Thảm nạn hàng không Germanwings chấn động toàn thế giới, có nguyên do cơ phó tự sát. Qua đây, giới chuyên môn muốn cảnh báo với công chúng những vấn đề liên quan đến tự sát, một hành động dẫn đến cái chết của khoảng 800.000 người mỗi năm trên thế giới.
Dự báo hành động tự sát?
Cho đến nay, một số thông tin về Andreas Lubitz - cơ phó chiếc A320 bất hạnh đã được báo chí Đức công bố. Theo đó, người lái phụ này từng mưu toan tự sát cách đây nhiều năm và đã phải điều trị với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, đặc biệt là ngày gây tai nạn chính là ngày mà người này nhận được giấy buộc nghỉ việc của bác sĩ. Tờ giấy mà chính anh ta đã xé bỏ. Vấn đề chính đặt ra ở đây là: Liệu có thể dự báo trước khả năng hành động hết sức bất thường của người điều khiển máy bay, mà trong con mắt của đông đảo mọi người phải là một người rất đáng tin cậy. Làm thế nào để dự báo trước hành động tự sát nói chung và cần phải làm gì để đối phó?
Theo bác sĩ pháp y Michel Debout, chuyên gia về các nguy cơ tâm lý xã hội và bạo lực trong lao động: “Ở đây rõ ràng người này có ý định thực hiện một hành vi tội ác và hành động đó vượt quá khả năng kiểm soát của anh ta...”.
BS. Michel Debout đặc biệt chú ý đến mối liên hệ giữa tự sát và công việc chuyên môn. Một số thông tin về phi công Andreas Lubitz cho thấy anh ta vốn là người vô cùng say mê công việc của mình. BS. Michel Debout nhấn mạnh đến thời điểm Lubitz phải nghỉ khóa đào tạo phi công để điều trị trong nhiều tháng. Dường như không ai cùng với anh ta đề cập đến những suy nghĩ về nghề nghiệp, người ta đã để mặc cho người phi công tập sự sống với thế giới mơ tưởng của riêng mình, có thể là với “giấc mơ về sức mạnh toàn năng của người lái phi cơ”.
Cơ chế ngăn chặn tự sát
Về vấn đề tự sát, BS. Michel Debout muốn có một cái nhìn mang tính dự phòng xa hơn là những liên lạc trực tiếp giữa bác sĩ điều trị với cơ sở làm việc hoặc trực tiếp hoặc thông qua bác sĩ lao động. Ý tưởng Đài quan sát quốc gia về tự sát (Observatoire national du suicide) ông ấp ủ chục năm qua vừa thành hình vào mùa thu năm 2013. “Đài quan sát đã ra đời. Nó đã hoạt động, một báo cáo thường niên đã được công bố cách nay ít tháng. Và có một nghiên cứu mới đang tiến hành. Trong một thời gian dài, người ta không tính đến quan hệ giữa tự sát và vấn đề việc làm tại Pháp. Tôi có làm một báo cáo năm 1993, tại Hội đồng Kinh tế xã hội, tôi đã kêu gọi thành lập một Đài quan sát như vậy. Cần 20 năm mới ra đời được một cơ sở như vậy tại một quốc gia, không thể nói là thiếu các phương tiện chữa trị, các phương tiện thậm chí hết sức tân tiến. Nhưng có một thứ chúng ta thiếu, đó là “văn hóa dự phòng””.
Chúng ta thấy cần phải phân biệt các nhân tố tâm lý với các nhân tố xã hội, gần với hiện thực hơn. Hiện thực nhiều khi rất khó chịu đựng. Ví dụ như thất nghiệp, tình trạng này có thể dẫn đến những trạng thái trầm cảm, mất niềm tin, mất tự tin... tức là các nguy cơ dẫn đến tự sát. Nhưng ngược lại, đối với những người đang làm việc, nhiều khi họ cũng phải đối mặt với nạn bạo hành tinh thần trong công việc... Trong môi trường công việc, có nhiều nhân tố dẫn đến trầm cảm, mất tự tin, mất tự tin vào khả năng làm việc: đó là những nguy cơ dẫn đến tự sát. Điều này cũng liên quan đến cái nhìn của xã hội về lao động, đến việc tổ chức lao động.
Cuối cùng, vấn đề đặt ra là liệu công việc có cho phép đông đảo mọi người trong xã hội được hiện thực hóa bản thân, được phát triển, có được một đường đời cá nhân, nghề nghiệp, xã hội, cho phép khẳng định một vị trí hay không? Hay lao động là môi trường chỉ có mục tiêu duy nhất là lựa chọn những người có tay nghề hoàn hảo nhất, để mặc những người khác với những bất hạnh của riêng họ.
Tự sát không nhất thiết bắt nguồn từ bệnh tâm thần
Tất cả những ý định tự sát, hay những mưu toan tự sát không nhất thiết phải bắt nguồn từ các căn bệnh tâm thần. Những khó khăn lớn trong cuộc sống, những thất vọng, những cú sốc tâm lý, stress thực sự đều có thể gây ra những ý định tự sát. Tôi cho rằng, không có gì tệ hơn là việc bị cô độc với những thất vọng của mình, những biến cố đau đớn mà mình đã trải qua. Lắng nghe, nói chuyện với người có vấn đề về những đau khổ của người đó; được nói lên những tâm sự đó mang lại cho người trong cuộc sự dễ chịu.
Tuy nhiên, vấn đề là nhiều người đau buồn, nếu không được sự giúp đỡ của những người xung quanh hoặc những hỗ trợ tâm lý khác có thể dần dần rơi vào trạng thái trầm cảm và từ đó tình hình càng trở nên đáng ngại đối với người ấy, có thể dẫn đến một hành động tuyệt vọng. Chính vì vậy, người có vấn đề cần được sự giúp đỡ ngay từ sớm. Không nhất thiết phải với một bác sĩ tâm thần mà có thể một nhà tâm lý, những người bạn, để cho phép người đó được bày tỏ, để giúp cho người đó vơi bớt nỗi đau buồn.
(Theo Figaro)
Lê Sơn