Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng rất nhanh và có nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch lớn trong năm nay, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Riêng tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ 2016 và đang có nhiều diễn biến lạ, phức tạp. Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này cả nước đã ghi nhận gần 60.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong. Trường hợp tử vong mới nhất là một bệnh nhân sinh sống tại Hà Nội (đến thời điểm này Hà Nội đã ghi nhận 4 trường hơp tử vong vì sốt xuất huyết)
Trước sự gia tăng nhanh chóng của dịch bệnh này đã khiến không ít gia đình lo lắng nên đã tìm đến các cơ sở dịch vụ phun hoá chất muỗi để thuê người về phun thuốc diệt muỗi tại nhà.
Tuy nhiên theo ông Hà Tấn Dũng, Trưởng phòng Ký sinh trùng côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế.
“Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Tuy nhiên người dân cần lưu ý, có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khoẻ con người”- BS Dũng nói
Cũng theo cảnh báo của BS Dũng, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc diệt muỗi không nhãn mác, không bao bì ghi nguồn gốc sản phẩm. Trước kia, Bộ Y tế từng có quy định về việc những cơ sở phun hoá chất diệt côn trùng phải được phép của Bộ Y tế và được cấp chứng chỉ hành nghề, tập huấn chuyên môn nên việc thực hiện phun hoá chất được kiểm soát. Tuy nhiên từ năm 2001, khi các hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là được thực hiện phun hoá chất thì thị trường này rất khó kiểm soát.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, rất nhiều công ty lợi dụng hoạt động phòng chống dịch để tổ chức đi phun thuốc diệt muỗi. Nhưng dùng hóa chất như vậy cũng giống như việc điều trị mà không có sự kê đơn, sẽ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc cho cả cộng đồng
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trong mùa bệnh sốt xuất huyết phát triển, biện pháp phun hóa chất không gian thường được ngành y tế dự phòng áp dụng để diệt muỗi truyền bệnh. Hoá chất này diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đang bay trong không trung và bám đậu ở các nơi khác với yêu cầu đạt ngay hiệu quả.
Việc phun hóa chất diệt muỗi tại nhà nếu không cẩn trọng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe Ảnh minh họa
Biện pháp này được thực hiện khi dịch bệnh sốt xuất huyết đang lan tràn hoặc mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh trở thành một vấn đề nan giải. Do hiệu lực của hóa chất diệt muỗi truyền bệnh không tồn lưu kéo dài nên trong thực tế, cần phải phun lặp lại vài lần. Biện pháp phun hóa chất không gian thường được áp dụng ở trong nhà và chung quanh nhà tại các thành phố, làng mạc và đôi khi cũng được thực hiện tại những nơi trú đậu của muỗi truyền bệnh ở ngoài nhà như vườn rau hoặc đầm ao.
"Muốn thực hiện được phương pháp này, cần phải có dụng cụ, thiết bị chuyên dụng cần thiết như bình thổi mù có động cơ đeo sau lưng hoặc bình phun sương nhiệt đeo trên vai. Ngoài ra, khi can thiệp biện pháp trên phạm vi rộng, cần có sẵn các loại xe ôtô chuyên dụng hoặc máy bay phun sương"- TS Nguyễn Nhật Cảm nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế dự phòng cũng khuyến cáo phun hóa chất diệt muỗi không phải là giải pháp duy nhất. Vấn đề chính là người dân cần phải diệt bọ gậy trong nhà, sau khi phun thuốc mà vẫn còn bọ gậy trong lọ hoa, trong các đồ phế thải thì muỗi truyền sốt xuất huyết sẽ lại phát triển và gây bệnh cho người dân.
Mỗi người dân cần phải chú ý dự phòng để trong nhà mình không có muỗi, chủ động thu gom, vứt bỏ dụng cụ phế thải để tránh nước đọng, tránh tạo cơ hội cho bọ gậy phát triển. Khi có biểu hiện sốt cao liên tục trên 2 ngày thì cần khám tại cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc nếu mắc sốt xuất huyết thể nặng