Tự tin vì có “1816”

05-12-2011 11:28 | Tin nóng y tế
google news

Từ năm 2008, tỉnh Nam Định bắt đầu triển khai thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn từ tuyến trên luân phiên về hỗ trợ tuyến dưới.

Từ năm 2008, tỉnh Nam Định bắt đầu triển khai thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ chuyên môn từ tuyến trên luân phiên về hỗ trợ tuyến dưới. Qua gần 3 năm thực hiện, Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến dưới, giảm tải cho bệnh viện (BV) tuyến trên...

Giảm số ca chuyển viện tuyến trên

Qua 3 năm thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, các BV tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tiếp nhận 35 lượt cán bộ, thầy thuốc của các BV tuyến Trung ương như: BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Nội tiết, BV K, Viện Bỏng… về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật. Tại BVĐK tỉnh Nam Định, đội ngũ cán bộ y tế các BV tuyến Trung ương đã thực hiện hỗ trợ ở nhiều chuyên ngành như: ngoại, chấn thương, lọc máu, thần kinh, hồi sức cấp cứu, nội tổng hợp, phục hồi chức năng, ung bướu và mắt; chuyển giao các kỹ thuật điều trị phẫu thuật nội soi, sốc bỏng, truyền nhiễm, vi sinh, thần kinh; các phẫu thuật ung thư, kỹ thuật cắt bỏ hoại tử, ghép da điều trị bỏng sâu… theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.
 
 Nhiều bệnh viện tuyến dưới đã thực hiện được các kỹ thuật mới.
Nhờ đó, BVĐK tỉnh Nam Định đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, phương pháp điều trị tiên tiến rất hiệu quả, góp phần giảm bớt số lượng người bệnh phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Trong 3 năm (2009-2011), tổng số lượt người bệnh điều trị nội trú, điều trị ngoại trú đạt và vượt kế hoạch rất cao song số ngày điều trị trung bình giảm. BV đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới áp dụng vào KCB, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống, số bệnh nhân được phẫu thuật bằng các kỹ thuật mới ở nhiều chuyên khoa tăng gấp 5-7 lần so với những năm trước và không xảy ra tai biến.

Cùng với việc tiếp nhận cán bộ từ các BV Trung ương về hỗ trợ, BV tuyến tỉnh đã cử cán bộ có chuyên môn giỏi về hỗ trợ các BV tuyến dưới. BVĐK tỉnh Nam Định đã hỗ trợ hầu hết các BV tuyến huyện theo yêu cầu. BV đã có nhiều buổi tập huấn chuyên môn, chuyển giao được nhiều kỹ thuật: nội soi tiêu hóa, kỹ thuật siêu âm ổ bụng, nội soi chẩn đoán các bệnh tai mũi họng, chích áp-xe amidan...

Tại các BV, cán bộ y tế đã được chuyển giao, hỗ trợ các kỹ thuật tiên tiến; nhờ đó, trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành của thầy thuốc ở các BV tuyến huyện được nâng lên. Các BVĐK tuyến huyện cũng thực hiện luân chuyển cán bộ về các trạm y tế xã căn cứ vào yêu cầu thực tế tại các địa phương; chuyển giao kỹ thuật, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cán bộ. Bên cạnh đó, cán bộ luân chuyển đã KCB trực tiếp tại chỗ cho nhiều lượt bệnh nhân, giảm tải cho BV tuyến trên. Năm 2010, số bệnh nhân trong toàn tỉnh Nam Định phải chuyển lên tuyến trên giảm 30% so với năm 2009.

Những khó khăn cần khắc phục

Để nâng cao chất lượng khám, điều trị góp phần chống quá tải, các BV tuyến dưới cần phối hợp với các BV tuyến trên, chủ động lựa chọn và đề xuất nội dung kỹ thuật chuyển giao sát với thực tế và phù hợp với năng lực đội ngũ cán bộ của BV. Thực hiện nghiêm việc khảo sát đánh giá, xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ chuyển giao công nghệ kỹ thuật, phát hiện nhu cầu nhân lực, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho cơ sở KCB ở tuyến dưới.
 
Bởi nếu chọn cán bộ chưa đủ năng lực, trình độ tiếp nhận việc chuyển giao thì các bác sĩ giỏi có về cũng khó có thể “cầm tay chỉ việc”. Từ thực tế kinh nghiệm của BV Bạch Mai, trước khi cử cán bộ thực hiện tăng cường cho các BV tuyến dưới, BV đã đi khảo sát trực tiếp tại các cơ sở, qua đó xây dựng kế hoạch để chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cán bộ phù hợp. Điều này đã mang lại hiệu quả cao khi thực hiện Đề án 1816. Tuy đạt được những kết quả ban đầu, song Đề án 1816 vẫn chỉ là một giải pháp mang tính tình thế đối với vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành y tế.
 
Việc cán bộ tuyến trên giúp tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cũng chỉ là cách đào tạo ngắn hạn, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, trong khi nhiều kỹ thuật phức tạp đòi hỏi trình độ, khả năng tiếp thu của người tiếp nhận cao và phải được đào tạo bài bản. Do vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ vẫn là vấn đề then chốt để đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành y tế hiện nay.

Bài và ảnh: Minh Thuận


Ý kiến của bạn