Tư nhân được thành lập ngân hàng mô

10-08-2016 07:58 | Xã hội
google news

SKĐS - Ngoài trực thuộc cơ sở y tế công lập, tư nhân cũng có thể thành lập ngân hàng mô nếu đáp ứng đủ các điều kiện về giấy phép hoạt động, cơ sở vật chất và nhân lực của Bộ Y tế.

Đây là một trong những nội dung được nêu rõ tại Nghị định 118/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2008/NĐ-CP ngày 29-4-2008 về tổ chức hoạt động của ngân hàng mô.

Cụ thể tại Nghị định mới này nêu rõ, ngân hàng mô được cấp giấy phép hoạt động khi đáp ứng một số điều kiện như: có quyết định thành lập ngân hàng mô; hoặc ngân hàng mô có tên trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định cơ cấu tổ chức của cơ sở y tế đối với ngân hàng mô của nhà nước; giấy chứng nhận doanh nghiệp đối với ngân hàng mô tư nhân.

Bên cạnh đó, ngân hàng mô tư nhân cũng cần đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất tối thiểu, như phải có buồng kỹ thuật có diện tích tối thiểu 12 m2 để tiếp nhận, xử lý, bảo quản và cung ứng mô; phòng xét nghiệm có diện tích tối thiểu là 12 m2. Riêng ngân hàng mô thuộc cơ sở y tế thì việc xét nghiệm có thể sử dụng chung với bộ phận xét nghiệm của cơ sở y tế.

Khu vực hành chính tổng hợp, quản lý hồ sơ, tư vấn phải có diện tích tối thiểu là 12 m2. Cơ sở phải được xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ làm vệ sinh; bảo đảm xử lý rác thải y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật; bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chuyên môn.

Về nhân lực tối thiểu, Nghị định yêu cầu người quản lý chuyên môn ngân hàng mô phải đủ điều kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; một bác sĩ hoặc cử nhân xét nghiệm có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; hai kỹ thuật viên y hoặc điều dưỡng tốt nghiệp trung cấp trở lên về chuyên ngành y, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; một nhân viên hành chính.

Đối với ngân hàng mô thuộc cơ sở y tế thì nhân lực có thể kiêm nhiệm, riêng kỹ thuật viên y hoặc điều dưỡng phải làm việc chuyên trách. Đồng thời, ngân hàng mô phải có đủ trang thiết bị theo danh mục quy định.

Nghị định cũng quy định điều kiện riêng để cấp giấy phép hoạt động đối với ngân hàng giác mạc (ngân hàng mô chỉ hoạt động về giác mạc).

Cụ thể, về cơ sở vật chất, ngoài điều kiện như đối với cơ sở vật chất ngân hàng mô nêu trên, thì ngân hàng giác mạc phải có đủ trang thiết bị quy định; người lấy giác mạc phải có trình độ từ trung cấp trở lên, được đào tạo về lấy và bảo quản, vận chuyển giác mạc.

Việc hiến mô, tạng của nhiều người chết não đã cứu sống thêm nhiều người cần được ghép tạng

Theo Nghị định mới, nếu ngân hàng mô đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của Nghị định 56/2008/NĐ-CP ngày 29-4-2008 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thì được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30-6-2017.

Từ 1-7-2017, ngân hàng mô phải được cấp giấy phép hoạt động theo các điều kiện, thủ tục quy định tại nghị định này

Có thể nói việc cho phép tư nhân thành lập ngân hàng mô nhằm thể hiện tinh thần xã hội hóa lĩnh vực y tế và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của cá nhân, tổ chức. Vấn đề này cũng phù hợp với nội dung trong nghị định là khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, hợp tác trong việc nghiên cứu, hiến, lấy, ghép, lưu trữ, bảo quản mô, bộ phận cơ thể người.

Hiện nay nếu cộng đồng muốn đăng ký hiến mô thì có thể liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất, hoặc liên hệ với Trung tâm điều phối quốc gia về hiến, ghép mô và bộ phận cơ thể người hoặc trực tiếp đến một trong các ngân hàng mô sau: Ngân hàng Giác mạc-Bệnh viện Mắt Trung ương; Trung tâm mô, phôi - ĐH Y Hà Nội; Ngân hàng Mô- Viện Bỏng Lê Hữu Trác; ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; Ngân hàng tế bào gốc Mekophar để đăng ký nguyện vọng hiến mô của mình.

Thái Bình
Ý kiến của bạn
Tags: