Mở lại các hoạt động du lịch nội vùng theo tiến trình kiểm soát dịch của các địa phương
Ngay khi dịch từng bước được kiểm soát, TPHCM là địa phương đầu tiên chủ động kết nối các tỉnh thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng, tạo các "luồng xanh" du lịch cho các doanh nghiệp du lịch khôi phục lại tour liên tỉnh, trong đó các tiêu chí về an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Theo đó, ngành du lịch xác định từng bước phục hồi ngành du lịch theo hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19 và theo nguyên tắc: "An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn". Trong đó, thị trường du lịch nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn đầu phục hồi.
Để đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ cho khách du lịch thành phố, đặc biệt là nhu cầu du lịch – giải trí trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19 và thực hiện lộ trình khôi phục hoạt động du lịch do UBND TP ban hành, Sở Du lịch và các sở ngành, các doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách cũng như các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch.
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các quận huyện và doanh nghiệp tiếp tục khai thác, xây dựng các chương trình tham quan bằng đường sông đi Cần Giờ 2 ngày 1 đêm, các chương trình tham quan theo hướng Bạch Đằng – Củ Chi kết nối với Bình Dương, tuyến Bạch Đằng – Quận 7 – Cần Giờ… nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho du khách theo điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19 và theo lộ trình khôi phục hoạt động du lịch đã được UBND TPHCM ban hành.
Du lịch liên tỉnh từ tháng 11
Sau thời gian thí điểm các tour du lịch nội vùng tới Củ Chi, Cần Giờ và sau đó là tour khép kín với một số địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu thì sang tháng 11, nhiều công ty du lịch ở TP.HCM đã bắt đầu mở bán các tour đến các tỉnh thành Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Điều này cho phép người dân đang sinh sống tại TP có thêm nhiều sự lựa chọn để đi du lịch và cũng là tín hiệu đáng mừng cho nỗ lực phục hồi của ngành du lịch TP.HCM sau đại dịch COVID-19.
Ngay sau khi đoàn công tác do bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn đầu có buổi làm việc với các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định vào ngày 21 đến 22/10 về việc liên kết khôi phục hoạt động du lịch giữa TP.HCM và 3 địa phương trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19, các công ty du lịch ở TP.HCM như Vietravel, Bến Thành Tourist, Saco Travel đã bắt đầu thiết kế và chào bán tour đến các địa phương này.
Ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định được đánh giá là những địa phương cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, có nhiều điểm đến tách biệt nằm ở các vịnh, đảo nên dễ dàng tổ chức tour khép kín an toàn, đồng thời chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình mưa bão nên phù hợp để tổ chức tour vào tháng 11 này.
Gần đây nhất, vào chiều 30/10, tại hội nghị "Liên kết du lịch giữa TP.HCM và tỉnh Bến Tre thích ứng an toàn với dịch COVID-19" diễn ra tại Bến Tre, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết phía lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã thống nhất với UBND TP.HCM công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 do doanh nghiệp tự tổ chức và còn hiệu lực trong 72 giờ khi đến Bến Tre.
Theo bà Thắng, việc thống nhất các quan điểm giữa lãnh đạo 2 địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, cũng như thõa mãn nhu cầu tham quan du lịch của người dân trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Điều đó cũng cho thấy tính thực chất, hiệu quả trong Chương trình liên kết phát triển du lịch của TP.HCM và tỉnh Bến Tre đã được ký kết năm 2019.
Cùng với đó, bà Thắng đề nghị phía Bến Tre sớm thống nhất với ngành du lịch TP.HCM và ban hành bộ tiêu chí để thích ứng an toàn với dịch COVID-19 trong ngành du lịch.
Trong quá trình thiết kế và mở bán tour liên tuyến, các doanh nghiệp du lịch và các địa phương vẫn luôn đặt yếu tố an toàn phòng dịch lên hàng đầu. Điều kiện để triển khai tour là tất cả nhân viên phục vụ xuyên suốt hành trình đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng. Người dân TP.HCM muốn đi du lịch cũng phải có thẻ xanh hoặc có xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời hạn quy định.
Có thể thấy, sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh, ngành du lịch TPHCM đang chủ động tái khởi động với những bước đi thận trọng, an toàn, các hoạt động du lịch phải đảm bảo tuân thủ theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch trong giai đoạn bình thường mới.
Uỷ ban nhân dân TP.HCM vừa có văn bản số 3404/KH-UBND về kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn COVID-19 đến năm 2022.
Trên nguyên tắc "An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó và mở cửa thì phải an toàn", Uỷ ban nhân dân Thành phố xác định lộ trình khôi phục hoạt động du lịch với 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Từ nay đến ngày 31/10/2021.
Thành phố sẽ mở lại hoạt động du lịch nội vùng theo tiến trình kiểm soát dịch của các địa phương (chỉ mở trên địa bàn "vùng xanh"). Ở giai đoạn 1, các hoạt động du lịch được triển khai gồm dịch vụ lữ hành; dịch vụ lưu trú; hoạt động tại các điểm tham quan.
Trong giai đoạn này, người dân sống và làm việc tại TP.HCM có thể đi du lịch theo phương thức khách đoàn hoặc tự tổ chức tới các điểm tham quan ở quận huyện kiểm soát được dịch. Thành phố mở rộng thêm hoạt động lưu trú tại các khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn các quận huyện đã kiểm soát được dịch bệnh với công suất phục vụ tối đa 50%. Các điểm tham quan thuộc địa bàn vùng xanh được hoạt động với công suất tối đa 50%, bảo đảm các điều kiện theo Bộ tiêu chí du lịch.
Một số điểm tham quan/sản phẩm du lịch nội vùng như: huyện Củ Chi: Khu di tích địa đạo Bến Dược, Bến Đình, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Công viên Rin Rin Park, vườn lan Huyền thoại, làng trái cây Trung An,… Huyện Cần Giờ: Khu du lịch Vàm Sác, chiến khu rừng Sác, Đầm Dơi, lâm viên Cần Giờ, chợ Hàng Dương… Một số địa điểm/sản phẩm du lịch khác như: Bảo tàng 3D (quận 7), phố chế tác kim hoàn, con đường chuyên doanh thuốc đông y Hải Thượng Lãn Ông (quận 5)…
Giai đoạn 2: Từ ngày 01/11 đến ngày 31/12/2021.
Thành phố mở các hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương, chủ yếu tại "vùng xanh". Dịch vụ lữ hành tổ chức theo phương thức khách đoàn đối với các chương trình du lịch có điểm đến tại các tỉnh/thành và đối với khách du lịch từ các tỉnh/thành đến TP.HCM. Người dân ở TP.HCM có thể đi theo đoàn hoặc tự tổ chức chuyến đi, đến các điểm tham quan trên địa bàn Thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh.
Trong giai đoạn này, các hoạt động lưu trú tại các khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đã kiểm soát được dịch bệnh, sẽ được mở rộng thêm với công suất phục vụ tối đa 70%. Thành phố xem xét mở thêm một số dịch vụ cho cơ sở lưu trú, ăn uống tại chỗ, spa... tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh. Các điểm tham quan thuộc vùng xanh được hoạt động với công suất tối đa 70%, bảo đảm các điều kiện theo Bộ tiêu chí du lịch.
Giai đoạn này phát triển thêm các sản phẩm du lịch cho khách nội địa có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện của Bộ tiêu chí du lịch; khách quốc tế đến Phú Quốc theo chương trình thí điểm của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Các sản phẩm nội vùng cũng sẽ hoạt động phục vụ du khách gồm: Thảo cầm viên Sài Gòn, công viên văn hóa Đầm Sen, công viên văn hóa Suối Tiên; tham quan nội đô bằng xe buýt, buýt hai tầng du lịch…
Giai đoạn 3: Năm 2022.
TP.HCM mở hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương và các quốc gia. Thành phố sẽ khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch Covid-19.
Trong năm 2022, TP.HCM sẽ đẩy mạnh triển hoạt động khai công tác liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố với các tỉnh/thành; phát huy vai trò then chốt của iIệp hội Du lịch TP.HCM và các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo; xúc tiến đầu tư vào du lịch, cơ hội hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương…
TP.HCM cũng xác định, thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch. Thành phố tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn Thành phố. Chủ động kết nối với các tỉnh/thành để phát triển tuyển, điểm đến an toàn liên vùng.
Công văn 3040/KH-UBND của Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng lưu ý: Trong cả ba giai đoạn phục hồi nói trên, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ giảm quy mô, phạm vi của các loại hình hoạt động.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Mời bạn đọc theo dõi video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19