Hà Nội

Tủ thuốc biên cương ‘ngăn đường’ mê tín

19-07-2024 22:14 | Y tế

SKĐS - Trước đây, bà con dân tộc Thái vùng vành đai của rừng nguyên sinh Pù Mát thường dùng lá, rễ cây tự nhiên để chữa bệnh hoặc tổ chức lễ cúng. Từ khi Đồn Biên phòng Phúc Sơn triển khai "Tủ thuốc biên cương", nhận thức của bà con dân bản đổi thay tích cực.

Thiếu tá Nguyễn Bá Lương, Bác sĩ quân y Đồn biên phòng Phúc Sơn (Bộ đội biên phòng Nghệ An) khám bệnh cho người dân vùng biên giới.

Ốm đau có bác sĩ quân y

Trong suốt 5 năm vừa qua, mô hình "Tủ thuốc biên cương" của Đồn Biên phòng Phúc Sơn, đặt tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An phát huy hiệu quả trong việc khám bệnh, điều trị và cấp thuốc miễn phí, đồng thời chăm sóc sức khỏe cho người dân của 4 bản làng vùng biên nơi đây.

Tủ thuốc biên cương ‘ngăn đường’ mê tín- Ảnh 1.

Thiếu tá Nguyễn Bá Lương, bác sĩ quân y Đồn biên phòng Phúc Sơn đón tiếp, hướng dẫn các bệnh nhân đồng bào Thái ở 4 bản vùng biên đến “Tủ thuốc biên cương” khám, chữa bệnh.

Những ngày trung tuần tháng 7, cái nắng gay gắt ở vùng biên cương nhưng người dân ở các bản Cao Vều 1, Cao Vều 2, Cao Vều 3 và Cao Vều 4 (xã Phúc Sơn) không ngại đường xa đến "Tủ thuốc biên cương" (đặt tại bản Cao Vều 2) để được khám bệnh, điều trị và nhận thuốc miễn phí. 

Thiếu tá, bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Phúc Sơn Nguyễn Bá Lương (51 tuổi), phụ trách "Tủ thuốc biên cương" vẫn túc trực tại tổ công tác và cần mẫn thăm khám cho các bệnh nhân.

Nghệ An là tỉnh có đường biên giới dài hơn 419km, chạy qua 27 xã tiếp giáp với nước bạn là Lào. Địa hình hiểm trở và mạng lưới giao thông hạn chế gây khó khăn đáng kể cho việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các xã biên giới.

Bà Vi Thị Thiết (58 tuổi, người dân tộc Thái ở bản Cao Vều 2) cho biết, mỗi khi thời tiết thay đổi, trong người đau ê ẩm, bà lại đến "Tủ thuốc biên cương" của Đồn Biên phòng Phúc Sơn để đo huyết áp, đo nhịp tim, khám xương khớp ở chân và nhận thuốc miễn phí về uống, điều trị, xoa bóp. 

"Trước đây, khi chưa có "Tủ thuốc biên cương", mỗi lần đi khám bệnh, phải nhờ người thân chở bằng xe máy ra trạm y tế xã với hành trình hơn 20km đường rừng men theo đồi núi, rất vất vả", bà Thiết nói.

Bà La Thị Chiến (trú tại bản Cao Vều 2) cho biết, năm nay đã 75 tuổi, sức khỏe yếu, con cái đều mất sớm nên sống một mình, rất vất vả. Trước đây mỗi lần trái gió trở trời, đau ốm cũng cố chịu đựng bởi muốn đi khám bệnh phải nhờ người thân chở đi khám ở trạm y tế rất xa. 

"Từ khi Đồn biên phòng Phúc Sơn mở "Tủ thuốc biên cương", cứ mỗi lần đau ốm chỉ cần gọi điện là cán bộ quân y sẽ đến thăm khám, cho thuốc, sức khỏe nhờ đó cải thiện rất nhiều", bà Chiến chia sẻ.

Tủ thuốc biên cương ‘ngăn đường’ mê tín- Ảnh 2.

Thiếu tá, BS Nguyễn Bá Lương khám bệnh cho người dân vùng biên giới.

Nhiều người dân, từ khi có "Tủ thuốc biên cương", việc thăm khám và điều trị bệnh của người dân ở các bản trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Các bác sĩ quân y từ Đồn Biên phòng thường xuyên có mặt tại các địa điểm lắp đặt tủ thuốc để kịp thời cấp cứu, khám bệnh và điều trị cho người dân. Họ luôn thể hiện thái độ nhiệt tình và cởi mở trong công tác thăm khám, điều trị, và luôn quan tâm, dặn dò tận tình đối với bệnh nhân.

Không kể ngày đêm, mỗi khi có người dân cần thăm khám, các bác sĩ quân y đều sẵn sàng có mặt tại tổ công tác, thậm chí vượt qua núi, băng rừng để đến trực tiếp tận nhà các bệnh nhân.

Thay đổi nhận thức người dân vùng biên

Cao Vều 1, Cao Vều 2, Cao Vều 3, và Cao Vều 4 nằm ở thượng nguồn của sông Giăng và sông Vều, trong khu vực vùng đệm của rừng nguyên sinh Pù Mát. Hơn 40 năm trước, khu vực này vẫn là rừng núi rậm rạp, chỉ có vài chục hộ dân tộc Thái sinh sống theo cách định cư.

Hiện nay, 4 bản này có gần 400 hộ dân và hơn 1.340 cư dân, trong đó có hơn 84% là người dân tộc Thái. Năm 2002, với kinh phí từ Chương trình 135, UBND huyện Anh Sơn xây dựng Phân trạm Y tế Cao Vều để cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Từ năm 2014, cơ sở y tế này dời đến gần Quốc lộ 7. Từ đó, mỗi lần ốm đau, bệnh tật, người dân phải di chuyển hơn 20km ra Trạm Y tế xã.

Tủ thuốc biên cương ‘ngăn đường’ mê tín- Ảnh 3.

Người dân đồng bào dân tộc Thái ở các bản vùng biên Cao Vều đến khám, chữa bệnh tại “Tủ thuốc biên cương”.

Thượng tá Hoàng Thanh Tùng, Chính trị viên của Đồn Biên phòng Phúc Sơn chia sẻ về những khó khăn của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với người già, trẻ em và các trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Để giải quyết vấn đề này, từ tháng 2/2019, đơn vị đề xuất và được chính quyền địa phương cùng sự đồng ý của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An, thành lập mô hình "Tủ thuốc biên cương" tại bản Cao Vều 2. Mô hình này có một bác sĩ quân y, chịu trách nhiệm quản lý và vận hành, nhằm khám bệnh, chữa trị và cung cấp thuốc miễn phí cho người dân.

Kinh phí hoạt động của "Tủ thuốc biên cương" chủ yếu đến từ nguồn hỗ trợ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Phúc Sơn, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ huyện Anh Sơn cùng với các cơ quan, tổ chức và những cá nhân hảo tâm khác.

Theo Đồn Biên phòng Phúc Sơn, trong vòng 5 năm qua, đơn vị đã khám, điều trị và phát thuốc miễn phí cho khoảng 5.000 người dân. Mỗi ngày có từ 7 đến 20 người đến khám và điều trị, không kể các cán bộ, chiến sĩ phải vượt rừng đến tận nhà người dân, đặc biệt là những nơi xa nhất cách đơn vị hơn 6km. Các bệnh phổ biến mà người dân đến khám chủ yếu là bệnh nền như huyết áp, tim mạch, xương khớp. Trẻ em thường mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp và đường ruột. 

Ngoài ra, tai nạn thường xảy ra khi người dân đi rừng hay lao động sản xuất được bác sĩ quân y xử lý kịp thời bằng cách khâu, vá và băng bó. Đối với các trường hợp cấp cứu, bác sĩ quân y sẽ liên hệ trung tâm y tế để cứu chữa hoặc tư vấn cho bệnh nhân chuyển tuyến kịp thời.

Tủ thuốc biên cương ‘ngăn đường’ mê tín- Ảnh 4.

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Bá Lương căn dặn cách chăm sóc sức khỏe khi đến khám, chữa bệnh tại “Tủ thuốc biên cương”.

Nhiều năm qua, mô hình "Tủ thuốc biên cương" cùng với y tế địa phương triển khai nhiều chương trình quan trọng trên địa bàn như phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống thiên tai và dịch bệnh...

Mô hình này đóng góp đáng kể vào việc nâng cao sức khỏe cộng đồng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và duy trì ổn định an ninh trật tự trên tuyến biên giới. 

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục kêu gọi và nhận sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và doanh nghiệp để trang bị thuốc cho "Tủ thuốc biên cương", Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An sẽ tiếp tục chỉ đạo các đồn biên phòng khảo sát các vùng sâu, vùng xa, đảm bảo các tiêu chí hoặc theo yêu cầu của người dân, đồng thời khuyến khích xây dựng thêm các "Tủ thuốc biên cương".

Hoạt động hiệu quả của mô hình này đã lan tỏa rộng rãi, không chỉ làm thay đổi cách nhìn nhận về chăm sóc sức khỏe của cộng đồng mà còn tạo nên mối đoàn kết chặt chẽ giữa quân và dân tại khu vực biên cương.

Trong 5 năm qua, 8 "Tủ thuốc biên cương" được thành lập tại các bản làng vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới của tỉnh Nghệ An gồm Bản Vều 2 thuộc xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn), bản Huồi Pốc thuộc xã Nậm Cắn, bản Huồi Bắc thuộc xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn), bản Mường Lống thuộc xã Tri Lễ (huyện Quế Phong), bản Búng và bản Cò Phạt thuộc xã Môn Sơn (huyện Con Cuông), bản Huồi Sơn và Phá Lõm thuộc xã Tam Hợp (huyện Tương Dương).

Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con vùng biên viễn xứ NghệKhám, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con vùng biên viễn xứ Nghệ

SKĐS - Sáng 15/6, Sở Y tế Nghệ An phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An tổ chức chương trình khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới.

Hoàng Trinh - Tiến Nguyễn
Ý kiến của bạn