1. Lưu ý khi dùng tăm bông
Tăm bông có thể tốt cho việc trang điểm, làm móng tay hoặc bất kỳ việc lặt vặt nào đó. Nhưng đừng bao giờ dùng chúng để lấy ráy tai. Ráy tai có vai trò như một tấm lá chắn giúp ngăn chặn bụi, vi khuẩn, nấm tấn công vào các tổ chức bên trong của ống tai, bảo vệ cơ quan thính giác của con người.
Việc dùng tăm bông để lấy ráy tai có thể vô tình đẩy lùi ráy tai vào sâu bên trong tai, lâu ngày sẽ khiến tai bị ù, đau tai, nghe không rõ… Đẩy tăm bông vào sâu trong tai còn có thể khiến tổn thương các cấu trúc của tai giữa, có thể đẩy ráy tai và vi khuẩn vào sâu trong tai dễ dẫn đến viêm tai. Nhiều trường hợp, đầu tăm bông bị rơi lại trong tai gây đau, thậm chí mất thính lực.
Không nên lấy dáy tai bằng tăm bông.
2. Nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Các thuốc trong nhóm thường dùng để hạ sốt, giảm đau, chống viêm như: Aspirin, ibuprofen, naproxen...
Các thuốc này an toàn cho hầu hết người lớn. Tuy nhiên, ở những người lớn tuổi đang uống thuốc chống đông máu trong điều trị hoặc phòng ngừa bệnh tim mạch, việc dùng chung với các thuốc chống viêm không steroid có thể gây chảy máu nghiêm trọng. Nếu dùng chúng quá thường xuyên, NSAID có thể gây đau tim hoặc đột quỵ. Ngoài ra, thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến thận, đặc biệt là những bệnh nhân có vấn đề về thận.
Tuyệt đối không cho trẻ dùng aspirin, vì có thể gây ra Hội chứng Reye. Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể gây bệnh lý ở gan hoặc não, có nguy cơ gây tử vong ở trẻ.
Không dùng aspirin cho trẻ.
3. Thuốc chữa chứng ợ chua
Thuốc trị đau dạ dày cũng thường có trong tủ thuốc gia đình. Các thuốc ức chế bơm proton (như omeprazol, lanzoprazol, pantoprazol, rabeprazol esomeprazol) có thể làm dịu cơn đau do trào ngược dạ dày và các tình trạng khác liên quan đến axit trong dạ dày. Tuy nhiên, cần cảnh giác với loại thuốc này. Bởi sử dụng chúng trong thời gian dài có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng đường ruột hoặc khiến cơ thể khó hấp thu chất dinh dưỡng hơn. Nếu bị ợ chua nhiều, hãy trao đổi với bác sĩ để có cách điều trị hiệu quả nhất, mà không nên lạm dụng thuốc.
Cần trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc.
4. Thuốc kháng axit dạng nhai
Thuốc giúp loại bỏ axit dư thừa trong dạ dày dẫn đến đau hoặc khó tiêu. Nhưng đối với một số người, chúng có thể gây táo bón, chuột rút và tiêu chảy. Một loại thuốc chặn axit nhất định (như pepcid AC hoặc tagamet) cũng có thể gây đau đầu và chóng mặt và các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như lú lẫn, tức ngực, đau họng, sốt, nhịp tim bất thường và suy nhược ở một số người.
5. Thuốc kháng histamine
Thuốc kháng histamin cũng là một trong những loại thuốc thường có trong tủ thuốc gia đình hiện nay. Những loại thuốc này có thể giúp giảm hắt hơi, sổ mũi, ho và ngứa. Nhưng thuốc kháng histamin cũng có thể khiến bạn buồn ngủ, lâng lâng, bối rối hoặc lo lắng. Thuốc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, sự thèm ăn và sức khỏe tình dục. Thuốc cũng có thể gây ra nôn mửa, táo bón và tiêu chảy. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này khi dùng thuốc kháng histamine, cần gọi ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
6. Nước súc miệng
Trong tủ thuốc gia đình nhà bạn chắc hẳn sẽ có một chai nước súc miệng. Tuy nhiên, khi súc miệng hãy cẩn thận để không nuốt nước súc miệng. Điều đó có thể làm tổn thương dạ dày hoặc khiến bạn buồn nôn. Việc nuốt nước súc miệng có thể khiến bạn bị nôn nếu nuốt quá nhiều. Không sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi.
7. Các loại vitamin
Các nghiên cứu đều chứng minh rằng vitamin không hoàn toàn an toàn. Ngay cả khi cơ thể khỏe mạnh, việc uống quá nhiều vitamin (vitamin A, D, E và K) đều không tốt. Ngoài ra, một số loại vitamin cũng có tương tác với các thuốc mà bạn đang dùng. Vì vậy muốn bổ sung vitamin an toàn, hãy trao đổi với bác sĩ.
8. Thuốc bổ sung giảm cân
Đừng tin tưởng bất cứ loại "thảo dược thay thế" cho một loại thuốc đã được FDA phê duyệt giúp giảm cân nhanh. Thuốc có thể có các thành phần không an toàn. Cách tốt nhất để đạt được cân nặng hợp lý là thực hiện từ từ với một chế độ ăn uống cân bằng và một kế hoạch tập thể dục.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chủ quan trước những triệu chứng hậu COVID-19, người bệnh tái nhập viện cận Tết.