Đối tượng áp dụng của Nghị định 58/2020 là người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Luật BHXH; các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện đóng vào Quỹ bảo hiểm Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp trong BHXH bắt buộc.
Theo Nghị định, người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH cho người lao động quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và h Khoản 1 Điều 2 và Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, theo 1 trong các mức sau:
Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.
Từ 15/7, áp dụng mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp theo quy định mới.
Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu bảo đảm các điều kiện sau:
Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và BHXH.
Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
Nghị định quy định người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH (hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí).
Đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh
doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng tương ứng theo điều kiện từng trường hợp quy định ở trên; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng/lần.
Bộ LĐ-TB&XH có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trình Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức đóng quy định tại Điều 4 của Nghị định này, căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp trong từng thời kỳ; tổ chức triển khai thực hiện Nghị định này.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành thực hiện việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp... Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020.