Tư thế nào uống thuốc hiệu quả nhất?

31-08-2022 10:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thông thường, khi nhận một đơn thuốc, người bệnh thường được khuyên nên uống trước, trong hoặc sau khi ăn, uống khi nào, liều lượng ra sao... Tuy nhiên, ít người biết được rằng, tư thế uống thuốc cũng giúp phát huy hiệu quả tối đa của thuốc.

7 sai lầm thường gặp khi uống thuốc và cách khắc phục7 sai lầm thường gặp khi uống thuốc và cách khắc phục

SKĐS - Uống thuốc không tuân theo chỉ định của bác sĩ có thể góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng và khiến việc điều trị thất bại...

1. Tư thế uống thuốc có ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc

Khi uống thuốc, viên thuốc sẽ di chuyển xuống cổ họng, rồi xuống dạ dày. Tại đây, thuốc sẽ trương lên và tan ra. Sau đó, thuốc được hòa tan và cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ thuốc.

Hầu hết các loại thuốc được hấp thụ ở ruột non. Tuy nhiên, một số loại thuốc, chẳng hạn như aspirin, có thể được hấp thụ trong dạ dày.

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc như: 

  • Tốc độ phân hủy của viên thuốc
  • Tốc độ di chuyển của thuốc từ dạ dày đến ruột non
  •  Lượng thức ăn và đồ uống đã tiêu thụ trước khi dùng thuốc… 

Một nghiên cứu mới từ Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) còn cho thấy, tư thế uống thuốc có thể cải thiện tốc độ hấp thụ và phát huy tác dụng của thuốc.

photo-1661915444295

Tư thế uống thuốc có thể ảnh hưởng đến việc hấp thụ của thuốc.

2. Các tư thế uống thuốc 

2.1. Thuốc giảm đau uống tốt nhất ở tư thế đứng nghiêng về bên phải 45 độ

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô phỏng máy tính để xem tư thế uống thuốc ảnh hưởng như thế nào đến việc hấp thụ thuốc. Họ đã sử dụng phần mềm để mô phỏng một số cách uống thuốc: Đứng thẳng, nghiêng người sang trái, sang phải hoặc ngả người về phía sau.

Kết quả cho thấy, việc nghiêng người sang phải 45 độ sẽ cho phép viên thuốc được hấp thụ nhanh hơn và bắt đầu có hiệu lực sớm hơn. Tư thế này rất quan trọng với các loại thuốc cần có tác dụng nhanh như thuốc giảm đau hoặc thuốc điều trị cơn đau tim.

Một số bằng chứng trước đây cho thấy, tư thế uống thuốc nghiêng về bên phải có thể ảnh hưởng đến cách thuốc được hấp thụ. 

photo-1661915447544

Nên uống thuốc giảm đau ở tư thế nghiêng về bên phải 45 độ.

2.2. Các thuốc uống ở tư thế ngồi hoặc đứng

Ngồi hoặc đứng uống thuốc cũng có thể liên quan đến việc tăng tốc độ hấp thụ và giúp giảm khó chịu khi uống thuốc.

Với một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ ợ chua như thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofendiclofenac và chất bổ sung sắt…nên uống khi ngồi hoặc đứng. Điều này giúp giảm trào ngược axit trong dạ dày lên thực quản.

Một số loại thuốc có thể gây kích ứng cổ họng nếu bị mắc lại có thể làm hỏng hàng rào niêm mạc bảo vệ thực quản, dạ dày, gây kích ứng và viêm như kháng sinh doxycycline, bisphosphonates (risedronate và alendronate)... cũng nên uống ở tư thế này.

Đối với những loại thuốc này, nên ngồi dậy hoặc đứng và giữ thẳng trong 30 phút sau khi uống thuốc.

photo-1661915449908

Nên ngồi hoặc đứng khi uống thuốc kháng sinh doxycycline.

2.3. Nằm uống thuốc giúp giảm tác dụng phụ của thuốc tim mạch

Glyceryl trinitrate là thuốc xịt dưới lưỡi, được kê đơn cho bệnh nhân đau thắt ngực.

Các chuyên gia khuyên, bệnh nhân nên ngồi hoặc nằm xuống trước khi sử dụng thuốc xịt này vì thuốc có thể gây tụt huyết áp đột ngột.

Ngoài ra, các loại thuốc điều trị tim mạch khác, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, cũng có thể gây chóng mặt. Tuy không nhất thiết phải nằm khi sử dụng những loại thuốc này, nhưng nếu sau uống thuốc bị chóng mặt, bệnh nhân nên ngồi hoặc nằm xuống và đứng dậy từ từ.

photo-1661915451981

Nằm uống thuốc giúp giảm tác dụng phụ của thuốc tim mạch.

Một số loại thuốc có thể gây buồn ngủ hoặc khiến bệnh nhân cảm thấy buồn ngủ như: Thuốc giảm đau mạnh, thuốc ngủ, một số loại thuốc động kinh, thuốc điều trị bệnh tâm thần... không cần thiết phải uống khi nằm, nhưng nằm xuống có thể giúp hạn chế được tác dụng phụ gây chóng mặt, buồn ngủ của thuốc.

3. Lời khuyên thầy thuốc

- Uống thuốc cần có sự chỉ định và hướng dẫn của  bác sĩ chuyên khoa.

- Không tự ý thay đổi liều lượng (tăng hoặc giảm), nghiền, bẻ thuốc...

-Việc uống thuốc ở tư thế nào cũng có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của thuốc cũng như giảm các tác dụng không mong muốn.

- Bệnh nhân có thể uống ở tư thế thoải mái nhất, nếu bác sĩ không có hướng dẫn cụ thể về tư thế uống thuốc.

Xem thên video đang được quan tâm:

Thuốc chữa tăng động có thể cải thiện triệu chứng của bệnh Alzheimer.


Ngọc Nguyễn
(Theo medicalxpress)
Ý kiến của bạn