Từ Thanh Chương - Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc chiến sĩ

30-06-2012 07:28 | Y tế
google news

Từ Thanh Chương thuộc thế hệ lớn lên trong thử thách tột cùng của đau thương và chịu đựng, của bom gầm và đạn xối, của bão lửa và gươm máu trong đó có không ít những “cuộc chia ly màu đỏ”.

(SKDS) -  Từ Thanh Chương  thuộc thế hệ lớn lên trong thử thách tột cùng của đau thương và chịu đựng, của bom gầm và đạn xối, của bão lửa và gươm máu trong đó có không ít những “cuộc chia ly màu đỏ”.  Anh may mắn trở về vẹn nguyên qua bão lửa của cuộc chiến tranh ấy, nơi đứng chân cuối cùng của anh là mảnh đất Ðồng Nai. Từ một chiến sĩ trận mạc anh trở thành bác sĩ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân. Ðây là một sự ghi nhận vì những đóng góp lớn lao cho y tế tỉnh Ðồng Nai mà anh là người khởi xướng.

“Giữ lấy những gì mà ta yêu quý”

Bước qua khỏi chân đèo Ngang một vài dặm bước, đó là quê hương Từ Thanh Chương, một vùng đất khó nghèo đến độ chẳng có bút mực nào nói cho hết được phận người khô khốc ở nơi đây. Cuộc sống đói khổ, thiên nhiên khắc nghiệt đã tôi rèn nên bản lĩnh và ý chí của con người miền Trung. Họ khắc khổ nhưng lại rất phóng khoáng, họ dữ dội, quyết liệt lắm đấy nhưng bản tính lại rất hiền lành, cần cù lao động, họ không yếu hèn nhu nhược dù bất luận nơi đó là môi trường nào, càng sóng to gió lớn, chông gai, càng tôi rèn thêm ý chí trong con người họ.
 
 BS. Từ Thanh Chương.
Từ Thanh Chương nằm trong số những người con Quảng Bình ấy. “Quảng Bình quê ta ơi… giữ lấy đất trời của quê hương ta, giữ lấy những gì mà ta yêu quí…”. Cậu bé Chương lớn lên trong lời hát ấy mà cái vế thứ hai của câu hát đã trở thành triết lý sống của anh cho đến tận bây giờ. Đứng đầu ngành y tế tỉnh Đồng Nai, anh đã và đang làm được nhiều công việc quan trọng và có ý nghĩa rất lớn. Từ anh, tôi cũng nhận dần ra cái tâm và cái tầm rồi đến cái tài của một người lãnh đạo chủ chốt, ở đó anh đã vạch ra những hướng đi đúng được cả xã hội thừa nhận, được tỉnh ủy và ủy ban tin tưởng giao phó.
 
Là một người con lớn lên từ miền đất lửa Quảng Bình nghèo khó. Chiến tranh, đói khổ, chia ly… đã trở thành nỗi ám ảnh triền miên trong tâm thức của cậu bé Chương. Cha vào chiến trường miền Đông Nam bộ từ năm 1968, ông giữ nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt ở trong đó, cả nhà vắng biệt tin cha nhiều năm liền. Mẹ gạt nước mắt âm thầm ở lại hậu phương vừa tránh bom đạn giặc, vừa thay chồng nuôi các con khôn lớn. Chương vừa đi học vừa đỡ đần mẹ, khi thì đi đốn củi trên chân đèo Ngang thồ về chợ bán, khi thì hái sim mua, bắt tôm, khẽ hàu dưới những mỏm đá xoài chân ra biển Đông…
 
Cả nhà chỉ ăn cầm hơi bằng sắn khoai, rau trộn. Chương theo học trường làng rồi lên cấp ba trường huyện cách nhà hơn 30km. Năm 1970, Chương thi đỗ vào ĐH Y khoa Hà Nội, lúc này, cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ ác liệt chưa từng thấy. Chúng muốn biến một nửa đất nước còn lại thành bình địa. Nhiều lớp sinh viên y khoa thời đó tình nguyện ra trận. Một năm sau, anh có mặt tại chiến trường Quảng Trị, miền đất này được ví như là túi bom, tọa độ lửa của cuộc chiến tranh. N
 
hững Đường Chín, Nam Lào, Khe Sanh, Thành Cổ, Cửa Việt… đã trở thành tên gọi chiến trường, thành ấn tượng kinh hoàng của nhiều cuộc giao tranh đẫm máu. Mùa đông năm 1972 là những ngày đáng ghi nhớ nhất của cuộc đời người lính Trần Thanh Chương. Hiệp định Paris về Việt Nam được kí kết như là một kết cục tất yếu của chiến tranh. Vài ngày sau, anh được điều động vượt tuyến lửa Vĩnh Linh ra học trường ngoại ngữ của Bộ Tổng tham mưu. Từ trường ngoại ngữ, anh xin trở lại học ngành y như ước mơ ban đầu.
 
Cuộc hành trình trong chiến tranh tuy ngắn ngủi nhưng những biến động thì quá dữ dội. Khói bụi chiến trường của một lớp sinh viên y khoa thời ấy còn vương đầy trang sách. Chiến trường vẫn còn đang ì ầm tiếng súng. Anh tự nhủ: Mình vẫn là người may mắn nhất được trở về, hãy cố gắng học cho thật tốt, bởi không còn sự chọn lựa nào khác hơn! Năm cuối cùng anh được tuyển vào chuyên ngành y học hàng không vũ trụ. Đối với sinh viên trường y, đây là một lĩnh vực hết sức mới mẻ, sự đòi hỏi của Ban Giám hiệu nhà trường rất nghiêm ngặt bởi đây là một chuyên môn cao, sinh viên phải có kiến thức thu nhận thật tốt mới tiếp cận được.
 
Anh đã hoàn thành xuất sắc khóa học này. Sau đó ra trường làm Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 935 đóng ở sân bay Biên Hòa. Tháng 7/1984, vì lý do sức khỏe anh đành phải chuyển ngành. Một địa hạt mới hoàn toàn xa lạ đang đón đợi anh. Lúc này công trình thủy điện Trị An khởi công. Anh được UBND tỉnh Đồng Nai tin cậy giao cho nhiệm vụ Phó Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp thu dọn hồ Trị An.
 
Cuộc chiến đấu mới lại bắt đầu với những tháng ngày lên rừng lặn lội, ăn đất nằm sương. Nhiều đêm thức trắng nằm toài trên tấm bản đồ khảo sát thiết kế để tìm cho ra phương án khả thi làm sạch môi trường nước khi chặn dòng thủy điện Đồng Nai. Với hơn 3 tỉ mét khối nước và 1 triệu mét vuông diện tích hồ chứa mà ở đó cây rừng, cỏ rác, gỗ mục, chất độc hóa học... sẽ bị nguồn nước làm phân hủy, thối rữa. 15.000 con người do anh phụ trách đã không quản ngày đêm lao động khẩn trương nhằm dọn sạch những sự tồn đọng ấy ra khỏi khu vực. Những cơn sốt rét rừng và những đêm thức trắng bởi nghĩ suy lo lắng đã vắt kiệt sức lực anh nhanh chóng.
 
Nhưng những “sự cố” ấy có thấm tháp vào đâu khi cả công trường đang hối hả lao động để cung cấp thật nhiều điện năng cho đất nước. Anh lại lao vào công việc với một niềm say mê hiếm có. Phương án sinh học thả cá để làm thanh khiết môi trường nước bừng loé vào thời khắc kì diệu ấy. Công trình Nhà máy thủy điện Trị An hoàn tất cũng là lúc mà anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chính mình được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tặng bằng khen. Lại rời công trường thủy điện để ra đi, lần này anh được phân công phụ trách Trung tâm y tế thị xã Vĩnh An, được bầu vào Huyện ủy viên Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai 3 nhiệm kì liền.
 
Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai là điểm dừng chân cuối cùng của anh chăng? Câu hỏi ấy của tôi thật khó tiên đoán trước, nhưng ở anh, tôi biết: dù ở cương vị nào, dù bất kì đâu người bác sĩ - chiến sĩ ấy cũng tận tâm tận lực để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Thực tế đã chứng minh hùng hồn điều ấy, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai là một trong 4 đơn vị của ngành y trong năm ấy được đón nhận danh hiệu Tập thể Anh hùng Lao động.
 
Đây là một sự kiện văn hóa tinh thần hiếm hoi mà đã hiếm thì lại rất quý, rất thiêng liêng bởi sự cống hiến hết mình của cả tập thể y bác sĩ, nhân viên điều dưỡng ở đây suốt mấy chục năm trời, nhất là trong thời kì đổi mới. Danh hiệu cao quý mà Nhà nước phong tặng đối với họ là rất xứng đáng bởi nó phát xuất từ y đức, từ những tấm lòng nhân hậu cao cả hết lòng vì người bệnh, hết lòng vì nỗi khổ đau của con người. Ai đã từng đến đây để điều trị đều cảm thấy mình được xoa dịu, được ân cần chăm sóc chu đáo, chân tình và họ được củng cố thêm niềm tin để trao số phận mình cho những lương y áo trắng.
 
Nếu được ví cả tập thể anh hùng của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai như một con tàu thì anh Từ Thanh Chương lại là người đứng mũi chịu sào ròng rã suốt 10 năm trời. Các chỉ tiêu kế hoạch được giao đều tăng, đều thực hiện vượt mức, năm sau cao hơn năm trước. Đây là một mô hình bệnh viện tiên tiến, liên tục từ năm 1983 cho đến nay luôn giữ lá cờ đầu của ngành y tế tỉnh Đồng Nai, được dư luận xã hội khen ngợi và tín nhiệm, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Anh nói với tôi: “Để giữ vững danh hiệu anh hùng lao động đó là điều khó.
 
Nhưng cái đích mà chúng tôi phấn đấu còn cao hơn thế, con người phải luôn biết đi về phía trước, không nên thỏa mãn với những gì mà mình đã làm được!”. Tôi tin ở nghị lực phi thường của anh, nó không gói gọn ở một khuôn phép nào. Cái tạng của anh là cái tạng của con người hành động, dám bứt phá để tự vượt lên làm những điều to tát, có ý nghĩa sâu sắc cho đời. Một lần nữa anh lại rời Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, nơi anh từng gắn bó thân thương ròng rã suốt mười năm để gánh vác thêm nhiệm vụ cao cả hơn, nặng nề hơn đó là chăm sóc y tế cho cả cộng đồng của một tỉnh vào loại đông dân nhất nhì cả nước. Tôi cứ nghĩ đây là một công việc quá lớn đối với sức vóc của anh, tôi ái ngại cho anh ở cương vị mới này hơn là mừng.
 
Lại một năm nữa dần trôi trong lo âu và mong đợi, tôi không ngờ anh lại rất có năng khiếu trong công việc của một người làm quản lí ở tầm vĩ mô, nó mang tính khoa học rất cao, đòi hỏi một hàm lượng chất xám cần phải huy động ở mức tối đa. Trên cương vị Giám đốc Sở Y tế, phẩm chất của một thầy thuốc nhân dân thêm một lần được chứng tỏ mà độ chín của nó đã làm tăng lên khả năng tuyệt vời kia mà theo tôi chẳng có ai thay thế được anh vào thời điểm này. Chỉ có những con số thần kì mới nói hộ, mới chứng minh được rằng anh là một con người năng động thực sự.

Những con số biết nói

Tưởng chừng như khô khan, tưởng chừng như khó lý giải những dự định mà anh táo bạo đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lên Bộ Y tế có cái được phê duyệt, có cái đang nóng lòng chờ đợi. Những con số biết nói ấy tôi có cảm giác như đang chuyển động, nó đang lấp dần rất nhiều khoảng trống thiệt thòi mà người dân Đồng Nai phải đang chịu đựng hơn 35 năm qua. Tôi nghe anh phân tích, nghe anh thuyết trình mà cứ ngỡ như đang trong mơ. Có điều những cái đang mơ của tôi, của người dân được anh lên kế hoạch biến thành hiện thực. Anh nói với tôi: “Quỹ thời gian của mình ngắn ngủi quá, dự định ấp ủ thì nhiều, có cái đã hoàn thiện, có cái còn đang dang dở, biết làm sao bây giờ?
 
Đích cuối cùng mà tôi khao khát, ước mong ấy là người dân Đồng Nai phải có một điều kiện y tế tối thiểu, làm sao họ không còn ý nghĩ phải cơm đùm nước xách lên Sài Gòn thăm khám, phải tăng cường đầu tư chiều sâu, làm cho kĩ thuật ngành y giữa hai địa phương phải ngang bằng nhau.Trình độ y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng phải được chuẩn hóa, nâng cao để tiếp thu những thành tựu của y tế thế giới. Đồng Nai là một tỉnh lớn, có nền kinh tế năng động và phát triển nhất nhì cả nước, dân nhập cư đông, miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng nhiều và rất rộng lẽ nào điều kiện y tế ở đây lại thấp đến mức không chấp nhận nổi, có lẽ thấp nhất so với cả nước.
 
 BS. Từ Thanh Chương động viên đoàn bác sĩ tăng cường theo Đề án 1816 từ bệnh viện tỉnh về hỗ trợ tuyến dưới.
Đã có lúc tỉ lệ bình quân 3,17 bác sĩ và 2,2 giường bệnh trên một vạn dân, nhiều bệnh viện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, lại có lúc thiếu hẳn cả những kĩ thuật, máy móc y tế cấp cứu cần thiết, rồi thiếu thuốc men điều trị và còn rất nhiều thứ thiếu... và thiếu”. 5 năm trôi qua, trên cương vị của một Giám đốc Sở Y tế đối với anh chưa phải là dài nhưng những chỉ tiêu mà anh dự liệu nay đã tăng gấp đôi và có thể tăng trưởng cao hơn trong vài năm tới. Mừng lắm nhưng cũng lo nhiều, hàng chục đề án xây mới, cải tạo, mở rộng, nâng cấp các trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại được phê duyệt.
 
Những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh đã được đáp đền, ước mơ của người dân, trong một chừng mực nhất định đã được thỏa mãn. Cái viễn cảnh mà anh tạo ra cho ngành y tế tỉnh Đồng Nai quả thực là rất đáng nể, rất đáng khâm phục. Không phải ai khác, vẫn chính con người đó, quả cảm và quyết đoán, toàn tâm cho công việc đã đưa anh đến cái đích của những thành công, tính thuyết phục biểu hiện ở ngay giá trị của hàng chục dự án, ở tính hiệu quả của những công trình đang hiển hiện mọc lên: 117 xã, phường có trạm y tế đạt Chuẩn quốc gia, thành lập 8 bệnh viện tuyến huyện, toàn tỉnh có 19 bệnh viện đa khoa với tổng số giường bệnh lên đến 5.165, tăng gần gấp 2 lần so với trước đây.
 
Dự kiến tổng kinh phí giai đoạn 2006 - 2010 đầu tư xây dựng cơ bản 1.200 tỉ đồng để nâng cấp xây mới và mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có Bệnh viện đa khoa Đồng Nai với quy mô lớn nhất cả nước với 1.400 giường. Đội ngũ y bác sĩ, dược sĩ, nhân viên điều dưỡng có chuyên môn cao tăng lên nhanh chóng bởi chính sách thu hút nhân tài, bởi sự khen thưởng, đề bạt rất đúng thực chất, nó có tác dụng kích thích mạnh mẽ sự phấn đấu cống hiến hết mình của mỗi thầy thuốc ở đây. Đồng Nai đã có tiến sĩ y khoa với hàng trăm bác sĩ có chuyên môn cao, công tác đào tạo ngắn hạn cũng như dài hạn được anh chú trọng hết sức đặc biệt.        

Những ý nghĩ táo bạo có phần thiên phú, bản năng hơn là thời cuộc đã làm nên con người ấy - chính là  Thầy thuốc Nhân dân Từ Thanh Chương.           

Nguyễn Hoài Nhơn


Ý kiến của bạn