Mùa hè, ai cũng có thể gặp phải những tình huống xảy đến ngoài ý muốn như: say nắng, hạ đường huyết, chuột rút… hãy học cách tự đề phòng và cấp cứu cho những tình huống khó lường này.
Say nắng
Triệu chứng say nắng: có thể xuất hiện tình trạng chuột rút ở tay, chân, sau đó là đến cơ lưng, cơ bụng (do muối trong cơ thể mất đi quá nhiều, cơ thiếu muối dẫn đến bị kích thích co cứng). Tự nhiên thấy nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, chân tay rã rời, khó thở. Khi có những triệu chứng này thì phải bắt tay cấp cứu ngay.
Trường hợp say nắng: nhiệt độ cơ thể tăng cao 40 – 41oC; tần số thở tăng cao (30 lần/phút); mạch (120 - 150 lần/ phút); choáng váng, buồn nôn, sợ ánh sáng; có thể bị ngất, hôn mê hoặc nửa hôn mê, lực co bóp của tim suy yếu, có thể dẫn đến tử vong.
Chơi thể thao trong môi trường nóng nực rất dễ bị chuột rút. |
Để đề phòng say nắng, những người chưa quen tập luyện thì không nên tập luyện lâu dưới trời oi bức. Về mùa nóng nên mặc quần áo, đội mũ nón sáng màu vào những ngày nắng, oi bức không nên tập trung quá nhiều người ở những địa điểm nhỏ. Không nên tập quá lâu (nên tập một giờ lại nghỉ 5 – 10 phút). Chú ý chế độ ăn uống vào mùa nắng nóng. Ăn đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt cần đảm bảo đủ muối, nước và vitamin.
Hạ đường huyết
Người hạ đường huyết thường cảm thấy rất đói, vô cùng mệt mỏi, chóng mặt, mặt tái xanh, ra mồ hôi lạnh, khó thở, giọng nói ngắt quãng, thần trí mơ hồ. Nếu kiểm tra chỉ tiêu sinh lí sẽ thấy mạch nhanh, yếu, đường máu giảm xuống dưới 40 - 50mg. Khi xác định đúng là hạ đường huyết, cần cho người bệnh uống nước trà đường, ăn một ít bánh mì ngọt hoặc ít thức ăn. Nếu bị sốc do hạ đường huyết, phải đưa đến bệnh viện ngay.
Chuột rút
Chuột rút thường gặp trong vận động do cơ co lại quá độ khiến không duỗi ra được. Trong tập luyện thể thao, thường gặp chuột rút ở các cơ cẳng chân, cơ co duỗi bàn chân, cơ bụng. Hay bị nhất là các môn bơi lội, điền kinh, các môn bóng. Bên cạnh đó, khi hoạt động trong điều kiện trời oi bức nóng nực, với khối lượng, cường độ vận động lớn, mồ hôi ra nhiều, cơ thể mất nhiều muối và nước cũng dẫn đến chuột rút. Hoặc trong khi hoạt động cơ co duỗi quá nhanh, cơ thể mệt mỏi, cơ không thay nhau co duỗi được cũng dẫn đến chuột rút.
Nếu bị chuột rút ở dưới nước, cần đưa nạn nhân lên bờ, kéo căng cơ bị chuột rút ra, kéo ngược bàn chân lên (xoa bóp, vò, véo, ấn đấm, chặt). Nếu không khỏi, cần day, bấm huyệt, châm cứu, điểm huyệt. Nếu gan bàn chân bị chuột rút, châm cứu huyệt dũng tuyền. Cẳng chân bị chuột rút, châm cứu huyệt thừa sơn, ủy trung. Cổ chân bị chuột rút, châm cứu hai đầu mắt cá. Để đề phòng chuột rút, cần chuẩn bị hoạt động thật tốt, khởi động kỹ. Ngoài ra, nên bổ sung muối và nước trong khẩu phần ăn.
GS.TS. LÊ QUÝ PHƯỢNG