Từ một góc nhìn tâm linh với Đội gạo lên chùa

18-07-2011 13:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là phóng viên báo Văn nghệ Quân đội từ năm 1959, đến 1965, ông làm phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong, 1983 mới nghỉ hưu. Ít ai biết ông từng học Đại học Y Hà Nội 1951-1952, rồi bỏ học ra khu Bốn đi bộ đội. Ông xuất bản tập truyện ngắn đầu đời năm 1963: Rừng sâu.

(NXB Phụ nữ - Quý II/2011)

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là phóng viên báo Văn nghệ Quân đội từ năm 1959, đến 1965, ông làm phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong, 1983 mới nghỉ hưu. Ít ai biết ông từng học Đại học Y Hà Nội 1951-1952, rồi bỏ học ra khu Bốn đi bộ đội. Ông xuất bản tập truyện ngắn đầu đời năm 1963: Rừng sâu.

Nguyễn Xuân Khánh thực sự nổi tiếng với tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly (2000) khi đã giáp vách tuổi 70, nhận 4 giải thưởng. Rồi lừng lững sau đó là Mẫu thượng ngàn (2005), nhận 2 Giải thưởng: nay là Đội gạo lên chùa (2011) khi đã giáp vách tuổi 80.

Nhận xét một tác phẩm đẳng cấp như Đội gạo lên chùa cần sự nghiên cứu hàn lâm của các nhà phê bình đai đẳng tương ứng. Với tư cách bạn viết và độc giả trong một bài báo ngắn, tôi chỉ dám soi chiếu từ góc độ cảm nhận riêng:

Nguyễn Xuân Khánh với tuổi đời và trải nghiệm của một nhà văn gần gũi với cuộc sống dân dã, nguồn văn hóa dân tộc đã thấm đẫm trên từng trang văn của ông. Ở Đội gạo lên chùa ông vừa đào sâu, vừa phổ cập về đạo Phậtxuyên suốt truyền thống lịch sử, từ vị tổ Thiền phái Trúc Lâm, nhà vua Trần Nhân Tông với “Cư trần lạc đạo…” cho đến lời khuyên đệ tử của một sư bà thời nay: “Tâm là Phật, con ơi!”.

Cấu trúc tác phẩm xoay quanh một cái trục, mà tâm điểm là ngôi chùa Sọ, là góc độ độc đáo của tác phẩm... Trong Đội gạo lên chùa, chùa Sọ là trung tâm tâm linh mọi sự kiện, mọi nhân vật trong làng Sọ, không chỉ thu hút những người tín tâm, có tiền duyên cửa Phật, mà đùm bọc cả những nạn nhân chiến cuộc không nơi bấu víu như chị em Nguyệt, An bố mẹ bị giết trong một trận càn. Chùa Sọ còn là nơi trau dồi những phẩm chất thiện lương, cốt cách làm người trước khi là một cán bộ cách mạng.

Những nhân vật tốt xấu trong làng đều ít nhiều liên quan đến ngôi chùa Sọ và quan hệ họ hàng với người nhà chùa. Hòa thượng trụ trì đạo cao đức trọng vẫn bị phòng nhì Pháp bắt, tra tấn đến gãy chân, bởi địch cho rằng nơi ít ngờ nhất là nơi có thể có cán bộ kháng chiến về hoạt động.

Có những chi tiết thuộc lĩnh vực tâm linh, nhà văn hiện thực vẫn đưa vào tác phẩm, để ngỏ lý giải cho các nhà ngoại cảm. Bà vãi Thầm như người ngẩn ngơ do hoàn cảnh chịu nhiều mất mát, nửa sống với cõi trần, nửa sống với người âm. Bà gán tên người thân đã mất vào từng con đom đóm lập lòe về thăm bà mỗi tối. Nhưng có lần bà nằm mơ thấy một vị quan trên thượng giới cho mang 3 mâm đồ lễ đến xin cưới cô Nguyệt thì đúng hôm sau, gia đình thầy giáo Hải cũng mang đồ lễ đến xin cưới cô Nguyệt như điềm mộng của bà. Chú hổ con lớn lên, thân thiện với mọi người nhà chùa, nhưng với sư Thích Khoan Độ, nguyên là tướng cướp, ông vẫn không sao thu phục được thiện cảm của hổ con. Sư Thích Khoan Độ tự biết khả năng thuyết giáo của mình kém nên chỉ nhận là người bảo vệ nhà chùa. Quả nhiên, khi theo dõi hành tung một viên cai đội, biết hầm giấu cán bộ đã bị lộ, chỉ còn mỗi cách “giết người diệt khẩu”, sư đành dùng đôi bàn tay hộ pháp bóp chết viên cai đội trong rừng.

Một trường hợp khác: ông Chánh làng Sọ có đến 6 vợ, người vợ trẻ nhất, xinh đẹp nổi tiếng có đứa con gái mà nghe thiên hạ đồn thổi, ông nghi hoặc không phải con mình nên ghẻ lạnh. Cải cách ruộng đất, ông là địa chủ số 1.

Ngày hôm sau, ai cũng rõ là ngày sống cuối cùng của ông. Cô con gái Rêu, mẹ bị ép duyên, thành nạn nhân của tội ác địa chủ, vẫn tìm đến gặp bố lần cuối. Ông bố nhìn lên vách, thấy còn duy nhất cây đàn nguyệt, ông bảo Rêu: “Thầy biết con có tập đàn này, hãy đánh thử một bài thầy nghe!”.

Rêu vừa khóc vừa chơi đàn. Ông Chánh kinh ngạc thấy ngón đàn thật tài hoa, “chỉ cần qua “linh hồn” tiếng đàn, nó đích thị là một truyền nhân của ta!”. Cả làng này chỉ có Rêu chơi giống ông như vậy. Ông cảm động, xóa bỏ hết nghi ngờ (vậy là cái gien di truyền tinh thần được đặt cao hơn gien sinh học!)...

Chùa Sọ qua bao biến thiên, như toả ra một trường từ lực, trở thành trung tâm điều hòa những đối nghịch thiện ác, nuôi dưỡng mầm thiện, che chở cả những linh hồn không nơi nương náu…

Đội gạo lên chùa là cuốn tiểu thuyết hiện thực, viết theo lối biên niên cổ điển, ghi nhận mọi sự kiện, con người và xã hội Việt Nam dưới lăng kính nhân ái của nhà văn. Những điểm sáng tâm kinh tôi lẩy ra như một vùng huyền thoại thắp sáng thêm những trang viết chân thực mà nhà văn muốn chia sẻ với những số phận, những kiếp người…

VÂN LONG


Ý kiến của bạn