Hà Nội

Từ tảng đá nhỏ đặt chân lúc lên bờ...

07-02-2016 16:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi đã lên con tàu gỗ bảo tàng ấy ngay nơi cập bến ngày xưa. Tần ngần nhìn lại chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ họp hành chật chội, bé nhỏ của những kẻ tha phương nuôi chí lớn.

Tôi đã lên con tàu gỗ bảo tàng ấy ngay nơi cập bến ngày xưa. Tần ngần nhìn lại chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ họp hành chật chội, bé nhỏ của những kẻ tha phương nuôi chí lớn. Hình ảnh con tàu còn được thể hiện thành bức tranh lớn đặt ngay cạnh đó: Tàu Hoa tháng 5 đang lao đi trong sóng to gió lớn ngoài khơi. Sự thật vốn thế hay biểu tượng lãng mạn?

Tảng đá lịch sử của nước Mỹ

Tháng 11/1620, con thuyền buồm mang tên Hoa tháng 5 (May Flower), khởi hành từ nước Anh, cặp bờ đá phía đông bang Masachusettes bây giờ, được lịch sử nước Mỹ ghi nhận như hạt giống đầu tiên khai sinh Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sau này. Đúng ra, Hoa tháng 5 không phải là chuyến di dân đầu tiên từ Âu sang Mỹ. Từ năm 1607 đã có nhiều chuyến thuyền của người Âu đến đây. Nhưng người ta lấy mốc Hoa tháng 5 bởi chuyến di dân này, không kể 30 thủy thủ, có 102 hành khách mà trong đó có 35 vị truyền giáo của dòng tu Pelgrim. Họ có ý định tìm đất mới để lập một lãnh thổ tự trị. Vào đêm cuối cùng trên thuyền, các vị ấy kịp tổ chức một hội nghị có tính “lập pháp” là sẽ tổ chức một cộng đồng theo quy chế Cộng hòa. Năm 1776, những tác giả Hiến pháp của Hoa Kỳ cũng đã xuất phát từ hạt nhân lập pháp đầu tiên này làm tinh thần khởi thảo. Cái tảng đá ven bờ, nơi những vị khách từ con thuyền gỗ ấy đặt chân lên, được lưu giữ như một hiện vật bảo tàng thời lập quốc của Hoa Kỳ. Nhà kinh tế người Pháp Tocqueville gọi là nó hòn đá nhỏ bé xây nền cho nước Mỹ khổng lồ. Người ta đã xây, ngay cạnh nơi con tàu cập bến, một đài kỷ niệm trang trọng lưu giữ tảng đá này. Và cái bến tàu ngẫu nhiên ấy đã thành một thành phố du lịch mang tên cái bến cảng bên nước Anh nơi con tàu đã ra đi: Plymouth.

Bức tranh tàu Hoa tháng 5  (May Flower)

Tôi đã lên con tàu gỗ bảo tàng ấy ngay nơi cập bến ngày xưa. Tần ngần nhìn lại chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ họp hành chật chội, bé nhỏ của những kẻ tha phương nuôi chí lớn. Hình ảnh con tàu còn được thể hiện thành bức tranh lớn đặt ngay cạnh đó: Tàu Hoa tháng 5 đang lao đi trong sóng to, gió lớn ngoài khơi. Sự thật vốn thế hay biểu tượng lãng mạn? Dù thế nào thì cũng có sức chắp cánh cho khách thăm tưởng tượng lại cuộc viễn du ngày ấy. Ở Boston, ngay trong phố sầm uất bây giờ còn lưu một nghĩa địa cổ nhỏ bé, vài chục tấm bia bằng đá đẽo thô sơ. Tấm lớn nhất ở giữa mang tên bà vợ một viên thuyền trưởng. Có phải thuyền trưởng con tàu này?  Nước Mỹ rất để tâm viết lịch sử ngay trên mặt đất hiện trường của các sự kiện xưa. Trăm nghe không bằng một thấy. Rất nhiều bảo tàng lộ thiên dựng ngay trên thực địa. Ở Philadelphia, người ta phục chế nơi bản doanh của tướng Washington trong chiến tranh lập quốc, có đủ cả lính tráng, cận vệ với đầy đủ trang phục xưa, vũ khí xưa nhưng người là người của bây giờ. Ở một trại lính phục dựng chiến tranh Nam Bắc, tôi còn thấy cả ông đóng vai lính anh nuôi đang thui một con vịt trên bếp than đang đỏ. Hôm ấy đứng trong khoang tàu Hoa tháng 5, lên xuống những bậc thang phục chế, ngẩng lên trời nhìn mây trắng đang bay qua màu nắng hoàng hôn của bến cảng (nhưng không nhìn vào phố, để không gặp cảnh bây giờ), tôi thấy mình có đủ sức tưởng tượng cho tâm trí nhập vào không gian lịch sử xa xôi. Nhà trường Mỹ dạy sử  cho học trò luôn luôn nương tựa vào những thực địa bảo tàng này. Trẻ con học sử bằng cả cảm giác trải nghiệm và sự xúc động người trong cuộc. Lịch sử thấm vào tính cách mà thành hành trang cho cả đời người.

Trên buồng lái con tàu hiện làm bảo tàng

Tôi đã đến thăm cái làng mà cư dân Hoa tháng 5 sau khi cặp bến, đã dựng lên từ ngày ấy. Cố nhiên đây cũng là phục chế trên nền xưa. Làng gồm những căn nhà gỗ tạo nên mấy dãy phố con trong một hàng rào cũng bằng gỗ, có chòi canh. Làng giáp với biển nhưng nơi cuối làng chỗ tiếp giáp với rừng là một nhà Cầu Nguyện. Trên gác của nhà Nguyện cũng là nơi họp dân làng. Nó như một pháo đài, súng thần công chĩa ra ba phía rừng. Quanh các ngôi nhà gỗ là những thửa vườn nhỏ trồng rau và đặc biệt trồng thuốc lá. Tục hút thuốc của người da đỏ đã từ đây du nhập sang châu Âu, thành một thứ tiêu dùng thời thượng để bây giờ nhân loại lại kêu gào khản cổ bỏ thuốc lá vì ung thư. Ngôi làng phục chế này là hiện vật ngoài trời của bảo tàng. Những bảo tàng ngoài trời là bảo tàng mà cũng là di tích lịch sử vì hiện vật được tái tạo ngay trên nền xưa. Có cái hay là họ tạo lại cả nếp sinh hoạt của con người. Người thời nay vận lại y phục xưa, diễn lại cung cách sống cách đây 5 thế kỷ. Tôi ngồi hỏi chuyện một bà Ăng lê thời ấy, trong căn phòng gố ấm cúng đồ đạc mang từ chính quốc sang. Đồ gỗ kiểu châu Âu, cái giường đôi, bộ bàn ghế và những thứ lặt vặt, bộ ấm chén, cái bình cắm hoa. Gia đình bà có lẽ thuộc dạng trung lưu hồi đó. Bà ngồi bên cái rổ khâu, mấy mẫu ren đang làm dở. Ông chồng ngậm tẩu, ngồi ngoài hiên dựa vào bức tường gỗ nhìn ra đường, trên tay một mẩu gỗ mềm ông đang tiện hay gọt với một dao sắc có mũi nhọn. Mấy con gà kiếm ăn ngoài sân. Phía ngoài hàng rào gỗ, mặt đường đất lồi lõm, du khách thời nay đang đi lẫn với các nhân vật “phục chế” của thời xưa. Từ trên gác nhà Nguyện nhìn ra biển. Gió thổi lộng. Những đợt sóng thanh thản vỗ vào bờ, hiền lành êm ả. Thời ấy cũng cảnh thanh bình này, ở bãi biển này. Nhưng trên dải đất Bắc Mỹ mà bây giờ là nước Mỹ, bắt đầu những biến động đau đớn cho người da đỏ bản địa. Thời kỳ tích lũy tư bản dã man, mông muội. Đám di dân đông dần, họ không còn là nhưng người tha phương kiếm sống mà đã xuất hiện những ý tưởng chinh phục. Họ mang thuyền to súng lớn tới, tấn công người bản địa. Cướp, giết, đốt làng mạc, cưỡng chiếm đất đai. Người bản địa mất làng, mất cánh đồng, mất những đàn trâu, mất rừng, mất cả nếp sống quen thuộc của mình. Họ bị những người mà chính họ từng cưu mang lúc đầu tiêu diệt và trở thành thiểu số bị săn đuổi trên đất đai của chính mình. Lịch sử hình thành các cường quốc châu Mỹ quả hơi hiếm chuyện nhân từ bác ái để tự hào. Nhưng quá khứ đã là quá khứ, các thế hệ sau đang chuộc lại lỗi lầm của cha ông họ. Những cư dân bản địa của châu Mỹ, châu Úc đang được hưởng những ưu đãi trong giáo dục, trong y tế, trong kinh doanh, trong các quy chế an sinh xã hội bù trì lại cho những bất công mà tổ tiên họ đã chịu.

Trong một căn nhà người Anh xuống từ con tàu Hoa tháng 5 thuở ấy

Một ngôi làng da đỏ cũng được phục chế ngay gần đó. Một bến đò, nhiều con thuyền độc mộc đậu rải rác. Con đường nhỏ vào làng, những căn lều, mái lá, vách gỗ, tấm da trâu làm rèm cửa, nhà chỉ có một cửa chui ra, chui vào. Quanh vách trong nhà là những tấm sạp dài, làm chỗ ngủ. Bếp lửa trong nhà, vừa là nơi nấu ăn vừa là nơi sưởi ấm cho cả nhà khi tuyết rơi. Những dụng cụ gia đình và công cụ lao động đều làm từ nguyên liệu của rừng. Một phụ nữ ngồi thái rau hay thái củ gì đó cạnh cửa, phía ngoài một thanh niên bổ củi. Tôi để ý cả những đồ trang sức treo trên cột nhưng không thấy chiếc gương nào. Ngót năm thế kỷ trước, khi người châu Âu đến đây mức sống người bản địa, có thể hình dung được từ ngôi làng bảo tàng này. Quả là đã có một  sự khai hóa nhưng đó chắc không hẳn là ý thức của người chinh phục. Tình hình sau này, khi nước Mỹ sát nhập Hawai, xứ sở của những người hái dừa và đánh cá, làm bang thứ 50, nổi tiếng về du lich và địa danh ngoại giao Hônôlulu thì lịch sử đã đi theo lối khác. Hạnh phúc cho người bản địa đã đồng hành được với thịnh vượng của Hoa Kỳ.

Bến thuyền của một làng da đỏ thuở tàu Hoa tháng 5 tới Mỹ

Không biết có phải vì là một quốc gia non trẻ hay vì đất nước rộng và giàu mà người Mỹ rất trọng di tích. Bang nào, thậm chí quận, hạt nào, cũng có di tích, có bảo tàng. Quá khứ như được hiện diện cùng hiện tại. Hiện diện không phải chỉ để tự hào mà còn là một bài học, một cảnh báo, một nhắc nhở. Ngấn nước năm lụt to ở Atlanta còn nguyên vết trên bức tường cửa đập, bên cạnh có ghi ngày tháng. Một đoạn đường Nội chiến đã đi qua được phục chế từ ảnh chụp. Hội trường Quốc hội ở Philadelphia khi tranh luận bản Hiến pháp đầu tiên. Một quả chuông tặng phẩm quốc gia chưa đánh tiếng nào đã vỡ... Tất cả được gìn giữ như những chiếc neo ký ức hướng con người hiện tại đọc vào quá khứ mà hiểu thêm mình. Trẻ con cấp tiểu học, học lịch sử trước hết là học về những di tích đang ở quanh mình, thường ngày mình có thể học. Học như đánh thức tưởng tượng để cùng trải nghiệm. Những trải nghiệm bé thơ lẫn lộn thực tại cùng cổ tích.

Du khách trò chuyện với diễn viên đóng vai dân Anh đến cư trú tại Mỹ đầu thế kỷ 17

Thấy người, lại tiếc cho non nước nhà mình. Huyền sử và lịch sử đan dệt bốn nghìn năm, nhưng dấu xưa xe ngựa, nền cũ lâu đài còn lại được những gì. Điện Kính Thiên Lý Trần Lê còn đôi rồng đá. Ngôi nhà số 2 hàng Đồng từng được coi là căn nhà cổ nhất còn sót lại của Thăng Long 36 phố phường, quay đi quay lại biến mất đâu rồi. Dấu tích xây dựng ở mỗi thời kỳ mang linh hồn thời gian trên nó cũng nhanh chóng được “trùng tu” hoán đổi. Những ngôi chùa bốn năm trăm tuổi phút chốc thành sơ sinh hay đang tuổi nhi đồng. Có nhà quản lý giáo dục còn hứng chí “tích hợp”môn học lịch sử vào các môn học khác cho... nhàn, nghĩ cho cùng, cũng là hội chứng thích trùng tu hoán đổi, biến có thành không, kiểu các ông phá gia chi tử kia thôi.

Ngày Tất niên – 2015


Bút ký của VŨ QUẦN PHƯƠNG
Ý kiến của bạn