Trong bài viết “Vệ sinh yêu nước” đăng trên Báo Nhân dân số 1572 ra ngày 02/7/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam thực hiện vệ sinh phòng bệnh và nâng cao sức khỏe. Theo quan điểm của Bác, vệ sinh phòng bệnh luôn là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và cũng với quan điểm “Phòng bệnh hơn trị bệnh”, Bác đã đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào phong trào “Vệ sinh yêu nước” nhằm nhắc nhở, khuyến khích toàn dân giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe. Hưởng ứng sự kêu gọi của Bác, nhân dân Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh như: Sạch làng, tốt ruộng; Sạch bản, tốt nương; Sạch phố, tốt đồng; Ba sạch, bốn diệt; Xây dựng ba công trình vệ sinh ở các hộ gia đình với kết quả việc ăn, ở mất vệ sinh của người dân ở nhiều nơi dần được khắc phục, các bệnh nguy hiểm từng bước được thanh toán...
Học sinh thực hành rửa tay bằng xà phòng để đảm bảo vệ sinh cá nhân. Ảnh: TN
Trước tình hình hiện nay, môi trường sống ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn ô nhiễm, người dân chưa thực hiện thường xuyên các hành vi vệ sinh cá nhân có lợi đối với sức khỏe và sự xuất hiện của một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh cũng như một số dịch bệnh đang có xu hướng quay trở lại như các dịch bệnh lây theo đường tiêu hóa, hô hấp cùng những bệnh do môi trường ô nhiễm như ung thư, ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 730 về việc lấy ngày 02/7 hàng năm làm Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Nhằm khai thác những giá trị nhân văn cao cả trong quan điểm vệ sinh phòng bệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời vận dụng vào thực tiễn chăm sóc sức khỏe và cải thiện điều kiện sống của người dân trong giai đoạn hiện nay, Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tiếp tục huy động nhân dân, phát động nhân dân và dựa vào nhân dân để tăng cường thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh trong cộng đồng, đưa việc thực hiện vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân trở thành một phong trào sâu rộng trên cả nước. Từ đó, mỗi người dân và cả hệ thống chính trị-xã hội tiếp tục tăng cường, làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đạt mục tiêu nâng cao tỷ lệ người dân tiếp cận và sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm... để toàn thể nhân dân được sống trong môi trường sạch hơn, ăn uống an toàn hơn, dịch bệnh ít hơn.
Để đạt được mục tiêu nói trên của phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh gia đình và vệ sinh môi trường sống của cả cộng đồng dân cư. Theo đó, phấn đấu đến 2015, không còn hiện tượng phóng uế bừa bãi tại khu dân cư, xóa bỏ việc sử dụng cầu tiêu-ao cá; 100% số hộ gia đình và 100% trường học ở các tỉnh, thành có nhà tiêu hợp vệ sinh và nước sạch dùng hằng ngày; rác thải ở 100% xã, phường được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; vệ sinh tại các làng nghề, chợ, nhà vệ sinh trong trường học, trạm y tế xã, nơi công sở được chú trọng; hạn chế đến mức thấp nhất sự phát sinh bệnh dịch và các bệnh liên quan đến vệ sinh môi trường...
NGUYỄN BỘI NHIÊN