Từ tiết khí đến dưỡng sinh

31-10-2019 19:57 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Tiết khí là một danh từ thường dùng trong âm lịch, một năm có 24 tiết khí, mỗi tháng có 2 tiết khí, ở trước gọi là tiết khí, ở sau gọi là trung khí, như Lập xuân là tiết tháng giêng. Vũ thủy là trung tháng giêng, sau này người ta gọi chung tiết khí và trung khí là tiết khí.

Phân chia 24 tiết khí

Thời gian của mỗi tiết khí trong lịch dương tương đối cố định. 6 tháng đầu, tiết khí sẽ rơi vào ngày 5, trung khí sẽ rơi vào ngày 21; 6 tháng cuối, tiết khí rơi vào ngày 8, trung khí rơi vào ngày 23; có thể dao động khoảng 1 - 2 ngày, như Lập xuân thường rơi vào ngày 3 - 5 tháng 2 dương lịch.

Tên của mỗi tiết khí đều mang một hàm nghĩa riêng. Một năm sẽ có “tứ lập” gồm Lập xuân, Lập hạ, Lập thu, Lập đông phản ánh thời điểm bốn mùa bắt đầu. Đông, hạ gồm “nhị chí” là Đông chí và Hạ chí biểu thị rằng ngày mùa đông, hạ đã hết. Xuân, thu có “nhị phân” là Xuân phân và Thu phân, biểu thị thời gian của ngày và đêm bằng nhau. 5 tiết khí phản ánh sự biến hóa của độ ấm gồm Tiểu thử, Đại thử, Xử thử, Tiểu hàn, Đại hàn. 7 tiết khí phản ánh hiện tượng thời tiết: Vũ thủy, Cốc vũ, Bạch lộ, Hàn lộ, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đại tuyết. 4 tiết khí phản ánh hiện tượng mang tính thời vụ của động thực vật cũng như thời tiết gồm Kinh trập (thời gian sâu bọ sinh sản nhiều), Thanh minh, Tiểu mãn, Mang chủng (thời gian các loại ngũ cốc trổ bông).

Từ tiết khí đến dưỡng sinh

Lấy Lập xuân làm thời điểm bắt đầu của một năm, thứ tự của các tiết khí là: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ (mùa xuân); Lập hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử (mùa hạ); Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng (mùa thu); Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.

Ảnh hưởng của tiết khí lên cơ thể

Tiết khí được xây dựng dựa trên quy luật vận động của mặt trời, trái đất và mặt trăng. Do vị trí trong không gian của mặt trời, trái đất, mặt trăng cũng như các ngôi sao biến hóa không quy tắc liên tục, đồng thời năng lượng của vũ trụ sẽ thay đổi không ngừng, sự thay đổi này biến động lớn nhất giữa các tiết khí.

Tiết là một phần nội dung của âm lịch, xuất hiện vào hơn 2000 năm trước ở khu vực trung nguyên, Trung Quốc. Nhưng không có nghĩa là nó chỉ có ảnh hưởng đến khu vực này, bởi vì Tiết khí được sinh ra từ quy luật vận hành của mặt trời, trái đất, mặt trăng và các ngôi sao, cho nên sự biến hóa của năng lượng vũ trụ sẽ ảnh hưởng lên bất cứ nơi đâu trên trái đất, không phân Bắc bán cầu, Nam bán cầu, cũng như Tây bán cầu, Đông bán cầu.

Thuật dưỡng sinh trong tiết Mang chủng

Mang chủng là một trong 24 tiết khí của một năm, năm nay bắt đầu từ ngày 6/6 - 20/6, thuộc tiết khí của mùa hạ.

Trong các tài liệu trong lịch âm có ghi “Đấu chỉ tỵ vi mang chủng, thử thời khả chúng hữu mang chi cốc, quá thử tức thất hiệu, cố danh mang chủng dã”. Ý nói, Mang chủng là tiết khí thích hợp nhất để gieo hạt các loại lúa gạo.

Mùa hạ, nhiệt độ không khí tăng cao, độ ẩm không khí cũng tăng theo, mồ hôi trong cơ thể không thể thông sướng, tức nhiệt chưng thấp động, thấp nhiệt dày đặc trong không khí, cơ thể cũng như hô hấp đều không thể tránh khỏi tiếp xúc với khí thấp nhiệt. Cho nên, thử lệnh thấp thắng tất đa kiêm cảm, khiến người cảm thấy ủ rũ không phấn chấn, tứ chi mệt mỏi. Vì vậy, trong tiết khí Mang chủng không những phải quản lý tốt ruộng đất trong kỳ mưa mà còn phải chú trọng tăng cường thể chất, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm và bệnh thời tiết như cảm nắng, viêm tuyến mang tai, thủy đậu…

Dưỡng sinh trong tiết Mang chủng cần dựa vào đặc trưng thời tiết của nó, điều dưỡng trên nhiều phương diện.

Tinh thần:

Về mặt điều dưỡng tinh thần, cần khiến cho tinh thần duy trì trạng thái thoải mái, vui vẻ, không nên tức giận sầu muộn, như vậy thì khí cơ mới có thể tuyên thông, thông tiết tự nhiên.

Sinh hoạt thường ngày:

Nên ngủ muộn dậy sớm, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, để thuận theo sự sung thịnh của dương khí, có lợi cho sự vận hành của khí huyết, phấn chấn tinh thần. Mùa hạ ngày dài đêm ngắn, một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa giúp giảm mệt mỏi, có lợi cho sức khỏe. Buổi trưa trời nóng, người dễ ra mồ hôi, nên thường xuyên thay y phục. Để tránh cảm nắng, nên thường tắm rửa nhằm giúp da sơ thông, “dương nhiệt” dễ dàng phát tiết. Nhưng cần chú ý, khi mới ra mồ hôi không lập tức tắm ngay.

Ẩm thực:

Từ xưa đến nay, vào mùa hạ, chuyển hóa trong cơ thể thịnh vượng, dễ đổ mồ hôi, hao khí thương tân, nên ăn uống các thực phẩm có công dụng khư thử ích khí, sinh tân chỉ khát. Người già công năng cơ thể sụt giảm, nên lấy thanh bổ làm chủ, trợ thanh thử giải nhiệt hộ vị ích tý. Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi sinh, mặc dù thời tiết nóng nhưng nên kiêng kỵ các loại thực phẩn tính lạnh mát nhằm phòng ngừa phát sinh bệnh tật.

Từ tiết khí đến dưỡng sinhTrứng chiên cà chua thích hợp sử dụng trong tiết Mang chủng

Một vài món ăn thức uống thích hợp sử dụng trong tiết Mang chủng:

Trứng chiên cà chua: sinh tân chỉ khát, dưỡng tâm an thần.

Nấm hương xào bí đao: bổ ích trường vị, sinh tân trừ phiền.

Ngũ vị câu kỷ ẩm (chích dấm ngũ vị tử 5g, câu kỷ tử 10g cắt nhuyễn cho vào nước sôi rồi cho thêm đường trắng khuấy đều để uống): tư thận âm, trợ thận dương.


TS.BS.Võ Trọng Tuân - Dương Thị Ngọc Lan
Ý kiến của bạn