Tự tin sống khỏe với hội chứng Down

29-01-2021 08:30 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - “Trong chương trình Down The Road, tôi đã chứng minh, chúng tôi, những nạn nhân hội chứng Down, cũng có thể làm mọi việc.

Chúng tôi mong muốn mọi người hiểu rằng, nạn nhân Down cũng cần sự quan tâm và tình yêu” - Dominika Kasinska, tác giả đoạt giải khuyến khích cuộc bình chọn “Con người không rào cản 2020” do báo điện tử Ba Lan Niepelnosprawni. pl tổ chức, chia sẻ.

Thiếu nữ xinh đẹp, chỉn chu, trang phục lịch sự, tươi cười và tràn đầy năng lượng hoạt động. Đó là Dominika Kasinska. Chị vừa nhận công việc làm giáo viên trợ giảng một trường tiểu học công lập, sau khi đã chờ đợi tròn 7 năm.

Cho dù trường học xa nhà, thời gian đi lại bằng xe lửa ngốn gần 3 giờ/ngày, song đối với nạn nhân hội chứng Down và bố mẹ, rào cản này có thể vượt qua. Đã 27 năm người thân chiến đấu vì sức khỏe và chất lượng sống của Dominika.

Dominika Kasinka là giáo viên trợ giảng.

Dominika Kasinka là giáo viên trợ giảng.

Cuộc chiến với hệ thống

“Tôi sinh Dominika, năm tôi 23 tuổi. Suốt thời gian mang thai tôi không thấy dấu hiệu gì khác lạ. Sau khi sinh, tôi mới biết, con bị Down. Đến hôm nay tôi vẫn nhớ giây phút ấy, bởi không thể quên những ngôn từ như thế. Bác sĩ thông báo, con tôi bị Down. Và bảo tôi rằng những đứa trẻ bị Down thường sống không lâu...” - bà Anna kể.

Từ giây phút đó, bà Anna 3 lần/ngày mang sữa nuôi con, thời gian bé Dominika phải nằm viện, nơi không hộ lý nào nhiệt tình đón nhận. Bà cũng nhớ ánh mắt kỳ thị gắn kèm tâm lý tò mò của hàng xóm dành cho con gái mắc hội chứng đần độn dị thường.

“Tất cả khiến tôi liên tục bị cay mắt, song bất chấp tất cả, con gái bé bỏng rất ngoan, tươi tắn và thông minh” - người mẹ xấu số nhấn mạnh.

Bố mẹ Dominika rất sớm đặt chân vào con đường tranh đấu với hệ thống quản lý nhà nước. Nhiều vị chức sắc coi thường, né tránh Anna, họ chê bà quá nuông chiều con gái và mất công đòi thay đổi những điều luật không thể thay đổi. Bố mẹ đưa con gái đến phòng khám chuyên gia chữa trị khuyết tật phát ngôn, bác sĩ nha khoa điều chỉnh hàm răng, bác sĩ nhãn khoa và tất cả chuyên gia tại các trung tâm y tế lớn. Bố mẹ không tiếc tiền, vì tương lai con gái.

Không ít lần bị phân biệt, đối xử

Dominika nhanh chóng thấu hiểu nỗ lực của bố mẹ dành cho mình. Chị hào hứng học cách đi đứng và phát ngôn chuẩn mực, hoàn thành khóa học nghệ thuật trang điểm và tạo mẫu trang phục. Tốt nghiệp Khoa Tiểu học, Đại học Sư phạm. Tự hoàn thiện bản thân trong trường học và ngoài đời.

20 năm trước ở Ba Lan, trẻ khuyết tật không được chào đón tại các trường công lập - bà Anna cho biết. Để đáp ứng các yêu cầu về thể chất và trí tuệ của nhà trường, học sinh khuyết tật thường phải tham gia các khóa trị liệu và học thêm.

Nỗ lực của phụ huynh và học sinh không phải lúc nào cũng mang lại kết quả mong muốn. Dominika buộc phải chấp nhận thân phận học sinh yếu kém cá biệt.

“Ngoài xã hội, có lần nhân viên soát vé không muốn cho tôi vào rạp, viện cớ, phim dành cho người lớn. Lần khác nhân viên bán hàng siêu thị từ chối bán giầy cao gót cho tôi vì lý do: thiếu bố/mẹ đi kèm, trong khi tôi đã 18 tuổi. Với tôi, tất cả đều là ký ức buồn” - Dominika chia sẻ.

Với sự hỗ trợ của người thân, Dominika từng bước vượt qua mọi rào cản. Bố mẹ dành nhiều thời gian hơn giúp con hoàn thành bài tập về nhà và trò chuyện với con về mọi chủ đề. Khi biết con gái bị bạn cùng lớp xa lánh, bà Anna lựa cơ hội, chủ động mời các bạn con gái đến nhà.

Tự tin, sống tích cực

Bất chấp rắc rối sức khỏe do xuất hiện bệnh quáng gà, chứng vẹo cột sống, bệnh tuyến giáp và khuyết tật tim, Dominika vẫn duy trì nếp sống hoạt động tích cực.

Dominika kể: “Hàng ngày tôi dạo bộ, bơi, mùa hè đạp xe thể thao, mùa đông trượt tuyết. Ngoài ra tôi thường xuyên tập fitness, thể dục thể hình. Tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, là tình nguyện viên một vài tổ chức từ thiện và nữ đại sứ chương trình “Cuộc sống không rào cản”.

“Con gái đã có vài bài phát biểu thú vị tại các cuộc họp báo. Tiếng nói của Dominika đã vang đến Thượng viện Ba Lan, nơi con gái trình bày về các vấn đề và nhu cầu chính đáng của cộng đồng người khuyết tật. Kênh truyền hình quốc gia TVP đã có chương trình phỏng vấn Dominika” - bà Anna tự hào kể về con gái.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn