Chị Kim Liên (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Mùa hè này tôi chưa biết nên gửi con về quê, cho đi học thêm, "cắp" con lên cơ quan làm việc hay để con tự chơi ở nhà... Nếu về quê thì con sẽ có không gian rộng rãi, nhiều chỗ chơi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các cháu rủ nhau tắm sông, hồ hoặc gặp phải những tai nạn như leo trèo ngã gãy tay chân, bỏng, ong đốt, rắn cắn, chó cắn…".
Theo số liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, trung bình mỗi năm nước ta có tới khoảng 4.000 trẻ em tử vong do các nguyên nhân tai nạn, thương tích khác nhau, trong đó đuối nước và tai nạn giao thông là các nguyên nhân tử vong hàng đầu.
Nghỉ hè không thương tích...
Chia sẻ về hiện trạng và nguyên nhân trẻ bị tai nạn thương tích, BS. Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tai nạn thương tích xảy ra đa số xung quanh nhà và trong khuôn viên nhà, nhiều nhất là vấn đề đuối nước khi trẻ tiếp xúc với các dụng cụ đựng nước như chum, vại, hay bị trượt ngã trong nhà vệ sinh hoặc xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm...
Bên cạnh đó, các em bé có thể chọc que vào ổ điện, tiếp xúc với chất tẩy rửa, uống nhầm các loại thuốc của người lớn không phù hợp với trẻ… "Trong gia đình, chúng ta thường chủ quan đây là môi trường an toàn nhưng thực tế lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ" - BS. An nói.
BS. Nguyễn Trọng An lưu ý tới các bậc cha mẹ về vai trò của gia đình trong bảo vệ trẻ em, trong đó cha mẹ cần biết cách phát hiện những nguy cơ gây ra tai nạn cho trẻ trong nhà như vị trí để phích nước như thế nào, tủ thuốc phải cất ở nơi không trong tầm với của trẻ, dao nhọn phải cất cao, không được đựng hóa chất trong các chai lọ như nước khoáng, nước ngọt… Cha mẹ cũng phải nhận thức được trong nhà mình đang tiềm ẩn những nguy hiểm gì.
Về cách phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ, BS. Nguyễn Trọng An cho biết, ngoài việc giáo dục kỹ năng về chống đuối nước thì kỹ năng cứu đuối và sơ cấp cứu vào thời điểm vàng cho trẻ bị đuối nước nói riêng và tai nạn thương tích nói chung cũng đặc biệt quan trọng.
- Khi trẻ, hay cả người lớn bị đuối nước, không được phép bơi ra bế trẻ lên, trừ trường hợp trẻ ở chỗ nước nông.
- Nếu ở chỗ nước sâu, cần phải hô hoán để mọi người cùng đến cứu giúp.
- Cần quan sát xung quanh có vật gì để bám vào không, hoặc dây để kéo vào bờ, hãy ném vật đấy cho người đuối nước để họ bám vào.
- Nếu bản thân có khả năng cứu đuối nước tốt thì có thể trực tiếp cứu đứa bé, nhưng nếu không có khả năng cứu, nên hô hoán để tìm sự giúp đỡ từ mọi người.
Sau khi cứu em bé, chúng ta phải ngay lập tức thông đường thở của bé. Đây là kỹ năng hồi sức tim phổi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, luyện tập đàng hoàng, thông tin chính xác và thực hành hà hơi thế nào, hô hấp nhân tạo thế nào để phù hợp với trẻ ở từng lứa tuổi.
Còn theo BS. Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc (BV Nhi TW), tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ em luôn là vấn đề đáng suy ngẫm, vì có thể trở thành nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời trẻ cũng như để lại nỗi xót xa, day dứt đeo đẳng với các bậc phụ huynh. Đa phần các trường hợp bị tai nạn thương tích đều xuất phát từ sự chủ quan, sơ suất của chính gia đình.
BS. Duy cho biết, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, cha mẹ cần quan tâm đến con em mình ở mọi lứa tuổi.
- Khi trẻ nhỏ ăn, ngủ, chơi phải luôn có người chăm sóc bên cạnh.
- Nên thiết kế hàng rào hoặc thanh bảo vệ ở cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao tối thiểu 75cm trong nhà.
- Không cho trẻ leo trèo, đứng trên ghế, vật dụng không vững;
- Không để sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt;
- Không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ dưới 3 tuổi.
- Với đồ điện, phích nước nóng, vật dụng dễ gây thương tích, các chai lọ đựng hóa chất… phải xa tầm với của trẻ.
- Đối với trẻ lớn, cha mẹ phải kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của các em. Cha mẹ phải thường xuyên giáo dục, nhắc nhở trẻ không được leo trèo, bơi lội ở ao, hồ, sông, biển khi không có người lớn.
Hãy khích lệ con kịp thời
Ở góc độ chuyên gia tâm lý, PGS.TS. Trần Thành Nam, Trường ĐH Khoa học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra lời khuyên, bố mẹ cần giúp con xác định trong thời gian nghỉ học thì làm gì. Bố mẹ nên cùng con thảo luận, xây dựng một lịch sinh hoạt mới, cân bằng và phù hợp. Lịch trình này vừa có các hoạt động mang tính tư duy, vận động thể chất, kết nối xã hội hoặc những việc thể hiện trách nhiệm của bản thân trong gia đình như làm việc nhà…
Bố mẹ có thể ra nhiệm vụ, yêu cầu để con làm việc nhà, chăm sóc cây cối, buổi sáng tập thể dục, vận động theo các bài tập trên YouTube, hướng dẫn con làm những món đồ chơi đơn giản...
Đặc biệt, sau mỗi ngày làm việc, bố mẹ cần dành thời gian buổi tối chơi, nói chuyện với con để biết một ngày ở nhà của con diễn ra thế nào. Sau đó, bố mẹ dành những lời khen ngợi, phần thưởng để khích lệ khi con hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.