Từ niềm vui hát then đến lan tỏa giá trị di sản

19-12-2019 07:52 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Di sản văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới đã có thêm tin vui khi hát then vừa được UNESCO công nhận “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Như vậy, trong kho tàng văn hóa phi vật thể, nước ta đã có 13 di sản vươn tầm thế giới, qua đó cho thấy, Việt Nam là quốc gia có những di sản văn hóa hiếm có của nhân loại. Bảo vệ, gìn giữ và lan tỏa giá trị các di sản này vì thế cũng rất cần thiết...

Nguồn vui hát then

Tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO tại Colombia vừa qua, di sản “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo các chuyên gia, điều này đã góp phần khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, cộng đồng, dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái.

Hát then của dân tộc Tày, Nùng, Thái vừa được ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hát then của dân tộc Tày, Nùng, Thái vừa được ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trải qua những thăng trầm thời gian và sự thay đổi của đời sống xã hội nhưng hát then vẫn bền bỉ tồn tại, được lưu giữ và phát triển. Hiện nay, thực hành hát then tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và một số địa phương khác. Cùng với giá trị trong dân gian, kết hợp các liên hoan nghệ thuật hát then - đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái được tổ chức thường xuyên, thực hành then trong cộng đồng, di sản then của Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một sự ghi nhận, tưởng thưởng xứng đáng với di sản này.

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, hát then xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI vào thời nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và xây dựng thành quách ở đó. Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ then diễn tả hành trình Thầy Then (Ông Then, Bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới... Khi các Thầy Then cất tiếng hát, gảy tính tẩu là khởi đầu cuộc hành trình.

Trong hồ sơ di sản của Việt Nam đệ trình lên UNESCO, hát then được đánh giá là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp nhiều yếu tố về tâm linh, âm nhạc, mỹ thuật, múa... có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội. Làn điệu then lúc trầm, lúc bổng, lúc thiết tha, dìu dặt, lúc lại dồn dập hòa quyện với tiếng đàn tính đã tạo cho then có sức lôi cuốn kỳ lạ, khích lệ tinh thần mọi người thêm vui vẻ, xua tan phiền muộn, sự cực nhọc trong cuộc sống, hướng tới những điều tốt đẹp, hoàn thiện. “Then là một không gian văn hóa dân tộc, một tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian đa dạng, vừa phản ánh, miêu tả, vừa gửi gắm, nhắn nhủ những ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống ông cha”, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh nhận định.

Để di sản có sức lan tỏa

Trước hát then, Việt Nam cũng đã có 12 Di sản Văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, đó là nhã nhạc - nhạc cung đình Huế, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ, ca trù, hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đờn ca tài tử Nam Bộ, dân ca ví - dặm ở Nghệ Tĩnh, nghi lễ và trò chơi kéo co, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, nghệ thuật bài chòi ở Trung Bộ. Danh sách những di sản văn hóa phi vật thể thế giới ở nước ta ngày một kéo dài, trở thành niềm tự hào của dân tộc và nhân dân.

Ở Việt Nam, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được coi là hai bộ phận hữu cơ cấu thành kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Nếu như di sản văn hóa vật thể là những giá trị hữu hình, tồn tại dưới dạng vật chất, chứa đựng những hồi ức sống động của loài người, là bằng chứng vật chất của các nền văn hóa, văn minh nhân loại thì di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề và các dạng bí quyết nghề nghiệp khác. Cả hai loại hình này luôn gắn bó mật thiết, có tác động tương hỗ và tôn vinh lẫn nhau nhưng vẫn có tính độc lập tương đối.

Nhiều ý kiến cho rằng, với số lượng lớn di sản phi vật thể ở Việt Nam nói chung và đã được UNESCO vinh danh nói riêng, nếu chúng ta biết cách khai thác, xây dựng thành các sản phẩm du lịch thì đây sẽ là một lợi thế. Bởi biết khai thác hợp lý, chúng ta có thể làm cho di sản phi vật thể tác động trở lại phục vụ tốt hơn cho công tác giữ gìn và phát huy di sản, giúp các di sản này giữ được bản sắc và lan tỏa các giá trị tới cộng đồng trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp các di sản văn hóa phi vật thể không bị mai một và song hành cùng thời cuộc như Cuba đã làm với điệu nhảy Rumba, Pháp với “bữa ăn ẩm thực”, Bỉ có văn hóa bia...


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn