Luật Phòng chống tham nhũng 2018 (thay thế Luật Phòng chống tham nhũng 2005) quy định tất cả cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập. Nếu kê khai không trung thực, cán bộ có thể bị xử lý kỷ luật bằng cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...
Không chỉ công chức, sĩ quan công an, sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân cũng phải kê khai tài sản.
Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.
Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai hoặc từ các nguồn thông tin khác.
Trường hợp phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai không kê khai, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan. Nếu tài sản, thu nhập có biến động tăng, cán bộ phải giải trình về việc này.
Công khai tài sản của công chức tại nơi làm việc từ ngày 1/7.
Được biết, kê khai tài sản được xác định là một trong những biện pháp quan trọng góp phần phòng, chống tham nhũng. Pháp luật đã có những quy định rõ về kê khai tài sản nhằm giúp cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, tiêu cực. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi phải đổi mới về nội dung, hình thức và có cơ chế kiểm soát kê khai hiệu quả hơn.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, trong thời gian từ năm 2007 đến nay, các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 4.859 trường hợp kê khai tài sản và chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai không trung thực. Trong khi đó, chỉ sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái quy định. Ðáng chú ý, tiền và tài sản được kê biên, thu giữ từ một số vụ án tham nhũng, án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đạt khá cao. Thí dụ như vụ án Giang Kim Ðạt, cơ quan chức năng đã thu giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn kê biên hơn 10 nghìn tỷ đồng; vụ Ngân hàng Ðông Á kê biên hơn hai nghìn tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) thu hồi hơn sáu nghìn tỷ đồng; vụ Ðinh La Thăng thu hồi, khắc phục hơn 20 tỷ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh thu hồi hơn 45 tỷ đồng và vụ AVG thu hồi hơn 8.500 tỷ đồng… Tuy nhiên, số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là ở các địa phương. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng cũng còn thấp, chỉ đạt hơn 26% vào năm 2016, hơn 29% vào năm 2017.
Theo Điều 34, Luật PCTN (sửa đổi), người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.
Người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng thuộc diện có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
Vậy loại tài sản, thu nhập nào phải kê khai? Luật PCTN (sửa đổi) đã quy định rõ vấn đề này. Cụ thể gồm: quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Luật giao Chính phủ quy định mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập và việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.
Trong quá trình thảo luận Luật PCTN (sửa đổi), có ý kiến cho rằng, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức là không khả thi.
Tuy nhiên, theo nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi tài sản, thu nhập có biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên…, những đối tượng này không phải kê khai hàng năm.
Luật PCTN (sửa đổi) đã quy định áp dụng phương thức kê khai tài sản, thu nhập phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau.
Theo đó, chỉ người giữ chức vụ từ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao (làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác) mới phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.
Việc kê khai của những người này phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 hằng năm nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo các chuyên gia, Luật quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng đã thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hàng năm là phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi.