Từ ngày 1/1/2016, đóng BHXH dựa trên mức lương và phụ cấp

30-12-2015 20:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định từ 2016 đến hết năm 2017, việc đóng BHXH sẽ theo mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 quy định từ 2016 đến hết năm 2017, việc đóng BHXH sẽ theo mức lương và phụ cấp lương ghi trong  hợp đồng lao động. Từ ngày 1/1/2018, tính đóng BHXH sẽ theo mức lương, phụ cấp lương và  bổ sung cả các khoản phụ cấp khác.

Từ tháng 1/1/2016, những người hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (công chức, viên chức nhà nước hưởng lương theo  Nghị định của Chính phủ) tiền lương để tính đóng BHXH không thay đổi, vẫn đóng BHXH theo tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Từ ngày 1/1/2016, tiền đóng BHXH bao gồm tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và thêm phụ cấp lương.

Viên chức quản lý chuyên trách trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đóng BHXH theo hệ số tiền lương quy định tại Nghị định số 51 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật BHXH, có lộ trình gồm:

Từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017, tính đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Như vậy, so với quy định trước đây, tiền lương tính đóng BHXH giai đoạn 2016 - 2017 có thêm khoản phụ cấp lương.

Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác do doanh nghiệp tự xây dựng làm căn cứ thỏa thuận, ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động theo quy định của pháp luật.

So với quy định tại Luật BHXH năm 2006, các điểm mới theo quy định này là: Người lao động trong doanh nghiệp nhà nước hưởng lương theo hệ số theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004, trước năm 2016 đang đóng, hưởng BHXH theo hệ số, từ ngày 1/1/2016 trở đi tính đóng BHXH theo tiền lương ghi trong HĐLD như những người lao động làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, bình đẳng giữa 2 khu vực.

Tiền lương đóng BHXH từ ngày 1/1/2016 là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động gồm thêm phụ cấp lương và từ ngày 1/1/2018 thêm cả các khoản phụ cấp khác.

Ngoài ra, Luật cũng quy định về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đó là cán bộ xã không chuyên trách (thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất) thực hiện từ năm 2016; người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (không nhất thiết đã tham gia BHXH trước khi đi); người lao động theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 tháng (từ năm 2018); lao động là người nước ngoài từ năm 2018.

Các điểm mới theo quy định này là:

Người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương theo hệ số đang đóng, hưởng BHXH theo hệ số, thì từ ngày 1/1/2016 trở đi tính đóng BHXH theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động như những người lao động làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, tạo sự bình đẳng giữa hai khu vực.

Tiền lương đóng BHXH từ 1/1/2016 là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, gồm thêm phụ cấp lương, và từ 1/1/2018 thêm cả các khoản phụ cấp khác.

Tiền lương ghi trong HĐLĐ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định. Tiền lương gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh; Phụ cấp lương; Các khoản bổ sung khác.

Nội dung cấu thành tiền lương:

Mức lương: Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang bảng lương do NSDLĐ xây dựng theo các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP, trong đó:

Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi người lao động phải qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng.

Mức lương công việc nặng nhọc độc hại: cao hơn ít nhất 5% so với điều kiện lao động bình thường, đặc biêt nặng nhọc độc hại thì cao hơn ít nhất 7%.

Khi xây dựng, sửa đổi thang bảng lương: tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động, công bố công khai, gửi cơ quan nhà nước về lao động cấp huyện. Phải báo cáo chủ sở hữu cho ý kiến trước khi thực hiện.

Về phụ cấp lương:

Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tình đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương như:

Yếu tố điều kiện lao động, có yếu tố nặng nhọc độc hại, nguy hiểm.

Yếu tố phức tạp: thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng.

Về các khoản bổ sung khác: là các khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong HĐLĐ. Trừ: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ người kết hôn.

Với cách tính trên, quyền lợi của người lao động sẽ tăng, bởi mức hưởng sau này dựa trên mức đóng và thời gian đóng. Đóng càng cao thì hưởng lương hưu sau này càng nhiều”, ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban thu BHXH Việt Nam cho biết.

Theo ông, người lao động sẽ có tích lũy lâu dài, về già sẽ nhận được lương hưu nhiều hơn so với hiện nay. So với các nước trên thế giới, độ tuổi trung bình nghỉ hưu của người Việt thấp, khoảng 54,2 (bình quân 55,6 với nam và 52,6 đối với nữ). Trong khi đó thế giới độ tuổi trên dao động 60-62. Mỗi năm đóng BHXH, lao động nữ được nhận bình quân 3% lương hưu, còn lao động nam được 2,5%.

Việc nghỉ hưu sớm và chính sách được hưởng lương hưu một lần khiến cho quỹ lương hưu mất cân đối. Cách tính mới này đảm bảo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, bình ổn quỹ lương hưu và để đảm bảo tương lai lâu dài cho người lao động.

Hiện nay, nhiều chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội theo tiền ghi trên hợp đồng, trong khi mức tiền lương này thấp hơn thực tế. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp còn “chẻ” thu nhập của người lao động ra thành nhiều khoản dẫn đến nghịch lý là các loại phụ cấp lớn hơn lương. Số tiền này không được tính đóng bảo hiểm xã hội gây thiệt thòi cho người lao động, dẫn đến thất thu BHXH

Theo ông Liệu, việc đóng BHXH theo phương thức mới khắc phục được tình trạng trên, buộc doanh nghiệp phải đóng đúng theo tiền lương người lao động thực lĩnh. Doanh nghiệp cần hướng tới mục tiêu vì người lao động. Trả lương cao, đóng góp các khoản phúc lợi xã hội cao thì người lao động yên tâm làm việc, mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp.


Thái Bình
Ý kiến của bạn