Hà Nội

Từ thiện ảo, trục lợi thật

06-05-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, một số cá nhân và tổ chức đã làm từ thiện qua mạng nhằm quyên góp tiền cho những người thiếu may mắn hoặc quyên góp tiền cho một số mục đích nhân đạo khác.

Thời gian gần đây, một số cá nhân và tổ chức đã làm từ thiện qua mạng nhằm quyên góp tiền cho những người thiếu may mắn hoặc quyên góp tiền cho một số mục đích nhân đạo khác. Bên cạnh việc quyên góp từ thiện qua mạng rất có ý nghĩa, thiết thực thì cũng có không ít đối tượng lợi dụng hình thức làm từ thiện này để trục lợi. Câu chuyện từ thiện ảo đang làm cộng đồng mạng nổi sóng, khiến chính những người khốn cùng bị lợi dụng và gây ra những hệ lụy khó lường.

Một nhóm đối tượng bị cơ quan công an bắt giữ vì lợi dụng từ thiện để trục lợi.

Tìm đến những mảnh đời thực sự khó khăn... để lợi dụng

Chỉ cần dẫn link hay đăng nội dung thông tin hoàn cảnh khó khăn cần từ thiện là cá nhân có thể kêu gọi từ thiện từ không ít tấm lòng hảo tâm. Trên thế giới ảo, các cá nhân, tổ chức vô tư lập CLB từ thiện, thoải mái lập quỹ từ thiện kêu gọi các nhà hảo tâm. Bằng cách đưa lên mạng những hình ảnh, video về người bệnh, người nghèo, người khuyết tật... đang trong hoàn cảnh khó khăn, cần giúp đỡ, những nhóm người này kêu gọi cộng đồng mạng ủng hộ tiền bạc, vật chất với địa chỉ nhận tiền, tài khoản ngân hàng của bản thân mình kèm theo một số đặc điểm làm tin. Một trong số các thủ đoạn mà những kẻ núp bóng làm từ thiện trên mạng xã hội thường xuyên sử dụng hiện nay là tìm đến những mảnh đời thực sự khó khăn, bệnh tật nhằm mục đích đánh động đến lòng thương người, sự nhân ái của đông đảo thành viên trên mạng xã hội. Sau khi quyên góp được tiền từ cộng đồng, họ chỉ trích một phần ít trong số đó dành cho những người khó khăn, còn phần lớn giữ lại theo kiểu ăn chặn. Hành vi này khá phổ biến bởi người được nhận không có khả năng tìm hiểu những thông tin khác và những người bỏ tiền ra giúp đỡ cũng không có điều kiện để kiểm chứng hay nắm rõ số tiền của mình đã được chi tiêu vào việc gì. Ngoài ra, những kẻ lợi dụng việc làm từ thiện qua mạng thường đưa thông tin mập mờ, không rõ ràng về các chương trình từ thiện.

Gần đây, vụ việc nhiều nhà hảo tâm tố cáo một nickname trên mạng xã hội facebook kêu gọi từ thiện sau đó chiếm đoạt tiền là một bài học cảnh giác cho nhiều nhà hảo tâm. Theo đó, nickname có tên là Ruby Trịnh tự đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện “Các ông bố và bà mẹ Nhân ái ở Hà Nội”, kêu gọi giúp đỡ cho trường hợp bé Nguyễn Thị Ngọc Ánh (10 tháng tuổi, bị dị dạng bộ phận sinh dục). Cùng với việc đăng tải thông tin về trường hợp đáng thương của bé Ánh, Ruby Trịnh khẳng định là đang cùng với một chuyên gia nước ngoài giúp đỡ bé Ánh được phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa quốc tế (Hà Nội) nên nhiều người đã tin tưởng và chuyển tiền cho Ruby Trịnh thông qua tài khoản được thông báo trên. Tổng số tiền mà Ruby Trịnh nhận được từ mọi người là hơn 24 triệu đồng, nhưng thay vì chuyển cho gia đình bé Ánh, người này đã “ôm” luôn số tiền, đồng thời cắt đứt liên lạc với mọi người trên mạng xã hội. Những nạn nhân của Ruby Trịnh đã bức xúc và lập tức tố cáo hành vi của Ruby Trịnh đến mọi người, tuy nhiên, số tiền “giao trứng cho ác” thì hiện vẫn chưa có cách gì để đòi lại được.

Cần tỉnh táo khi làm từ thiện

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi quyên góp tiền dưới danh nghĩa câu lạc bộ từ thiện, tổ chức từ thiện, nhóm từ thiện, quỹ hoặc một cá nhân đứng ra nhận tiền từ thiện rồi “bùng tiền”, xét về mặt luật pháp, đó là một hành vi vi phạm pháp luật hình sự (hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác đã được quy định trong Bộ luật Hình sự là một tội phạm - tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác), còn xét về mặt đạo đức thì đó là một hành vi trái đạo đức nghiêm trọng. Hành vi này cần phải được xử lý nghiêm minh về mặt luật pháp để lập lại trật tự xã hội và phải bị xã hội lên án để trả lại giá trị đích thực của hoạt động từ thiện vì cộng đồng.

Để hạn chế việc người dân bị mất tiền và mất luôn niềm tin vào việc làm từ thiện, về phía cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng quản lý các trang mạng xã hội cần phải có một bộ phận theo dõi chặt tất cả các trang mạng xã hội, đặc biệt lưu ý đến những tin, bài, những nội dung liên quan đến quyên góp từ thiện với số tiền lớn. Cơ quan này cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để kịp thời tiếp nhận và xử lý nhanh chóng, kịp thời mọi thông tin được nghi vấn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về phía công an, cần nhanh chóng và kịp thời tiếp nhận, đồng thời xử lý các thông tin tố giác tội phạm, đặc biệt có cơ chế bảo vệ người tố giác, người làm chứng. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao cảnh giác và chỉ nên quyên góp cho những tổ chức, quỹ từ thiện uy tín, được Nhà nước cấp phép. Theo quy định của pháp luật hiện nay, việc tồn tại dưới hình thức quỹ từ thiện phải được Nhà nước cấp phép và phải hoạt động theo quy định của pháp luật.

Khi tham gia đóng góp từ thiện, những nhà hảo tâm cần tỉnh táo, kiểm chứng các thông tin liên quan chứ không chỉ đơn thuần thấy đau khổ là giúp đỡ. Để những đồng tiền từ thiện đến đúng với người nghèo, người bất hạnh thì cộng đồng cần có sự chung tay thông qua những cơ quan địa phương cụ thể, tránh sự trục lợi từ những kẻ xấu kiếm tiền trên sự đau khổ của người khác.

Tuấn Phong

 

 


Ý kiến của bạn