnh mẽ, họ tham gia trò chơi một cách tự nguyện, háo hức khám phá và tự khẳng định mình. “Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt/Còn hơn sống le lói suốt trăm năm”, câu thơ của Xuân Diệu được họ vận dụng một cách cực đoan. Họ sẵn sàng dậy sớm, chịu đau khi tự rạch da, chấp nhận vượt qua các thử thách kì quái, chấp nhận cái chết để được một lần trong đời hưởng cảm giác chiến thắng, được tung hô là người chiến thắng. Những người sợ đau, sợ chết khi tham gia trò chơi dở chừng sẽ tìm cách bỏ cuộc, còn những kẻ cực đoan nhất sẽ tham gia đến cùng, sẽ là những kẻ chiến thắng, nghĩa là những kẻ chết vì sự cực đoan của chính mình. Điều mỉa mai ở đây là họ chỉ là người chiến thắng sau khi họ đã tự tử thành công.

Và các hành vi cực đoan khác

Trò chơi cá voi xanh không phải là biểu hiện đầu tiên, cũng không phải là biểu hiện cuối cùng của các hành vi cực đoan mà con người đã gặp phải. Xin liệt kê các hành vi cực đoan khác đã tồn tại trong xã hội loài người:

Để người khác ăn thịt mình: Hiện tượng này đã xảy ra ở Mỹ, Nhật Bản, Đức. Nạn nhân tình nguyện để kẻ sát nhân giết và ăn thịt mình.

Các ma giáo: Họ giết người, giết trẻ con để hiến tế cho các thần linh của họ. Điều đó còn diễn ra đến tận ngày nay với các biến tướng khác như từ bỏ tổ tiên, gia đình, con cái để đi theo tà giáo.

Nghiện ma túy đá: Ma túy đá gây ra rối loạn hành vi, gây hoang tưởng và ảo giác, gây tử vong do kiệt sức, do nhồi máu cơ tim, do sốc phản vệ (khi dùng đường tiêm). Ma túy đá có tỷ lệ tử vong cho người dùng gấp 10 lần so với heroin. Vậy mà bao kẻ vẫn lao vào như thiêu thân. Hầu như ngày nào chúng ta cũng thấy báo đưa tin về các vụ giết người do ngáo đá. Nhưng hiện nay, ma túy đá đang được sử dụng phổ biến hơn cả heroin.

Buôn bán ma túy: Nghề này lời nhiều nhưng chết sớm. Biết bao kẻ buôn bán ma túy đã bị tống vào tù, nhiều người trong số họ đã bị xử tử, vậy mà vẫn có kẻ lao vào buôn bán ma túy để kiếm lợi khủng.

Nghiện cờ bạc: Có mấy ai giàu lên vì đánh bạc nhỉ? Chắc là có, nhưng rất ít. Còn phần lớn là những kẻ thua bạc. Nhiều người thua đến khuynh gia, bại sản, bán nhà, bỏ vợ, đợ con, tự nguyện gán mình để chơi bạc. Nhiều người sang tận Campuchia chơi và thua bạc. Sau khi được gia đình mang tiền sang chuộc về, họ lại tiếp tục trốn sang Campuchia chơi bạc tiếp. Chuyện thua bạc, chuộc tiền với họ diễn ra vài lần mà họ đâu có chừa.

Từ trò chơi cá voi xanh ngẫm về hành vi cực đoanTrò chơi khiến 130 thanh thiếu niên Nga tự sát.

Cướp của: Mới nghe thì chúng ta tưởng đây là vấn đề an ninh, trật tự xã hội đơn thuần. Nhưng thực ra cướp của cũng giống buôn bán ma túy vậy. Họ muốn phất nhanh bằng cách cướp tài sản của người khác về làm của mình. Cướp của luôn đi kèm với bạo lực và luôn bị xã hội tìm cách truy quét.

Thay lời kết

Hiện tượng cực đoan tồn tại trong đời sống văn hóa, xã hội của loài người. Dù có cố gắng đến đâu, chúng ta cũng không thể loại trừ hoàn toàn chúng. Trò chơi cá voi xanh là một trong những hiện tượng đó. Dù nội dung của trò chơi dẫn đến kết cục bi thảm cho người chơi, nhưng vẫn nhiều người tình nguyện lao vào. Vì thế, chúng ta phải cảnh giác, phát hiện ra con em mình là những người tham gia để ngăn chặn các hậu quả xấu. Muốn vậy thì các bậc cha mẹ cần quan tâm sâu sát đến con mình. Đừng viện lý do bận quá mà xao nhãng quan tâm đến con cái. Tình cảm của con người bao gồm sự cảm thông, sự thấu hiểu là những thứ không thể mua được bằng tiền. Nắm bắt được những bất thường trong ý nghĩ, hành vi của con cái, cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát và ngăn chặn các hậu quả xấu của  chúng.


PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103)
Ý kiến của bạn