Hà Nội

Từ thơ Xuân Quỳnh đến văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư

10-01-2013 14:31 | Văn hóa – Giải trí
google news

Hai văn sĩ Xuân Quỳnh và Nguyễn Ngọc Tư tuy khác nhau hai thế hệ nhưng đều có những cảm nhận sâu sắc về thực tại xã hội. Những tác phẩm của họ đều khắc khoải những tâm sự, những sẻ chia và thấu hiểu đối với nỗi khổ đau của con người.

Hai văn sĩ Xuân Quỳnh và Nguyễn Ngọc Tư tuy khác nhau hai thế hệ nhưng đều có những cảm nhận sâu sắc về thực tại xã hội. Những tác phẩm của họ đều khắc khoải những tâm sự, những sẻ chia và thấu hiểu đối với nỗi khổ đau của con người. Đây là đề tài vừa được Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong buổi tọa đàm “Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại”.

“Mãnh liệt” Xuân Quỳnh

Thơ Xuân Quỳnh hầu hết là thơ tình và cũng đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học phân tích, bình luận về thơ tình của Xuân Quỳnh. Thơ tình của Xuân Quỳnh mãnh liệt như chính tình yêu của nhà thơ với những người yêu thương.

Từ thơ Xuân Quỳnh đến văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư 1
Nhà thơ Xuân Quỳnh.

Từ thơ Xuân Quỳnh đến văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư 2

Giá trị của cuộc sống và tình yêu cuộc sống trong thơ Xuân Quỳnh qua những điều giản dị dường như ai cũng cảm nhận được thật khó để thốt lên thành lời. Với Xuân Quỳnh, điều đó dường như là một điều hiển nhiên: Mẹ đâu phải của riêng anh/Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong (Mẹ của anh).

Mối quan hệ “mẹ chồng nàng dâu” ở đây rất đặc biệt và cũng rất “Xuân Quỳnh”. Thật khó có thể tưởng tượng một mối quan hệ như vậy, không những không có điều “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” như chúng ta thường nghĩ, mà còn có thể thốt lên thành thơ. Rất trung thực, rất hợp lẽ đời: Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em (Mẹ của anh).

Những điều sâu thẳm từ đáy lòng của nhà thơ nói với tình yêu qua tình cảm với mẹ chồng, với quê chồng không văn vẻ, không hào nhoáng, không rườm rà mà khắc sâu vào trái tim. Những vần thơ ấy, những dòng chữ ấy được chắt chiu từ một gia tài “lớn” đến bất ngờ: Gia tài chỉ có bàn tay/Đường gân xanh, vết chai dày từ xưa/Gia tài chỉ có bài thơ/Bao năm viết để bây giờ tặng anh (Thơ viết tặng anh).

Sinh ra trong máu lửa của chiến tranh, trưởng thành trong sự thiếu thốn thời bao cấp và ra đi trong lúc tuổi còn xanh, cuộc đời của Xuân Quỳnh chừng như đầy máu và nước mắt nhưng Xuân Quỳnh đã để lại cho chúng ta một vườn văn chương đầy sắc hương và đầy ắp hương vị của tình yêu cuộc sống. Đó quả là một gia tài đồ sộ không chỉ có tình yêu văn chương mà còn là một tình yêu mãnh liệt đối với cuộc sống, đối với con người. Tất cả đều bắt nguồn từ những điều giản dị trong cuộc sống hàng ngày, chúng tồn tại ngay trong thực tại của cuộc sống.

“Máu lửa” Nguyễn Ngọc Tư

Khác với Xuân Quỳnh, Nguyễn Ngọc Tư được sinh ra và lớn lên trong hoà bình. Nhưng điều đã làm nên sự khác biệt trong văn chương của Nguyễn Ngọc Tư chính là việc nhà văn đã tìm ra “máu lửa” trong hòa bình.

Từ thơ Xuân Quỳnh đến văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư 3
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Từ thơ Xuân Quỳnh đến văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư 4

Máu lửa trong Cánh đồng bất tận không nhiều như máu lửa trong chiến tranh nhưng đó là những ngọn lửa thiêu đốt niềm tin và những giọt máu đau đớn của những thân phận lầm than. Giọt máu đó lại mang đến những bi kịch mới cho cuộc đời của nhân vật với một cái mầm đang lớn lên trong bụng. Có thể nó sẽ lại là một cuộc đời khốn khổ hơn nữa mang cái tên “là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường”.

Sự cảm nhận thực tại xã hội qua hai nữ văn sĩ  

Từ thơ Xuân Quỳnh đến văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư đã cho chúng ta một cái nhìn xuyên thời gian, những cảm nhận vô cùng sâu sắc về cuộc sống, con người và xã hội đương đại. Nhìn thấy, cảm nhận và làm bộc lộ những gì chúng ta khó có thể nói thành lời hay viết thành văn. Đó chính là điểm mấu chốt trong thành công của các tác phẩm của Xuân Quỳnh và Nguyễn Ngọc Tư. 

Qua các tác phẩm của Xuân Quỳnh và Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta đã có thể nhìn thấy những dấu ấn rõ nét của văn học hiện thực đương đại. Xuân Quỳnh là một hình mẫu tiêu biểu cho lớp nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ “thời bao cấp”. Có lẽ vì vậy mà thơ của Xuân Quỳnh giản dị như chính những cái chậu, cái nồi, hay ngọn lửa trong cái bếp dầu - những biểu tượng một thời của bao cấp.

Giữa thời buổi các cây bút nữ trẻ thích “nổi loạn” như Vi Thùy Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Lê Kiều Như... tìm đến với sex, tìm đến những bế tắc trong tình yêu, tìm đến những cái mới lạ của thời @..., Nguyễn Ngọc Tư thể hiện rõ bản lĩnh của một cây bút già dặn khi khẳng định được một phong cách của riêng mình để hiến tặng cho cuộc đời, cho bạn đọc những tác phẩm xuất sắc với những giá trị đích thực của văn chương. Chắc chắn thời gian sẽ khẳng định điều này và sẽ cho thấy rõ sự khác biệt giữa tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư với những tác giả nữ cùng thời.

Đinh Hồng Hải




Ý kiến của bạn