Hà Nội

Tự sát và phòng chống tự sát

16-06-2020 08:19 | Y học 360
google news

SKĐS - Tự sát là các hành vi tự giết mình. Hiểu theo nghĩa rộng thì tự sát bao gồm tất cả các hành vi của bệnh nhân mà hậu quả dẫn đến cái chết. Bệnh nhân biết được điều đó nhưng vẫn cố gắng thực hiện để tìm đến cái chết. Như vậy, cách hành động từ chối điều trị khi có bệnh nặng, từ chối ăn, tự gây thương tích cho mình... vẫn được coi là tự sát nếu hậu quả cuối cùng của nó là cái chết.

Ở Việt Nam chưa có số liệu chính thức về số người chết do tự sát, nhưng nhiều tác giả dự đoán con số này vào khoảng 30.000 người/năm.

Các bệnh lý tâm thần gây ra tự sát

Có ít nhất 95% số trường hợp tự sát do bệnh lý rối loạn tâm thần gây nên, trong đó trầm cảm chiếm đến 75% số trường hợp, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện cờ bạc, nghiện game... chiếm 20%. Như vậy, chỉ có chưa đến 5% số người tự sát là không có rối loạn tâm thần.

Trầm cảm

Tự sát có thể gặp ở trầm cảm nhẹ, vừa và nặng. Vì thế, không thể chủ quan cho rằng trầm cảm nhẹ thì không cần quan tâm đến ý định tự sát. Không thể dự đoán một cách chính xác được bệnh nhân trầm cảm có cố gắng tự sát hay không và khi nào tự sát.

Động cơ tự sát của bệnh nhân là mong muốn cao độ chấm dứt một trạng thái cảm xúc đau khổ, sự tra tấn đang hành hạ cơ thể bệnh nhân trầm cảm. Về mặt lâm sàng, các bệnh nhân trầm cảm chủ yếu có hành vi tự sát và không có hành vi tự sát có triệu chứng giống hệt nhau. Điểm duy nhất khác biệt ở 2 nhóm bệnh nhân này là những bệnh nhân có ý định tự sát thường có các hành vi tự sát trong tiền sử.

Các dấu hiệu nguy cơ tự sát ở các bệnh nhân trầm cảm là bi quan quá mức, mất hy vọng, tự kết tội mình và bồn chồn. Tự sát ở các bệnh nhân trầm cảm thường diễn ra trong giai đoạn bệnh đang tiến triển.

Ở phụ nữ mới sinh con bị trầm cảm (mới bị hoặc tái phát), bệnh nhân có thể có hành vi giết con rồi tự sát.

Tự sát và phòng chống tự sátPhát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh lý tâm thần để phòng chống tự sát.

Tâm thần phân liệt

Nguyên nhân tự sát của tâm thần phân liệt là do hoang tưởng (bị truy hại), ảo thanh (ra lệnh), trầm cảm phối hợp (bi quan, chán nản), căng trương lực (xung động vận động không thể kiểm soát), hành vi thanh xuân (rối loạn hành vi) và... không có nguyên nhân gì cả.

Bệnh nhân có thể lên kế hoạch tỉ mỉ cho tự sát, nhưng cũng có thể ý nghĩ tự sát mới ập đến trong đầu bệnh nhân ít phút trước đó. Ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, tự sát có thể diễn ra trong giai đoạn cấp tính, khi hoang tưởng và ảo giác còn mạnh mẽ nhưng thường xảy ra trong giai đoạn ổn định, trong vòng 3-6 tháng sau khi bệnh nhân ra viện.

Nghiện rượu, ma túy, cờ bạc và game

Ở  các bệnh nhân này, tự sát có thể là hậu quả trực tiếp của bệnh hoặc do các vấn đề nảy sinh khi nghiện.

Các bệnh nhân nghiện rượu và ma túy tự sát cơ thể xảy ra khi say (say rượu, say ma túy đá) hoặc khi cai (cai rượu, cai ma túy). Khi đó, bệnh nhân có các hoang tưởng bị hại, ảo thanh hoặc rối loạn hành vi (khó phân biệt với tai nạn).

Với bệnh nhân nghiện game và nghiện cờ bạc, tự sát thường do các triệu chứng tuyệt vọng, chán nản và lo sợ quá mức.

Lo âu lan tỏa

Bệnh nhân lo âu lan tỏa có tỷ lệ tự sát cao gấp 4 lần so với tỷ lệ này trong nhân dân. Bệnh nhân lo âu lan tỏa thường tự sát do bồn chồn và lo lắng quá mức không thể kiểm soát.

Phòng chống hành vi tự sát

Do hầu như tất cả những người có hành vi tự sát đều có rối loạn tâm thần nên để phòng chống hành vi tự sát, người ta phải phòng chống bệnh tâm thần gây ra các hành vi tự sát đó.

Sau khi phát hiện và cứu sống bệnh nhân có hành vi tự sát, bệnh nhân cần được chuyển đến điều trị ở chuyên khoa tâm thần. Đây là vấn đề có tính sống còn đối với bệnh nhân. Như đã nói trên, phần lớn những người có hành vi tự sát đều có rối loạn tâm thần, nếu họ không được điều trị các rối loạn tâm thần dẫn đến hành vi tự sát đó thì họ lại tái phát hành vi tự sát và có thể tử vong do tự sát.

Bác sĩ chuyên khoa tâm thần cần khám xét kĩ lưỡng, xác định rối loạn tâm thần mà bệnh nhân có, kê đơn điều trị theo phác đồ quy định của Bộ Y tế đã phê duyệt. Nên ưu tiên sử dụng:

Thuốc tiêm, liều cao để đảm bảo bệnh nhân không thể bỏ thuốc và cắt được các ý định tự sát của bệnh nhân. Thuốc tốt nhất là haloperidol (tiêm bắp sáng và tối) kết hợp với diazepam (tiêm bắp sáng và tối). Thuốc tiêm nên dùng từ 5-7 ngày, sau đó mới chuyển sang thuốc uống.

Sốc điện là biện pháp có hiệu quả nhất, an toàn nhất cho các bệnh nhân có hành vi tự sát. Tiếc là đến nay, ở Việt Nam chỉ còn Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 làm được kỹ thuật này.

Thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, bình thần... phù hợp với loạn rối loạn tâm thần của bệnh nhân, các thuốc này cần được dùng đủ liều, lâu dài (thường kéo dài suốt đời). Các thuốc này cần được người nhà bệnh nhân quản lý và cho bệnh nhân uống hàng ngày. Người ta khuyên không nên chọn amitriptylin, aminazin, gardenal để điều trị củng cố cho các bệnh nhân có hành vi tự sát vì bệnh nhân có thể dùng chính các thuốc đó làm phương tiện tự sát, có thể dẫn đến tử vong.


PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103)
Ý kiến của bạn
Tags: