Nhiều nhà báo và trí thức Việt kiều tham dự đã phát biểu ý kiến sôi nổi, bày tỏ sự gắn bó với tiếng nói quê hương.
Tôi rất xúc động đọc bài Nên “phanh” cái đà dùng từ Mỹ khi viết và nói tiếng Việt của ông Quảng Thanh (Hồn Việt số 6 – 2011). Từ New York, ông bày tỏ sự phẫn nộ của ông với hiện tượng lố bịch ở trong nước, đã lạm dụng tiếng Anh, Mỹ làm méo mó và dị dạng ngôn ngữ Việt. Ông đưa ra hàng trăm ví dụ đau lòng về các báo, đài, sự giao tiếp ngoài đường phố về sử dụng tiếng Mỹ: tuổỉ teen, hotgirl, rất hot, xin lỗi fan. Rồi cửa hàng trưng tiếng Mỹ ở khu lao động không hề thấy người nước ngoài lai vãng. Hàng bán cho người miền núi (áo, quần…)cũng có chữ Mỹ…
Đặc biệt, các bạn trẻ dễ bị “bệnh dịch tiếng Mỹ” vì thiếu văn hoá gốc, thiếu trách nhiệm và tự trọng dân tộc. Tội này trước tiên là tội của người lớn! Nhiều người thiếu hiểu biết về văn hoá mới làm méo tiếng Việt đi như vậy. Các giới chức có thẩm quyền như Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin, Bộ Giáo dục nên tìm cách “phanh” lại cái đà này trước khi quá trễ! Từ Mỹ, ông Quảng Thanh còn nhắc nhở: Thời Pháp thuộc, các trí thức ta giỏi tiếng Pháp và hiểu văn hóa Pháp hơn thế hệ ngày nay biết tiếng Mỹ và văn hoá Mỹ, nhưng rất trân trọng tiếng Việt. Ngày nay, người Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc giỏi ngôn ngữ và văn hoá Mỹ hơn ta nhưng vẫn trân trọng tiếng nước họ hơn. Xin lấy một thí dụ: Người Thái đặt tên kỳ thi quốc tế Robot ở Thái Lan (2011) một tên Thái: Loy Krathong (một lễ hội truyền thống). Còn ở Việt Nam, lễ hội dành cho người Việt: Giải ca nhạc 2011 cho ca sĩ Việt Nam phải đặt tên Mỹ là VTV Awards 2011, cuộc thi Đại học kinh tế Việt Nam lấy tên Mỹ là Dynamic… Ta đừng quên là các nước quanh ta phát triển kinh tế mạnh là do tinh thần dân tộc mạnh và biết làm ăn, vẫn coi ngôn ngữ dân tộc là yếu tố chủ yếu.
Đọc lá thư tâm huyết của một Việt kiều xa quê hương, tôi lại nhớ đến vở kịchÔng Tây An Nam của Nam Xương (1905-1958) xuất bản thời Pháp thuộc cách đây hơn 80 năm. Vở kịch lên án một cách chua cay những trí thức học nước ngoài mà khinh dân tộc mình: Một ông nhà giàu là Cửu cho con là Lân du học ở Pháp. Lân đỗ cử nhân, ở Pháp về, giả vờ không biết tiếng Việt, mượn thông ngôn Khiếu dịch tiếng Pháp cho mình khi về nhà. Cả một chuỗi đối đáp như sau:
Cử Lân: “C ‘est ici ma maison?“ (Đây là nhà tao à?).
Cửu ông: “Ấy kìa con! Con đã về! Con đã về!”.
Cử Lân cau mặt: “Quel est ce vieux fou là? (Cái lão điên này là ai?).
Cửu ông: “Thày không ra đón con được, thật là bất đắc dĩ. Nhưng mẹ con đâu? Mẹ ra đón con mà?
Cử Lân: Que signifie? (Hắn nói gì thế?).
Cửu ông: Vậy con ngồi xuống đây, xuống đây!
Cử Lân: Veut-il par hasard me manger? (Lão muốn ăn thịt ta hay sao thế?).
Phiên dịch Khiếu: Me xừ, luý điếc lúy papa me xừ (Lão bảo lão là bố quan lớn).
Cử Lân: Mon père? Oh! ho! ho!
Khiếu: Có thật là bố quan Cử tôi đó không?
Cửu ông: Chao ôi! Con quên thày rồi sao? Thày đưa con xuống tận Hải Phòng đấy mà! Thày vẫn gửi tiền cho con ăn học đây mà!
Cử Lân: Possible! (ôm lấy Cửu ông mà hôn). Excuse, papa, je ne t’avais pas reconnu!
Khiếu: Quan tôi xin lỗi cụ vì trước chưa nhận ra!
Cửu ông (cũng bá chặt lấy cổ cử Lân và ấn xuống ghế bảo ngồi): “Con đi lâu về thường quên thật! Thôi thày chả bắt lỗi con đâu. Ngồi xuống đây!”.
Cử Lân (khẽ đẩy Cửu ông ra): Oh pouf! Il me élouffe avec son odeur indigène! Dis-lui de ne plus recommencer, je te prie! (cầm mù xoa phe phẩy trước mũi).
Khiếu: Cụ ạ! Cụ làm quan tôi suýt chết ngạt về cái mùi bản xứ của cụ. Bận sau chớ thế nữa nhé!
Cửu ông (ngạc nhiên): Con nói thế đấy ư con (ngoảnh lại Khiếu). Hay là mày nói láo?
Khiếu: Moa lúy điếc moa anh-tê-dét me-xừ, moa ba bồi lúy. (Với Cửu ông): Tôi chả gì cũng là thày thông ngôn cho quan cử tân khoa…
Cuộc đối thoại cứ ông chẳng bà chuộc như vậy, rồi dẫn đến đoạn kết này:
Cửu ông: Đức Khổng Tử nói rằng…
Khiếu: Thôi cụ ạ, cụ mà giở một tràng cái ấy ra thì tôi không thông ngôn được đâu. Quan tôi bảo cụ đừng giở luân lý ra với quan tôi, nó khó chịu lắm!
Cửu ông: Ô hay con không biết cả luân lý nữa à?
Khiếu: Me xừ luý điếc me xừ ba con nét cái Khổng Tử viết…
Cử Lân: Khổng Tử viết? Quel est ce bonhomme là?
Khiếu: Đấy, quan tôi hỏi... Khổng Tử là tiên sinh nào đấy? (giảng cho cử Lân): Luý bố cu găng me xừ, Si-noa An-na-mit sim sim bù đa…
Cử Lân: Ah! C’est Confucius! Mais F…tez-le moi dehors avec un vigoureux coup sur le dos; C’est un fou fieffé!
Khiếu: Cụ ạ, cụ đừng nói đến luân lý Khổng Tử gì nữa. Khổng tiên sinh chẳng qua là một anh rồ mọc rễ ra đó thôi, nên “ách” tiên sinh ấy đi bằng một quả đá vào đít!
Cửu ông: Chết thật! Con khinh mạn thánh nhân thế thì chết thật!
Khiếu: Lại chết, chết cái gì kia chứ? Hãy nghe quan tôi tý nào!
Cửu ông: Tưởng rằng cho nó học hành, về nó trả nghĩa đền ơn cho mình vẻ vang với họ hàng… Chứ đối với thánh hiền nó còn vô đạo thế thì mình, nó coi ra cái thá gì!
Hữu Ngọc