Từ ngày 01/7/2019, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng. Do đó, những người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình sẽ có thay đổi về mức đóng BHYT.
Mức tăng cao nhất khi tham gia BHYT hộ gia đình chỉ 4.500 đồng/tháng
Theo tính toán, mức đóng BHYT hộ gia đình tăng cao nhất với người tham gia số 1 nhưng cũng chỉ tăng 4.500 đồng/tháng và từ người tham gia thứ 5 trở đi có mức tăng thấp nhất 1.800 đồng/tháng.
Về kinh phí tham gia BHYT hộ gia đình, Tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định mức đóng BHYT của đối tượng hộ gia đình: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Việc giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ ngày 1/7/2019 có sự điều chỉnh tăng theo mức lương cơ bản, tuy nhiên tăng cao nhất cũng chỉ là 4.500 đồng/tháng
Theo đó, mức đóng BHYT theo hộ gia đình từ ngày 1/7/ 2019 có thay đổi, cụ thể:
- Người thứ nhất: 67.050 đồng/tháng; 1 năm là: 804.600 đồng. Hiện nay người thứ nhất: 62.550 đồng/tháng; 1 năm là: 750.600 đồng.
- Người thứ 2: 46.935 đồng/tháng; 1 năm là: 563.220 đồng. Hiện nay mức đóng người thứ 2: 43.785 đồng/tháng; 1 năm là: 525.420 đồng.
- Người thứ 3: 40.230 đồng/tháng; 1 năm là: 482.760 đồng. Hiện nay mức đóng người thứ 3: 37.530 đồng/tháng; 1 năm là: 450.360 đồng.
- Người thứ 4: 33.525 đồng/tháng; 1 năm là: 405.300 đồng. Hiện nay mức đóng người thứ 4: 31.275 đồng/tháng; 1 năm là: 375.300 đồng.
- Từ người thứ 5 trở đi: 26.820 đồng/tháng; 1 năm là: 321.840 đồng. Hiện nay mức đóng từ người thứ 5 trở đi: 25.020 đồng/tháng; 1 năm là: 300.240 đồng.
Quyền lợi của người tham gia BHYT theo hộ gia đình thế nào?
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 22 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014 và hướng dẫn của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức hưởng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.
Trong trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến 5/2009 cả nước đã có 84,5 triệu người dân có thẻ BHYT và đã đạt được tỉ lệ bao phủ là 89%. Có thể nói hiện nay các nhóm đối tượng là người lao động đã tham gia BHYT trên 90% một con số rất đáng khích lệ. Nhóm người hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội thì 100% đã tham BHYT với khoảng 3,1 triệu người có thẻ BHYT. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ bao gồm có hộ cận nghèo, học sinh sinh viên cũng đã có cái tỷ lệ tham gia xấp xỉ 100%.
“Một điều mà tôi muốn nhấn mạnh là nhóm hộ gia đình trước đây được tham gia BHYT dưới hình thức tự nguyện, từ ngày Luật BHYT sửa đổi năm 2014 thì chuyển thành đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nhưng theo hình thức là hộ gia đình, đến tháng 5/2019 đã có trên 17 triệu người tham gia. Đây là con số mà chúng tôi nghĩ rằng nó thể hiện sự quyết tâm cao độ của cả hện thống chính trị cũng như là sự quan tâm người dân trong quá trình tham gia BHYT”- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nói