Từ “trải thảm” đến cuộc sống

25-12-2014 22:37 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện nay, nhiều địa phương đã ban hành hàng loạt các chính sách, chế độ đãi ngộ thu hút bác sĩ giỏi, sinh viên y khoa tốt nghiệp khá, giỏi về công tác

Hiện nay, nhiều địa phương đã ban hành hàng loạt các chính sách, chế độ đãi ngộ thu hút bác sĩ giỏi, sinh viên y khoa tốt nghiệp khá, giỏi về công tác. Các chính sách, chế độ với nhiều ưu đãi đặc biệt được ban hành nhằm tạo “nam châm” kéo người giỏi về cơ sở. Nhưng từ “trải thảm” đến thực tiễn cuộc sống vẫn còn nhiều khoảng cách.

​Chế độ, chính sách và môi trường làm việc cần phù hợp để thu hút bác sĩ.

Đãi ngộ từ giảng đường

Đề án Đào tạo và thu hút bác sĩ, bác sĩ nội trú tỉnh Quảng Nam ban hành với yêu cầu là nguồn nhân lực chất lượng cao nên đối tượng đào tạo và thu hút theo đề án chỉ bó hẹp trong phạm vi 3 trung tâm đào tạo bác sĩ lớn và có chất lượng cao nhất cả nước là trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, Đại học Y dược Huế (bác sĩ đào tạo hệ chuyên tu, cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đại học hệ 4 năm không thuộc đối tượng theo đề án này). Đây là lần đầu tiên đối tượng đào tạo được hưởng cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam là sinh viên nhằm thu hút bác sĩ về công tác tại tỉnh, tăng cường nhân lực cho ngành y tế vốn đang thiếu (trước đây mới chỉ là quy định tạm thời của UBND tỉnh mà cụ thể là Quyết định 1187, ngày 16/4/2013). Quyền lợi dành cho đối tượng này cũng khá ưu đãi. Cụ thể, sinh viên theo học bác sĩ hoặc học viên theo học bác sĩ nội trú sẽ được cấp 100% học phí, sinh hoạt phí hàng tháng (bao gồm ăn, ở, bảo hiểm y tế, chi phí đi lại...); được hỗ trợ lại toàn bộ học phí, sinh hoạt phí trong suốt thời gian học bác sĩ và từ bác sĩ lên bác sĩ nội trú trước khi tham gia đề án. Sau khi tốt nghiệp sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng tiền mua đất làm nhà ở. Như vậy, có thể nói để trở thành bác sĩ, người học gần như được tỉnh nuôi ăn học hoàn toàn... Hiện tại, chỉ riêng Trường đại học Y Dược Huế đã có khoảng 600 sinh viên người Quảng Nam. Những con số này cho thấy số lượng con em Quảng Nam học bác sĩ là khá nhiều. Do đó, làm thế nào để khuyến khích, động viên sinh viên Quảng Nam sau khi tốt nghiệp về tỉnh nhà công tác là cần thiết hơn. Với quan điểm không cần thiết ban hành chính sách đào tạo mà chỉ thu hút, ông Nguyễn Đình Tâm - HĐND tỉnh Quảng Nam đề nghị tăng thêm mức hỗ trợ để tạo ra sức hấp dẫp lớn trong thu hút. “Nhưng thu hút về, bố trí công tác ở đâu mới quan trọng. Quảng Nam đang thiếu hụt bác sĩ nhưng nhu cầu lớn nhất vẫn là các huyện miền núi chứ không phải ở Tam Kỳ, Hội An hay Điện Bàn. Vì vậy, tăng chính sách thu hút để bác sĩ về công tác tại miền núi, vùng khó khăn” - ông Tâm đề xuất.

Về quê có khó?

Chính sách thu hút chỉ là một chuyện, còn chế độ sử dụng và đãi ngộ cho thầy thuốc sau khi về địa phương đang là vấn đề “đau đầu” cho nhiều nhà quản lý y tế ở địa phương. Lấy dẫn chứng, bác sĩ thường ở Lai Châu sau 10 năm học hành và công tác (sáu, bảy năm học; ba, bốn năm công tác) chỉ hưởng lương hành chính sự nghiệp từ 3,5 đến 4,2 triệu đồng/tháng. Bác sĩ chuyên khoa I (trung bình mất 15 năm học và công tác) lương cơ bản vỏn vẹn 5,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra được thêm một số khoản phụ cấp, tiền trực ít ỏi nữa. Công việc làm, khám, chữa bệnh ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập hoàn toàn không có. Cũng đã làm nản lòng nhiều người khi về thì hăm hở, lúc rũ áo ra đi thì chấp nhận bỏ lại giấy tờ bằng cấp.

BS. Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Sở Y tế Đăk Lăk nêu quan điểm, chính sách đãi ngộ cũng chỉ là một phần, bởi chỉ mang tính thời gian và giai đoạn. Cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ, khi nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác ở địa phương thì họ cần ở đó có môi trường làm việc tốt và cần có cuộc sống tối thiểu chấp nhận được, bởi mức lương 2,34 của một bác sĩ mới ra trường chưa thể bảo đảm mức sống để họ toàn tâm toàn ý với công việc. Từ thực tiễn đó, Đăk Lăk tiếp nhận bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc về công tác sẽ được hưởng bậc lương 4,40 thay cho mức 2,34 như thông thường hoặc được xếp vào hạng chuyên viên chính.

BS. Ngô Minh Trực, Giám đốc Sở Y tế Đăk Nông cho rằng, tỉnh có Nghị quyết về thu hút bác sĩ giỏi nhưng không vì thế mà việc tuyển dụng bác sĩ diễn ra một cách ồ ạt. Để triển khai hiệu quả nghị quyết, vấn đề trước mắt đòi hỏi các đơn vị phải nghiêm túc rà soát, có kế hoạch sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ tại đơn vị. Bên cạnh đó, ngành cũng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa môi trường hành chính theo hướng lành mạnh, cạnh tranh minh bạch, công bằng để những nhân tài sau thu hút phát huy tốt năng lực, tâm huyết trong chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Kim Diệu

 

 


Ý kiến của bạn