Mời đây, Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn T. (sinh năm 1969, trú tại Long Biên, Hà Nội), nhập viện điều trị trong tình trạng máu chảy nhiều từ vết thương hậu môn.
Khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân cho biết mình bị táo bón lâu ngày, thường tự dùng tay thụt tháo phân hoặc dùng vòi sen xịt. Không may trong một lần thực hiện, bị trượt ngã, vòi sen cắm vào vùng mông còn ngón tay cắm vào trực tràng gây chảy nhiều máu tươi.
Qua thăm dò, nhận thấy vết thương xuất hiện nhiều vết rách phức tạp ở trực tràng, các bác sĩ đã khẩn trương cầm máu và làm các xét nghiệm cần thiết rồi chuyển bệnh nhân lên phòng mổ cấp cứu.
Tại đây kíp phẫu thuật do bác sĩ Phan Văn Thành - Khoa Ngoại tổng hợp thực hiện đã tiến hành mổ nội soi tạo hậu môn nhân tạo, giúp phân và khí thoát khỏi cơ thể bệnh nhân mà không đi qua trực tràng. Sau mổ, tình trạng bệnh nhân hiện đã ổn và đang nằm viện để tiếp tục điều trị.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân.
Bác sĩ Thành cho biết: “Thương tổn hậu môn trực tràng có hình thái lâm sàng rất đa dạng, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc vật nhọn đâm trực tiếp vào khu vực tầng sinh môn… Trường hợp bệnh nhân T. thật may đã kịp thời nhập viện nên việc cấp cứu diễn ra rất suôn sẻ”.
Các bác sĩ cho biết, vùng hậu môn, trực tràng là nơi chứa nhiều vi khuẩn kỵ khí. Do cấu tạo giải phẫu gồm nhiều mô lỏng lẻo nên các vết thương ở vị trí này rất dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là viêm tấy lan toả, khó xử lý.
Hơn nữa, vết thương hậu môn trực tràng thường gặp trong bệnh cảnh đa chấn thương nên thái độ xử trí ban đầu là rất quan trọng, giúp bệnh nhân không bị nguy hiểm đến tính mạng hoặc phải chịu những di chứng nặng nề về sau.
Nguyên nhân táo bón thì có rất nhiều, nhưng có thể chia làm hai nhóm nguyên nhân chính: Nhóm nguyên nhân cơ năng (do dùng thuốc, do chế độ ăn, do thói quen, do lạm dụng thuốc nhuận tràng, do chế độ sinh hoạt ngồi nhiều, do căng thẳng...); nhóm nguyên nhân thực tổn (tổn thương ống tiêu hóa, dị dạng đại tràng, viêm đại tràng mạn thể có co thắt, hội chứng ruột kích thích thể táo, tổn thương ngoài ống tiêu hóa...).